Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChính trường Malaysia: Mưu cao quá hoá dễ bại

Chính trường Malaysia: Mưu cao quá hoá dễ bại

Chính trường Malaysia vừa có những đảo lộn lớn, với nhiều bất ngờ độc đáo. Cục diện chính trị ở đây chuyển dịch ra sao? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Ở Malaysia, Quốc vương Abdullah Ri’ayatuddin đã làm tiêu tan mộng vọng quyền lực của cả nguyên Thủ tướng Mohamad Mahathir lẫn cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim khi đề cử ông Muhyiddin Yassin làm Thủ tướng mới của đất nước này.

Ganh đấu quyền lực

Ông Muhyiddin, 72 tuổi, từng là Phó Thủ tướng thời ông Najib Razak và đảng Umno cầm quyền và là Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ vừa đây của ông Mahathir, khi xưa ở trong phe đảng Umno của ông Razak và rồi về phe đảng Bersatu của ông Mahathir.

Cho dù ông Muhyiddin chưa chứng tỏ được là đã có đủ đa số ủng hộ trong nghị viện và ông Mahathir có hẳn danh sách 114 dân biểu của nghị viện bao gồm 222 thành viên ủng hộ, vị Quốc vương kia vẫn lựa chọn ông Muhyiddin làm Thủ tướng mới. Qua đó có thể thấy, Quốc vương vừa muốn có sự thay đổi chứ không muốn để ông Mahathir tiếp tục nhiếp chính lại vừa muốn giải thoát chính trường Malaysia khỏi cuộc ganh đấu quyền lực giữa ông Mahathir và ông Ibrahim.

Ông Mahathir có đủ lý do xác đáng để nói là đã bị phản bội, đặc biệt là bị chính ông Muhyiddin phản bội trong khi ông Ibrahim cũng có đủ lý do chính đáng để phàn nàn là đã bị ông Mahathir phản bội. Chỉ có điều trong chính trị, phản bội – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều hàm ý không tốt về đạo lý – thực chất chỉ là một dạng của quyền biến và kết quả của phương châm “Mục đích thần thánh hoá công cụ”.

Ông Mahathir vô cùng lão luyện trên chính trường Malaysia. Bằng chứng gần đây nhất về mức độ dạn dày kinh nghiệm chính trường của người này là sự trở lại cầm quyền đầy ngoạn mục cách đây gần 2 năm. Khi ấy, ông Mahathir liên danh với phe cánh của ông Ibrahim để lật đổ ông Razak.

Cũng khi ấy, ông Mahathir cam kết chỉ cầm quyền tạm thời và sau một thời gian, chậm nhất là 2 năm, sẽ chuyển giao mọi quyền bính vào tay ông Ibrahim. Sự chia sẻ thời gian cầm quyền này là chất keo gắn kết đảng Bersatu của ông Mahathir với Liên minh Hy vọng của ông Ibrahim.

Vì thế, không khó khăn gì để nhìn ra mục đích của việc ông Mahathir bất ngờ từ chức, cả từ chức Thủ tướng và cương vị Chủ tịch đảng Bersatu, là không để cho ông Ibrahim lên cầm quyền ở Malaysia. Ông Mahathir tin rằng, cho dù từ chức cả chức vị Chủ tịch đảng Bersatu thì vẫn không bị ai đó trong đảng này “phản bội”. Rõ ràng người này toan tính là vẫn có thể quy tụ được đa số cần thiết trong nghị viện mà không còn phải lệ thuộc vào việc liên minh với phe cánh của ông Ibrahim.

Ông Mahathir xem ra đã không kiểm soát được đảng của mình, lại làm cho liên danh với phe của ông Ibrahim tan rã khi chính trong nội bộ đảng Bersatu đã có người kiên nhẫn náu mình chờ thời cơ thay thế và có lẽ đã quá tự tin trước vị quân vương, không tính đến việc vị quân vương ấy dành ưu tiên hàng đầu cho ổn định chính trị chứ không để cho đất nước lại chìm đắm trong tranh giành quyền lực chính trị. Trong chính trị, mưu tính càng cao xa thì thường càng dễ bị thất bại bởi sai lầm, thiếu sót hay chủ quan rất nhỏ.

Dự báo cục diện chính trị Malaysia

Bi hài chính trị quyền lực nội bộ ở Malaysia lần này càng thêm độc đáo khi trong liên minh các đảng phái mà vị Thủ tướng mới đang thành lập để cùng nhau cầm quyền lại có cả đảng Umno. Gần hai năm trước, đảng này bị mất quyền trong cuộc tổng tuyển cử, bây giờ trở lại cầm quyền bằng cách đi cửa sau. Ông Muhyiddin đi từ đảng Umno sang đảng Bersatu và giờ cầm quyền cùng với đảng Umno. Lần này, ông Ibrahim cũng trắng tay như ông Mahathir nhưng rõ ràng chịu quả không đắng bằng ông Mahathir.

Malaysia đã nhanh chóng có Thủ tướng mới. Nhưng cục diện chính trị như thế không thể đảm bảo cho đất nước này có được ổn định chính trị bền vững. Triển vọng tới đây như thế nào phụ thuộc vào việc ông Muhyiddin tập hợp được những đảng phái chính trị nào nữa thành chính phủ liên hiệp mới và có kiểm soát được đảng Bersatu cũng như liên minh các đảng phái này hay không.

Ở Malaysia hiện tại không chỉ có cuộc tranh giành quyền lực giữa những chính trị gia gạo cội mà còn cả giữa thế hệ chính trị gia trẻ tuổi với thế hệ những chính trị gia gạo cội này. Hiện chưa biết ông Muhyiddin xử lý những mâu thuẫn lợi ích và xung khắc thế hệ này như thế nào, cho dù có thể chắc chắn được là vị Thủ tướng mới không thể không rút ra những bài học xương máu từ số phận chính trị của ông Mahathir, ông Ibrahim và ông Razak.

RELATED ARTICLES

Tin mới