Từ sau sự kiện Trung Quốc đưa trái phép tàu khảo sát địa chất hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống hoạt động trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 7/2019 và một số hoạt động tương tự tại vùng biển của Philippines, Malaysia trong cùng thời điểm này, Bắc Kinh đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước. Điều này đã khiến ý đồ lợi dụng danh nghĩa “hợp tác nghiên cứu, khảo sát khoa học biển” như trước đây của Trung Quốc không còn phát huy tác dụng.
Trước đây, Trung Quốc là nước khởi xướng ra nhiều các loại hình hợp tác, nghiên cứu hải dương, trong đó mở rộng từ gần bờ ra xa bờ và tới vùng biển các nước. Và thực tế, nhiều nước đã mắc bẫy Trung Quốc. Ví dụ điển hình là trường hợp của Philippines. Với Philippines, nước được coi là ngọn cờ đầu trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và cũng là nước đệ đơn kiện yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông lên Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), từ ngày 24/1-25/2/2018, Trung Quốc đã công khai việc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại khu vực này theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước (15/2/2018). Truyền thông Trung Quốc ca ngợi và hy vọng rằng Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở Biển Đông. Trường hợp thứ hai là Myanmar. Với các khoản hỗ trợ đầu tư về kinh tế, trong lĩnh vực khoa học, từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Hướng Dương Hồng 3” tới Vùng đặc quyền kinh tế của Myanmar tại Ấn Độ Dương để cùng với các nhà khoa học Myanmar tiến hành khảo sát và nghiên cứu khoa học biển với hành trình trải dài hơn 680 hải lý.
Một số nước có hoạt động nghiên cứu hải dương học phát triển trên thế giới như Pháp, cùng từng bị Trung Quốc gài bẫy khi được mời tham gia các hoạt động khảo sát khoa học về sự thay đổi của hệ sinh thái và các bãi san hô tại khu vực gần đảo Hải Nam, Hồng Công, Hạ Môn và Thượng Hải. Gọi là mắc bẫy vì thực tế,tàu Tara của Pháp được Trung Quốc mời nhưng lại không được tiến hành những hoạt động nghiên cứu thực địa mà theo các kế hoạch của Trung Quốc, trong đó các nhà khoa học Pháp chỉ được phép tiếp cận các vùng biển trong các khu vực bảo tồn san hộ của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Những báo cáo của thủy thủ và chuyên gia trên tàu Tara đã cho thấy những bức xúc của họ. Thậm chí sau đó, sự tham gia của tàu khoa học Pháp đã xuất hiện trên hầu hết trên các thông tin, báo cáo của Trung Quốc về kết quả trong hợp tác quốc tế, cải thiện môi trường sinh thái, phục hồi san hô của Bắc Kinh tại Biển Đông nơi nước này tiến hành bồi đắp, cải tạo đảo nhân tạo vốn bị dư luận và giới khoa học lên án là hủy hoại môi trường.
Báo chí và giới chức Trung Quốc vẫn tích cực tuyên truyền, bao biện về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển, với các điểm nhấn hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển của Trung Quốc với các nước là một nội dung quan trọng được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), nhằm giúp Trung Quốc từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, phục vụ triển khai “Con đường tơ lụa trên biển” và cùng với các nước khác xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Nhiều bài báo ca ngợi rằng hoạt động hợp tác khảo sát khoa học biển là nỗ lực của Trung Quốc trong việc chủ động chia sẻ kinh nghiệm với các nước để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, phát hiện và khai thác các nguồn tài nguyên biển nhằm mang lại lợi ích cho các nước.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế về khảo sát nghiên cứu khoa học biển của Trung Quốc lại bị dư luận tại nhiều nước phản đối ngày càng gay gắt. Ngay tại Philippines, bất chấp thái độ thực dụng của chính phủ khi thúc đẩy hợp tác khai thác chung với Trung Quốc, một bộ phận chính giới và các nhà khoa học Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (2/2018) đã kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 5 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, trong đó nước được chú ý nhất chính là Philippines, nhằm tạo hình ảnh về “thiện chí” của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tạo ra sự ngộ nhận trong dư luận về một Biển Đông ổn định và hợp tác theo những gì Trung Quốc tuyên truyền, nhằm che đậy việc nước này đang đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông như đưa tên lửa, máy bay chiến đấu ra Trường Sa, lắp đặt hệ thống rada gây nhiễu sóng. Trung Quốc đã tạo sự nghi kỵ trong nội bộ các nước ASEAN và hiểu lầm của các nước bên ngoài về các hoạt động hợp tác cùng khai thác song phương với Trung Quốc.