Tuesday, January 14, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ thêm quy định siết chặt với nhà báo TQ

Mỹ thêm quy định siết chặt với nhà báo TQ

Hoa Kỳ đang đặt ra những hạn chế mới đối với các cơ quan báo chí Trung Quốc, buộc họ phải cắt giảm gần một nửa số nhân viên đóng tại Hoa Kỳ.

Động thái này đang được coi là một sự trả đũa cho việc Trung Quốc trục xuất hai nhà báo Mỹ vào tháng trước.

Năm hãng tin của chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải giảm 40% nhân viên tại Mỹ.

Giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đàn áp tự do ngôn luận chưa từng thấy từ thời Liên Xô vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã nghe thấy có sự gia tăng quấy rối và giám sát các nhà báo Mỹ và nhà báo nước ngoài khác ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố rằng năm cơ quan truyền thông, bao gồm cả hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, sẽ được yêu cầu giảm tổng số nhân viên của họ xuống từ 160 xuống còn 100.

Việc này cũng được áp dụng cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, China Daily, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, và People Daily.

People’s Daily sẽ không phải giảm số nhân viên tại Mỹ, vì không có nhân viên nào của hãng này là công dân Trung Quốc.

Dù các nhà báo này sẽ không bị buộc ngay lập tức phải rời Mỹ, nhưng visa của họ ràng buộc với cơ quan họ làm việc, khiến khả năng cao là họ phải rời đi ngay khi họ bị cắt giảm.

Nhà báo trong vòng lửa

Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung ở Washington

Đây là một động thái chưa từng có của chính quyền Mỹ, hiện không được áp dụng cho các nhà báo của bất cứ nước nào khác hiện đang làm việc tại Mỹ.

Năm cơ quan truyền thông Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi quy định mới của Mỹ là năm viên ngọc quý của hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã và People’s Daily có hàng trăm triệu độc giả ở Trung Quốc, với hàng loạt các cơ quan truyền thông nhỏ hơn dẫn lại tin của hai hãng này. Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, đưa tin bằng tiếng Anh, chủ yếu nhắm vào độc giả nước ngoài.

Trung Quốc đã thực hiện áp số lượng visa không chính thức cho các phóng viên nước ngoài trong nhiều năm. Động thái mới nhất của Hoa Kỳ nhằm mục đích thiết lập cái mà ông Pompeo gọi là “sân chơi bình đẳng”, nhưng nó có khả năng thúc đẩy cuộc chiến ngoại giao ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington, và các nhà báo bị cuốn vào cuộc chiến.

Bắc Kinh sẽ nhiều khả năng buộc tội Mỹ phá hủy tự do báo chí. Khi chính phủ Trung Quốc đối mặt với chỉ trích liên quan đến việc họ trục xuất ba nhà báo của Wall Street Journal vào tháng trước, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả trên Twitter: “Tự do báo chí? Đừng quên Nhà Trắng đã đối xử với CNN thế nào.”

Ông Pompeo nói quyết định này không áp giới hạn lên điều gì những hãng tin này có thể đăng tải ở Mỹ.

“Chúng tôi hy vọng rằng động thái này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện một cách tiếp cận công bằng hơn đối với Mỹ và các báo chí nước ngoài khác ở Trung Quốc,” ông Pompeo nói.

“Chúng tôi thúc giục chính phủ Trung Quốc ngay lập tức duy trì các cam kết quốc tế của mình về tôn trọng tự do biểu đạt, bao gồm đối với các thành viên báo chí.”

Một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên rằng Mỹ thực hiện động thái này với nỗ lực nhằm tìm kiếm sự “có đi có lại” và một “sân chơi bình đẳng”.

Các hãng báo chí Trung Quốc sẽ có thời gian từ nay đến 13/3 để giảm số nhân viên. Giới chức Mỹ lưu ý rằng chỉ khoảng 75 nhà báo Mỹ được cho là hiện đang làm việc tại Trung Quốc.

Bối cảnh

Tháng trước, Mỹ nói họ sẽ yêu cầu các nhà báo Trung Quốc đang làm việc cho năm hãng tin nói trên phải đăng ký là “đại diện nước ngoài” bởi vì “họ hoàn toàn bị kiểm soát” bởi chính phủ Trung Quốc.

Sau đó, Trung Quốc đã trục xuất ba nhà báo của Wall Street Journal có trụ sở ở Mỹ liên quan đến một bài bình luận về dịch virus corona mà Trung Quốc gọi là “phân biệt chủng tộc”.

Các nhà báo, hai trong số họ là người Mỹ, không có vai trò gì trong việc viết bài xã luận này – với tiêu đề “Trung Quốc là con bệnh thực sự của châu Á.”

Bài xã luận này được xuất bản khi Mỹ lên án Trung Quốc về cách đối xử với người Hồi giáo Uighur và cảnh báo rủi ro của việc sử dụng các thiết bị internet 5G của hãng công nghệ Huawei.

Hôm thứ Hai, Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) cảnh báo rằng Trng Quốc đang sử dụng visa như “một vũ khí chống lại báo chí nước ngoài hơn bao giờ hết.”

Trong một thông cáo, FCCT nói rằng 82% trong số cá nhà báo ở Trung Quốc đã từng trải qua sự can thiệp, bạo lực hoặc quấy rối khi làm việc.

“Khi Trung Quốc đạt tới đỉnh cao mới về ảnh hưởng kinh tế, họ đã cho thấy ra một quyết tâm ngày càng lớn trong sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp việc đưa tin không phù hợp với hình tượng toàn cầu mà nước này muốn thể hiện cho tới nay,” tổ chức này nói trong một báo cáo có tiêu đề “Kiểm soát, Ngăn chặn, Xóa bỏ”.

Tự do báo chí ở Trung Quốc

  • Năm 2019 Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã xếp Trung Quốc ở vị trí 177 trong số 180 quốc gia về mức độ tự do báo chí, sau khi đánh giá về mức độ độc lập của truyền thông, sự tôn trọng an toàn của nhà báo, và tính đa nguyên
  • BBC bị chặn ở Trung Quốc và năm 2019, BBC đã tung ra một phiên bản website thông qua mạng lưới Tor, một nỗ lực nhằm ngăn chặn nỗ lực kiểm duyệt của các chính phủ, bao gồm Trung Quốc
  • Chín nhà báo đã bị trục xuất hoặc không được gia hạn visa từ 2013, theo FCCC.
RELATED ARTICLES

Tin mới