Ngay sau khi tuyên bố đơn phương chấm dứt thế Hiệp định Các lực lượng Viếng thăm (VFA) với Mỹ, Philippines được cho là đang có các bước đi cứng rắn nhằm từng bước loại bỏ ảnh hưởng quân sự của Washington tại Manila.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Người phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo (01/3) cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte không cho phép tiến hành bất cứ cuộc đàm pháp mới nào nhằm ký kết một thỏa thuận quân sự mới để thay thế Hiệp định Các lực lượng Viếng thăm (VFA) với Mỹ; nhấn mạnh ông Duterte đã quyết tâm chấm dứt VFA. Bên cạnh đó, ông Panelo cũng bác bỏ các báo cáo trích dẫn phát biểu của Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Manila và Washington đang tìm kiếm các cách thức để tiến tới một thỏa thuận tương tự VFA.
Trong một động thái đáng chú ý, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (26/2) khẳng định lực lượng vũ trang nước này có thể chống lại quân nổi dậy và các phần tử Hồi giáo cực đoan mà không cần sự giúp đỡ quân sự từ phía Mỹ; cho biết ông sẽ kiên quyết không công du đến Mỹ, giống như những gì ông đã từng tuyên bố năm 2017 khi Washington lên án chính sách chống ma túy gây tranh cãi của Manila.
Trước đó, tuyên bố về việc chấm dứt VFA được đưa ra sau khi Washington từ chối cấp thị thực cho đồng minh chính trị của ông Duterte là thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, người từng lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của Manila từ năm 2016. Ông Duterte đã cho Mỹ một tháng để cấp lại thị thực cho ông dela Rosa nhưng các quan chức Mỹ đã không có tuyên bố hay hành động nào đáp lại yêu cầu này. Được biết, VFA cho phép lực lượng Mỹ được nhập cảnh và tạm thời đồn trú ở Philippines, cũng như tham gia các hoạt động huấn luyện chung với quân đội nước chủ nhà. Sau 180 ngày kể từ thông báo ngày 11/2 của Manila, thỏa thuận VFA sẽ chính thức hết hiệu lực. Thời gian này cho phép hai bên có thể đàm phán lại các điều khoản cần thiết nếu muốn cứu vãn thỏa thuận. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. có vẻ là người muốn cứu vãn thỏa thuận nhất trong số các chính khách liên quan. Ông đề xuất hai bên sẽ xem xét lại thỏa thuận để khắc phục những điểm còn bất đồng, thay vì hủy bỏ toàn bộ chúng. Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gọi tuyên bố của Manila là một quyết định “đáng tiếc”. Trong khi đó, Tổng thống Trump phản ứng dứt khoát hơn, cho biết nước Mỹ “sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền” nếu Philippines thực sự muốn rút khỏi VFA.
Được biết, Mỹ và Philippines vốn là đồng minh truyền thống của nhau ở khu vực. Hai nước đã có Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014, vốn được xem là nền tảng cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ – Philippines. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Duterte quan hệ này đang có sự dịch chuyển ngày càng cách xa nhau. Theo đó, trong chính quyền Philippines, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước MDT, vốn đã tồn tại gần 70 năm qua. Đề xuất này được chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra hồi tháng 01/2019. Phía Philippines cho rằng việc MDT quy định “mỗi bên thừa nhận rằng một vụ tấn công vũ trang trên Thái Bình Dương vào kia sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của bên còn lại, và tuyên bố rằng mỗi bên sẽ hành động để đối phó với những mối đe dọa chung theo cách phù hợp với các quy trình hiến pháp”. Điều này có nghĩa là Mỹ phải được quốc hội nước này chấp thuận nếu có bất kỳ cuộc can thiệp quân sự lớn nào trên danh nghĩa của Philippines. Hai năm trước, chính Mỹ đã từ chối can thiệp quân sự khi Philipines và Trung Quốc đối đầu nhau nhiều tháng ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đến nay vẫn chiếm đóng trái phép.
Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ – Philippines đi xuống, trong khi quan hệ Philippines – Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ. Sau Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông (7/2016), Chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte đã thực hiện chính sách đảo chiều từ chỗ đối đầu căng thẳng, sang thắt chặt quan hệ song phương gần gũi hơn với Trung Quốc. Philippines lúc này đã gác lại Phán quyết để thúc đẩy hợp tác khai thác chung để đổi lại những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ hai nước đang bước vào thời kỳ “trăng mật”. Ông Duterte gọi Trung Quốc là “người bạn thân thiết nhất” của Philippines. Trong khi đó, mối quan hệ Philippines – Mỹ lại có xu hướng nguội lạnh bởi sự tham gia ít ỏi của Mỹ trong sự phát triển của Philippines và đời sống quan hệ chính trị ở khu vực khi có sự xuất hiện của Philippines và Trung Quốc. Hồi năm 2016, Mỹ đã cho hoãn thương vụ bán 26.000 khẩu súng trường tấn công cho Philippines. Thương vụ này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người đứng đầu đảng Dân chủ ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ là Thượng nghị sĩ Ben Cardin trước cáo buộc Tổng thống Philippines Duterte vi phạm nhân quyền. Theo ông Duterte, động thái của Mỹ đã buộc nhà lãnh đạo Philippines phải đẩy mạnh mối quan hệ khăng khít hơn với Trung Quốc và Nga nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí mới. Cũng theo ông Duterte, Nga và Trung Quốc không đưa ra bất cứ lời đề nghị nào sau khi hỗ trợ quân sự cho Philippines. Ngoài ra, ông Duterte cũng chỉ trích việc Mỹ phản đối Philippines có giao dịch với Trung Quốc và lên án Manila về chiến dịch chống ma túy đẫm máu.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Philippines Duterte đưa ra tuyên bố cứng rắn chấm dứt VFA và sẽ không xem xét, thảo luận các thỏa thuận tương tự với Mỹ cho thấy quyết tâm của Manila trong việc từng bước loại bỏ ảnh hưởng quân sự của Mỹ. Theo giới nghiên cứu, việc nguyên thủ Philippines đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc đang gia tăng. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.
Trang tin The Diplomat nhận định, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Trong khi đó, đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Philippines, các chuyên gia quân sự và hàng hải ở Philippines đều có chung nhận định, Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhất khi mối quan hệ Mỹ-Philippines đổ vỡ. Tại Philippines, giới quan sát đều nhận thấy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc gia tăng xây dựng các công trình quân sự hóa các bãi cạn ở vùng Biển Tây Philippines từ năm 2016. Bên cạnh đó, không có thỏa thuận VFA, nguồn lực bảo đảm an ninh cho Philippines bị giảm đáng kể trong khi mà tiềm lực quân sự của nước này vẫn còn rất hạn chế và mối đe dọa của Trung Quốc là có thực. Cụ thể hơn là Philippines có thể không nhận được khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines, chưa kể Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines.
Không những vậy, trong châu Á – Thái Bình Dương nhìn chung, mối quan hệ liên minh Philippines-Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong vùng giữa lúc Mỹ đang cố gắng làm tròn vai trò kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tất nhiên Philippines vẫn chỉ là một nước mà mối quan hệ đồng minh với Mỹ không thể được coi là ưu tiên như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực trở nên mất độ tin cậy và điều đó có ý nghĩa rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.