Quyền Bộ Trưởng Hải Quân Mỹ Thomas B. Modly (28/2) cho biết Hải Quân Trung Quốc đang có các bước tiến rất lớn và đang trở thành một mối đe dọa thực sự cho Hải Quân Mỹ chỉ trong 10 năm tới.
Phát biểu tại viện Brookings Institution, một cơ quan nghiên cứu ở Washington, Quyền Bộ Trưởng Hải Quân Mỹ Thomas B. Modly cho biết hiện Hải Quân Mỹ sẽ không gặp khó khăn gì để đánh bại Trung Quốc trong một cuộc đối đầu trên biển, nhưng các tham vọng lớn lao của Bắc Kinh, hợp cùng với khả năng đóng chiến hạm vượt trội, đang nhanh chóng đưa quốc gia này trở thành một đối thủ đáng gờm. Bên cạnh đó, ông Thomas B. Modly cho rằng để có thể đối đầu hữu hiệu hơn với Trung Quốc và Nga, Hải quân Mỹ “cần có các chiến hạm đổ bộ tấn công tối tân hơn, các tàu tiếp tế và các tàu không người lái, cùng chú trọng hơn nữa về cách hoạt động sao cho hữu hiệu”. Ngoài ra, Quyền Bộ Trưởng Hải Quân Mỹ cáo buộc Trung “đánh cắp nhiều thứ từ Mỹ. Điều này giúp họ nhảy vọt để đến gần chúng ta trong những lãnh vực mà hiện chúng ta chưa biết sẽ đối phó ra sao”; đồng thời nhận định khoảng cách kỹ thuật giữa hai nước đang ngày càng bị thu hẹp.
Trước đó, giới chuyên gia không ngừng so sánh giữa sức mạnh của lực lượng hải quân liên tục được Trung Quốc mở rộng với vị thế bá chủ đại dương của Mỹ từ sau Thế chiến II, đồng thời cho rằng hải quân Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế so với hải quân trung quốc. Cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodge nhận định nhiều khả năng chiến tranh Mỹ -Trung sẽ nổ ra trong 15 năm tới. Nhằm hạn chế ảnh hưởng và lợi ích của Washington ở châu Á, Bắc Kinh đang mạnh tay đầu tư cho hải quân. Tính tới năm 2017, hải quân Trung Quốc có tổng cộng 317 tàu chiến so với 283 chiếc của Mỹ. Trong khi đó, Báo cáo của hải quân Mỹ hồi tháng 5/2019 nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm.
Chuyên gia quân sự Kyle Maxey cho rằng quy mô hạm đội Mỹ nhỏ hơn đối thủ, nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc. Không chỉ lớn hơn tàu sân bay Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C đang thử nghiệm. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15. Việc không được lắp lò phản ứng hạt nhân khiến tầm hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên hạm.
Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc có tổng cộng 131 khu trục hạm và tàu hộ vệ các loại, vượt trội so với 85 tàu của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiến hạm hai bên đều bị giới hạn bởi tầm bắn của tên lửa hành trình diệt hạm. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng cảng biển tại các nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines để tấn công mục tiêu giá trị cao của hải quân Trung Quốc ở gần đại lục. Ngược lại, hải quân Trung Quốc có thể tập kích các tiền đồn của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, phá hủy hệ thống liên lạc khiến đối thủ khó phát huy đầy đủ sức mạnh. Không những vậy, Hải quân Trung Quốc hiện có 73 tàu ngầm, nhiều hơn một chiếc so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm của Bắc Kinh có độ ồn cao do công nghệ lạc hậu, khiến chúng dễ bị tàu săn ngầm Mỹ phát hiện và tấn công từ xa.
Dù sở hữu số lượng chiến hạm áp đảo hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc khó lòng đạt khả năng độc lập tác chiến và hiệp đồng ngang ngửa đối phương. Để bù đắp yếu kém này, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Một trong những thành phần quan trọng nhất của A2/AD là tên lửa đạn đạo diệt hạm. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới biên chế loại vũ khí này với hai mẫu tên lửa “sát thủ tàu sân bay” là DF-21D và DF-26. Theo đó, DF-21D đạt tầm bắn 2.000 km, trong khi biến thể nâng cấp DF-26 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 3.000-4.000 km. Nhờ trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1,8 tấn, tên lửa DF-26 có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở đảo Guam, đối phó mũi tấn công từ Biển Đông và đe dọa hoạt động của tàu sân bay Mỹ.
Điều này buộc Mỹ phải phát triển nhiều giải pháp đối phó mối đe dọa này như vũ khí laser và lá chắn tên lửa tầm xa dựa trên hệ thống chiến đấu Aegis. Hải quân Mỹ phụ thuộc nhiều vào kết nối dữ liệu qua vệ tinh để thu thập và trao đổi thông tin nhận dạng mục tiêu, điều phối tấn công và tác chiến hiệp đồng. Trung Quốc có thể tập trung gây nhiễu mạng lưới vệ tinh liên lạc quân sự (SATCOM) và do thám, cũng như vô hiệu hóa, làm sai lệch hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của đối phương. Nếu giải pháp tác chiến điện tử thất bại, Trung Quốc có thể tính tới phương án bắn hạ khí tài không gian Mỹ. Một số vũ khí diệt vệ tinh đang được Bắc Kinh hoàn thiện, dự kiến đưa vào thử nghiệm và biên chế trong vài năm tới.
Tuy nhiên, dù có số lượng lớn hơn, hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến. Cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế, cũng như để lại hậu quả thảm khốc bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào, đủ sức tham chiến trong thời gian dài.