Cách đây 3 năm, Chủ tịch Trung Quốc khéo léo lấy lòng châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh thế giới ở Davos, Thụy Sỹ khi ca ngợi chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đối với nhiều người châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một thời gian ngắn có vẻ là đối tác thú vị hơn Tổng thống Donald Trump, người đã rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chê bai Liên minh châu Âu (EU) và hoài nghi về giá trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chương trình Vành đai và Con đường đầy tham vọng của ông Tập cũng khiến các chính trị gia châu Âu phải thèm khát hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự thích thú đó đang suy giảm dần khi châu Âu phải đương đầu với một Trung Quốc trỗi dậy như siêu cường và tìm mọi cách định hướng một trật tự thế giới hoàn toàn mới. Sức thu hút của Trung Quốc càng bị xói mòn thêm khi dịch Covid-19 hiện đã lan ra nhiều nơi trên thế giới, gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở Italia và trở thành mối đe dọa đối với các nền kinh tế châu Âu khác.
“Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu mô hình quản trị của họ vào châu Âu. Châu Âu đang thức tỉnh nhiều hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi giờ đã nhìn nhận Trung Quốc không chỉ là khách hàng, thị trường và công xưởng sản xuất khổng lồ mà còn là một tay chơi địa chính trị – địa kinh tế và là một đối thủ thách thức các giá trị của chúng tôi”, Volker Perthes, Giám đốc Viện các vấn đề an ninh và thế giới của Đức, một cơ quan tư vấn cho chính phủ và Quốc hội Đức, nói.
Theo tạp chí Wall Street Journal, các quan điểm mang tính xây dựng về Trung Quốc đã giảm sút nhiều ở châu Âu tương ứng với kết quả các cuộc thăm dò dư luận.
Một nước châu Âu là Thụy Điển dường như bắt đầu lạnh nhạt với Bắc Kinh. Một số đảng phái chính trị ở nước này đã yêu cầu ông Gui Congyou, Đại sứ Trung Quốc tại Stockholm không được xuất hiện trong 3 sự kiện lớn gần đây. Cựu Đại sứ Thụy Điển tại Bắc Kinh Lars Frede cũng khuyến cáo các công ty trong nước muốn đến Trung Quốc làm ăn hãy để ý đến sự bất bình của công chúng Thụy Điển.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao Edgars Rinkevics, khoảng thời gian “lạc quan lãng mạn” của châu Âu về chương trình Vành đai và Con đuờng cũng chấm dứt khi hệ thống tài chính của Trung Quốc giảm tốc. Một bộ trưởng của một nước EU khác thậm chí tuyên bố Trung Quốc “không mang lại lợi lộc gì” cho họ.
Tuy nhiên, Trung Quốc rốt cuộc vẫn rất quan trọng với hệ thống tài chính châu Âu và duy trì một cộng đồng ảnh hưởng ở lục địa này. Thương mại song phương đạt mức 604 tỷ Euro vào năm 2018 (dữ liệu thống kê gần đây nhất được công bố) với mức thâm hụt của châu Âu so với Trung Quốc là 185 tỷ Euro. Các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư vào những hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng ở Châu Âu, chẳng hạn như cảng Pireaus của Hy Lạp hay hệ thống năng lượng thiết yếu của Bồ Đào Nha và thâu tóm quyền kiểm soát các nhà sản xuất mang tính biểu tượng của châu Âu như hãng xe hơi Volvo của Thụy Điển hay thương hiệu lốp xe Pirelli của Italia.
Bị phân tâm khi đối phó với Nga và cả việc Anh rời khỏi liên minh, EU hiện gần như không có một sách lược đối phó thống nhất với Trung Quốc.
Song, vừa qua, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cuối cùng nhất trí xếp Trung Quốc là “một đối thủ đang tuyên truyền các kiểu quản trị khác biệt”. Đây là sự thay đổi so với cách tiếp cận trước đây, vốn nhìn nhận Trung Quốc như một đối tác thương mại có lợi. Với quan điểm mới này, theo nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell, ưu tiên hàng đầu của châu Âu là tránh xa việc bị Mỹ và Trung Quốc nhào nặn, ép phải chạy theo thế giới phân cực mới như thời Mỹ – Liên Xô trước kia.
Việc châu Âu đột ngột thức tỉnh trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm châu Âu đang bất hòa với Mỹ. Tổng thống Mỹ Trump không được lòng dân ở các nước châu Âu, một phần do các đe dọa chiến tranh thương mại của ông. Tuy nhiên, trong nội bộ nước Mỹ, khi lãnh đạo Nhà Trắng cần sự hỗ trợ của lưỡng đảng để kiềm chế Trung Quốc thì chắc chắn họ sẽ gây áp lực buộc châu Âu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù các lãnh đạo châu Âu đồng thuận rằng, cách ứng phó tốt nhất của châu Âu đối với vấn đề này là tự đi con đường của chính mình.
Một luồng quan điểm cho rằng, bất kể EU có nhiều bất đồng với ông Trump đến thế nào, quan hệ xuyên Đại Tây Dương là quan trọng hơn bao giờ hết và châu Âu phải vững vàng sát cánh bên Mỹ. Như cách nói của Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Rinkevics, cả Mỹ và châu Âu đều không thể một mình đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu khác lập luận rằng, Mỹ đã bắt đầu từ bỏ châu Âu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và EU đang có xu hướng ngày càng mâu thuẫn với Washington. Điều này đồng nghĩa châu Âu phải tránh xa tranh chấp và theo đuổi con đường của riêng họ.
Tổng thống Pháp Macron đã nhấn mạnh đến cách tiếp cận thứ hai, chú trọng vào “quyền tự chủ chiến lược” tốt hơn đối với châu Âu và đề xuất làm mới quan hệ với Nga để khắc chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan điểm như vậy cho thấy một sự thay đổi lớn. Trước đây châu Âu coi Nga là mối đe dọa an ninh lớn nhất với Châu Âu sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014, còn giờ họ cho rằng Trung Quốc đang tạo ra vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều về kinh tế, chính trị và cả quân sự.
Sự phát triển nhanh chóng của căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti, một cựu thuộc địa cũ của Pháp ở vùng Sừng châu Phi đã cho phép Trung Quốc mạo hiểm tác động vào khu vực sân sau của châu Âu. Đối với Paris, điều này đã rõ ràng vào tháng 7/2017, khi các tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở Địa Trung Hải vượt xa số chiến hạm của Hải quân Pháp.
Song, trong các hội nghị với người châu Âu, các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định những mục tiêu của họ không có gì độc hại. “Thế giới hiện muốn sự đoàn kết và hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu… đặc biệt ở giai đoạn hiện nay khi một cường quốc chính từ bỏ hợp tác toàn cầu và theo đuổi chủ nghĩa đơn phương. Trung Quốc luôn tin rằng, đối với Trung Quốc và EU, các lĩnh vực đồng thuận của chúng ta còn nhiều hơn những bất đồng”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2.
Dẫu vậy, lời trấn an trên đã vấp phải sự hoài nghi. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vấp phải sự chống đối ngay trong chính đảng cầm quyền của bà khi bà có cách xử lý tương đối mềm dẻo với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei.
Mỹ đang vận động để các chính phủ EU không cho phép những thiết bị và công nghệ giá rẻ của Huawei tham gia vào việc xây dựng các hệ thống 5G của châu Âu, viện dẫn lí do Trung Quốc đang sử dụng tập đoàn này để do thám nước ngoài. Huawei đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc và khởi kiện các nhà nghiên cứu Pháp vì tuyên bố bất lợi cho họ. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Berlin đã đưa ra các đe dọa tấn công vào thương mại xe hơi của Đức nếu Huawei bị loại khỏi thị trường nước này.
Điều này khiến các nhà lập pháp trong đảng của bà Merkel đòi phải hạn chế sự tham gia của các nhà cung cấp “không đáng tin cậy” vào thị trường 5G của Đức, còn các nghị sĩ đối lập kiên quyết yêu cầu “cấm cửa” Huawei. Song, Quốc hội Đức vẫn đang soạn thảo luật về công nghệ 5G.
Các kết quả thăm dò dư luận mới đây của hãng Pew cho thấy, tỉ lệ người dân có quan điểm tích cực về Trung Quốc ở Pháp đã giảm 8% xuống còn 33%, ở Hà Lan giảm 11% xuống còn 36% và ở Đức giảm 5% xuống còn 34%. Trong khi đó, tại Thụy Điển, tỷ lệ ý kiến ủng hộ Trung Quốc đã sụt xuống 25% trong năm 2019, từ mức 42% một năm trước đó.
Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, người đang giữ vai trò cố vấn không chính thức cho Tổng thống Emmanuel Macron thú nhận, châu Âu hiện đang kẹt về cách ứng phó thích hợp với Trung Quốc. Chính khách này cho rằng, điều tốt nhất với EU hiện giờ là trở nên đủ mạnh để không bị biến thành quả bóng bàn cho Trung Quốc đánh qua, đánh lại với Mỹ.