Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngĐội hình tàu sân bay Mỹ rầm rộ vào Biển Đông

Đội hình tàu sân bay Mỹ rầm rộ vào Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã đến Biển Đông.

Thông qua Twitter, hải quân Mỹ ngày 3.3 công bố một loạt hình ảnh ấn tượng nhất trong ngày ghi lại hoạt động của các hạm đội khắp toàn cầu. Đáng chú ý là hình ảnh một tiêm kích F/A-18E Super Hornet, trực thuộc phi đoàn tấn công số 31, đang bay trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71).
Theo trang Navy.mil của hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) Theodore Roosevelt đang thực hiện sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Còn trang tin của Viện Hải quân Mỹ – USNI News ngày 2.3 đề cập rõ hơn khi cho biết tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang ở Biển Đông, với sự tháp tùng của Biên đội tàu khu trục số 23.

Đội hình hùng hậu

Dựa trên hình ảnh từ hải quân Mỹ, USS Theodore Roosevelt đang di chuyển trong đội hình hộ tống nhiều hơn thường lệ, với ít nhất một tuần dương hạm và 5 tàu khu trục. Tất cả tàu hộ tống đều được trang bị tên lửa dẫn đường, với mỗi tàu mang theo gần 100 tên lửa. Theo phân tích của trang Popular Mechanics, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường bao gồm một hàng không mẫu hạm, một tàu tuần dương và 2 – 3 tàu khu trục. Trong đó, tuần dương hạm đóng vai trò chính trong việc hình thành lá chắn bảo vệ tàu sân bay, đặc biệt xử lý các mối đe dọa trên không. Di chuyển gần đó trong lòng biển là một tàu ngầm tấn công hạt nhân để bảo vệ CSG trước những mối đe dọa dưới nước.
Vì thế, số lượng đông đảo hơn hẳn của các chiến hạm xung quanh USS Theodore Roosevelt thu hút sự chú ý của giới quan sát và các nhà phân tích cục diện tại khu vực.
 
Trước đội hình hoành tráng trên, trang Popular Mechanics gọi USS Theodore Roosevelt là một trong những hàng không mẫu hạm Mỹ được bảo vệ chặt chẽ nhất, nếu không muốn nói là trước nay chưa từng có trong lịch sử hải quân Mỹ. Phát biểu tại lễ ra quân của CSG Theodore Roosevelt vào ngày 17.1 tại cảng nhà San Diego (bang California, Mỹ), giới chức căn cứ không – hải North Island nhấn mạnh: “Nhóm tác chiến tàu sân bay (Theodore Roosevelt) sẽ bảo vệ an ninh hàng hải, duy trì sự di chuyển tự do trên biển theo luật quốc tế, và phối hợp với các đối tác đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”.

Căng thẳng dâng cao

Sứ mệnh tại Biển Đông của CSG Theodore Roosevelt diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Tình trạng này bắt đầu khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 26.12.2019, hành động công khai phản ứng Mỹ liên tục tổ chức diễn tập hải quân tại khu vực. Kết quả là kể từ Tết Nguyên đán, không quân và hải quân Trung Quốc đã nâng mức sẵn sàng tác chiến tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Các phi công của chiến khu Đông và Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được yêu cầu hủy bỏ kế hoạch nghỉ tết và liên tục bay tuần tra tại hai vùng biển trên, theo báo PLA Daily.
Hồi tuần trước, một nhóm tàu gồm 6 chiếc của hạm đội Nam Hải đã quay về cảng nhà Tam Sa, tỉnh Hải Nam sau khi hoàn tất hoạt động diễn tập bắn đạn thật suốt 41 ngày ở Tây Thái Bình Dương. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn nhất và diễn ra dài nhất trong 2 năm trở lại đây. Khi quay về, khu trục hạm lớp Type 052D dẫn đầu đội tàu đã chiếu laser vào máy bay tuần tra quân sự Mỹ. Hải quân Mỹ đã gọi đây là hành động “không an toàn và không chuyên nghiệp”.
Báo chí Trung Quốc cũng đề cập đến sứ mệnh hiện tại của nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tại Biển Đông, theo sau chiến dịch tương tự của nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu vào tháng 12.2019. Bắc Kinh cho rằng hải quân Mỹ sẽ sớm điều thêm nhóm tác chiến tàu sân bay thứ ba đến khu vực, theo nguồn thạo tin.
RELATED ARTICLES

Tin mới