Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác hàng hải, cứu...

Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác hàng hải, cứu hộ nạn nhân trên biển

Trong cuộc gặp giữa Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản và Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam (02/3), hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cứu hộ trên biển.

Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1- 4/3/2020. Trong sáng 2/3, Đại tướng Yamazaki Koji và các thành viên Đoàn đã chào xã giao Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; hội đàm với Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam.

Đánh giá kết quả quan hệ quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản, Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Yamazaki Koji thống nhất cho rằng, hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được triển khai hiệu quả trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản ký tháng 4/2018. Các đoàn tàu, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thường xuyên đến thăm, giao lưu với các đơn vị Không quân, Hải quân Việt Nam. Cơ chế Tham vấn Sỹ quan tham mưu của ba quân chủng Lục, Hải, Không quân được duy trì thông qua các hoạt động tham vấn có hiệu quả. Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn của Việt Nam được hai bên tích cực phối hợp, triển khai; tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi chuyên ngành trên các lĩnh vực như: an toàn bay, y học hàng không, y học dưới nước, cứu nạn hàng không, công nghệ thông tin, an ninh mạng, công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam – Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được tăng cường. Việt Nam ủng hộ các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến Tầm nhìn Vientiane (Viêng Chăn) do Nhật Bản đề xuất nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN – Nhật Bản; ủng hộ Nhật Bản tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Hai bên thống nhất trong năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đưa hợp tác quốc phòng song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương theo các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo; tiếp tục triển khai các nội dung đã được thiết lập trên các lĩnh vực hợp tác như: Đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực, công nghệ thông tin, cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn đa phương. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác các nội dung về quân y, công nghiệp quốc phòng.

Tại hội đàm, hai bên đề xuất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục triển khai trao đổi đoàn các cấp và các cơ chế hợp tác đã thiết lập. Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở rộng loại hình đào tạo, tăng số lượng học bổng cấp cho học viên Việt Nam, nhất là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ cao và tiếng Nhật. Đồng thời, Việt Nam mời các sỹ quan cao cấp của Nhật Bản sang tham dự khóa học quốc tế tại Học viện Quốc phòng và học viên quân sự Nhật Bản sang học tiếng Việt; đề nghị triển khai hoạt động liên kết đào tạo giữa Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sỹ quan Thông tin của Việt Nam với Đại học Phòng vệ và các nhà trường khác của Nhật Bản. Nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, hai bên thống nhất xem xét đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn về y học dưới nước, y học tàu ngầm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ trang thiết bị y tế, trang bị cứu hộ nạn nhân trên biển cho Hải quân Việt Nam; đưa các đoàn tàu, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sang thăm Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam – Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học quân sự; chia sẻ kinh nghiệm về cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, hợp tác, hỗ trợ về các nhóm giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, hiệu quả khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật mới. Hai bên triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, chuyển giao các công nghệ ngành đóng tàu quân sự; hợp tác sản xuất các mặt hàng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo chuyên gia kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tiếp nhận công nhân tay nghề cao sang làm việc; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng trong kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác xây dựng chiến lược phát triển các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam…

Trong những năm gần đây, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản ngoài việc hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thực thi, chấp pháp hàng hải, còn thường xuyên đưa ra các tuyên bố, hành động thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông. Trong năm 2019, hai nước liên tục có các hoạt động giao lưu, thăm viếng quân sự cấp cao. Trong đó, Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản (12-15/12/2019) đã cử hai tàu quét mìn cùng gần 200 thủy thủ đoàn thăm hữu nghị Việt Nam nhằm nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản nói chung, giữa quân đội và hải quân hai nước nói riêng. Trước đó, biên đội tàu chiến gồm khu trục hạm trực thăng JS Izumo, tàu khu trục đa dụng JS Murasame cùng 5 trực thăng và 800 binh sĩ (14-17/6/2019) đã cập cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để có chuyến thăm Việt Nam. Đây là một phần trong đợt huấn luyện dài ba tháng tại Biển Đông và Ấn Độ Dương của nhóm chiến hạm Nhật Bản. Từ ngày 25-28/7/2019, tàu huấn luyện Kojima của Cảnh sát biển Nhật Bản cùng thủy thủ đoàn 87 người do hạm trưởng Tonozaki Hironobu dẫn đầu đã cập cảng Tiên Sa để thăm thành phố Đà Nẵng.

Không chỉ tăng cường hợp tác giao lưu thông qua các chuyến thăm, Việt Nam và Nhật Bản (3/6/2019) cũng đã tổ chức Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ bảy tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề cùng quan tâm. Tại Đối thoại, hai bên đánh giá cao sự phát triển tích cực và toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua; nhấn mạnh cần duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao, nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng trong bối cảnh Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021 và là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7/2019) đã công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương.

Được biết, Nhật Bản tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song lợi ích, an ninh quốc gia của Tokyo có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những nước tích cực đóng góp vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông thông qua việc ủng hộ, hỗ trợ các nước ven biển tăng cường năng lực chấp pháp trên biển, cũng như lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới