Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuốc hội và Thượng viện Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế...

Quốc hội và Thượng viện Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi về tình hình Biển Đông

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội Pháp (27/2) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Thách thức và thời cơ đối với Pháp và Việt Nam” nhằm trao đổi, thảo luận về diễn biến tình hình, thách thức và tiềm năng kinh tế, sinh thái, khoa học và văn hóa tại Biển Đông.

Tham dự Hội thảo trên có chính trị gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, các nhà ngoại giao, nhà báo Pháp, Việt Nam. Hội thảo gồm 2 nội dung chính, được tổ chức làm 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận buổi sáng diễn ra tại trụ sở Quốc hội Pháp. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và các chính trị gia, cũng như những người tham dự, tập trung thảo luận về đề tài “Các thách thức địa chiến lược và pháp lý trên Biển Đông đối với các quốc gia ven biển Đông và các cường quốc, giữa căng thẳng và hợp tác”. Phiên thảo luận buổi chiều được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp, tập trung vào các thách thức và tiềm năng kinh tế, sinh thái, khoa học và văn hóa tại Biển Đông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội Pháp Stéphanie Do cho biết: “Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt đặt ưu tiên tập trung triển khai chính sách ngoại giao nghị viện. Trong khuôn khổ này, Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tổ chức hội thảo ngày hôm nay. Chúng tôi vinh dự được đón tiếp các nhân chứng, các nghị sỹ, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học và các giáo sư, những người sẽ đề cập tới các thách thức đặt ra cho cộng đồng quốc tế trên Biển Đông. Tôi cho rằng, đó sẽ là các thách thức về chính trị, địa chiến lược và pháp lý”.

Trước đó, Quỹ Gabriel Péri (25/2) cũng đã tổ chức Hội thảo về “tình hình Biển Đông, các thách thức và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chung” tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, mọi tranh chấp trên Biển Đông đều cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Biển Đông là khu vực biển quốc tế, quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cần được đảm bảo. Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, các quốc gia có chủ quyền trên biển Đông và tất cả các quốc gia có hoạt động trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cần có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và khai thác bền vững các nguồn hải sản trong khu vực biển này. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh chung trong khu vực biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định việc các nước trên thế giới, trong đó có Pháp, hiện diện trên biển Đông góp phần đảm bảo an ninh chung, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế.

Được biết, Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, 1,5 triệu công dân Pháp sinh sống và có 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Pháp đã có những tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong đó, từ năm 2014, hải quân Pháp đã cho tàu tuần tra vùng Biển Đông như là một cách duy trì tự do hàng hải trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong năm 2016, Pháp cũng đã cử chiến hạm tàng hình lớp La Fayette tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Chiến hạm La Fayette (hay còn gọi là FL-3000) là lớp khinh hạm tàng hình đa năng do Tập đoàn DCNS thiết kế cho Hải quân Pháp. Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn; dài 125 m; rộng 15,4 m; mớn nước 4,1 m; vận tốc tối đa 25 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h; thủy thủ đoàn 80 người; trang bị pháo hạm 100 mm, tên lửa chống hạm Exocet Block 3, tên lửa phòng không tầm trung – xa Aster-15/30, pháo tự động bắn nhanh 30 mm F2 và ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU90 Impact. Năm 2017, Pháp cho tàu hộ vệ đa dụng Auvergne tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Năm 2018, Pháp tiếp tục cử tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa. Tàu Dixmude là một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp, có lượng giãn nước 21.500 tấn, dài 200m, rộng 32m và chiều cao tối đa 48m. Tàu có chức năng như một bộ chỉ huy trên biển. Ngoài ra, Pháp cũng đang có thúc đẩy các kế hoạch tập trận trên Biển Đông với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới