Tuesday, January 14, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTín hiệu tích cực từ ổ dịch TQ

Tín hiệu tích cực từ ổ dịch TQ

Vài tuần trước, các bệnh viện Trung Quốc tràn ngập bệnh nhân Covid-19, nhưng giờ đây nhiều giường trống đã xuất hiện, một bệnh viện dã chiến cũng đóng cửa.

Trung Quốc hôm qua ghi nhận thêm 119 ca nhiễm nCoV, đánh dấu ba ngày liên tiếp số ca nhiễm mới giảm. Số ca nghi nhiễm cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng một, ở mức 520 ca, trong khi con số này đầu tháng 2 là 29.000. Nhiều địa phương đã hạ mức cảnh báo với nCoV, như khu tự trị Nội Mông, Tân Cương, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây.

Sau khi Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, hơn 42.000 nhân viên y tế khắp Trung Quốc đã được huy động đến tỉnh Hồ Bắc. Tình hình sức khỏe của người dân được theo dõi sát sao. Những bệnh viện dã chiến được xây “thần tốc” để giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế. Hơn 780 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Trung Quốc, bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức nhằm ngăn nCoV lây lan.

Một phái đoàn, gồm 13 chuyên gia nước ngoài và 12 nhà khoa học Trung Quốc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bắc Kinh sắp xếp, đã khảo sát 5 thành phố Trung Quốc nhằm phân tích tình hình Covid-19, cũng như hiệu quả từ loạt biện pháp quyết liệt tại nước này. Kết quả nghiên cứu khiến một số chuyên gia ngỡ ngàng.

“Tôi từng nghĩ mấy số liệu đó không thể là thật”, nhà dịch tễ học Tim Eckmanns thuộc Viện nghiên cứu Robert Koch của Đức, một thành viên phái đoàn, đề cập tới sự sụt giảm số ca nhiễm mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo công bố hôm 28/2 của phái đoàn nêu rõ những tín hiệu tích cực từ ổ Covid-19 lớn nhất thế giới.

“Cách xử lý táo bạo của Trung Quốc trong việc ngăn virus lây lan đã giúp thay đổi tiến trình của một dịch bệnh chết người và truyền nhiễm nhanh chóng. Sự sụt giảm các ca nhiễm nCoV trên khắp Trung Quốc là thật”, báo cáo có đoạn, thêm rằng dịch bệnh ở nước này dường như đã lên đến đỉnh từ cuối tháng một.

Hầu hết báo cáo tập trung phân tích cách Trung Quốc kiềm chế một loại virus vô cùng dễ lây lan, nhiệm vụ mà nhiều chuyên gia y tế cho rằng bất khả thi. “Các biện pháp của Trung Quốc có lẽ là nỗ lực chống dịch quyết liệt và nhanh chóng nhất trong lịch sử”, báo cáo ghi nhận.

Biện pháp khắc nghiệt và gây tranh cãi nhất là phong tỏa hàng chục địa phương. Một số người nghi ngờ tính cần thiết của biện pháp này, đặc biệt tại những nơi cách xa Hồ Bắc và có khá ít ca bệnh, cũng như lo ngại quyền tự do của người dân. Tuy nhiên, báo cáo của phái đoàn WHO đánh giá chúng “phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh di chuyển tới những khu vực khác trên đất nước”. Tại một số nơi ở Trung Quốc, người dân thậm chí tự nguyện cách ly dưới sự giám sát.

“Người dân Trung Quốc đã thể hiện sự đoàn kết và chấp nhận hy sinh để ngăn virus lây lan, vì lợi ích của chính họ và toàn cầu. Trung Quốc xứng đáng nhận được tràng pháo tay của thế giới”, Koh King Kee, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Kuala Lumpur, Malaysia, nêu ý kiến.

Nhiều biện pháp “cách ly xã hội” cứng rắn khác cũng được thực hiện trên toàn quốc, bao gồm hủy các sự kiện thể thao, đóng cửa những tụ điểm tập trung đông người, kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh. Đông đảo doanh nghiệp quyết định đóng cửa. Bất cứ ai ra ngoài đều phải đeo khẩu trang.

AliPay và WeChat, hai ứng dụng điện thoại được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, cũng hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, bởi chúng cho phép chính phủ theo dõi việc di chuyển của người dân. Gabriel Leung, chuyên gia tại Đại học Hong Kong, giải thích rằng mỗi người có một mã màu trên ứng dụng, gồm ba màu xanh lá, vàng và đỏ, tương ứng với tình trạng sức khỏe của họ. Nhân viên an ninh tại các ga tàu và trạm kiểm soát dựa vào đó để quyết định cho phép ai đi qua.

“Hệ quả của loạt biện pháp này là cuộc sống của người dân vô cùng bó buộc, nhưng chúng hiệu quả”, theo báo cáo của phái đoàn WHO. Giờ đây, các ca bệnh hiếm khi truyền cho ai ngoài thành viên trong gia đình họ. Khi toàn bộ người trong một nhà nhiễm bệnh, virus không thể tiếp tục di chuyển và chuỗi lây truyền kết thúc. “Đó là cách dịch bệnh thực sự được kiểm soát”, Leung giải thích.

Bruce Aylward, nhà dịch tễ học người Canada dẫn đầu phái đoàn của WHO, đánh giá bài học lớn nhất từ Trung Quốc là tốc độ xử lý. “Bạn càng phát hiện, cách ly và nắm bắt lịch sử tiếp xúc xã hội của bệnh nhân nhanh bao nhiêu, việc phòng chống càng thành công bấy nhiêu. Trung Quốc đã chứng minh rằng bất chấp tình hình lây nhiễm nghiêm trọng, nếu bình tĩnh xắn tay áo tìm kiếm và theo dõi có hệ thống, bạn chắc chắn có thể thay đổi cục diện”, ông nói.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu thế giới có thể học kinh nghiệm nào từ Trung Quốc hay không, hoặc nếu các quốc gia khác áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng và giám sát điện tử như Trung Quốc, liệu họ có đạt hiệu quả tương tự hay không. “Tôi nghĩ các nước có những lý do rất thuyết phục khi ngần ngại thực hiện loạt biện pháp cực đoan như vậy”, Lawrence Gostin, học giả về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, Mỹ, cho hay.

Theo Aylward, để có thể tăng tốc độ ứng phó dịch bệnh, chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đồng thời đảm bảo hệ thống y tế vận hành nhanh chóng, cũng như tập trung điều tra lịch sử tiếp xúc với cộng đồng của các ca bệnh và thực hiện tốt công tác giám sát. “90% phản ứng của Trung quốc là như vậy”, ông cho hay.

Chuyên gia người Canada nói thêm rằng chính sách miễn phí xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của Trung Quốc cũng đáng chú ý. “Ở phương Tây, nếu âm tính với virus, bạn sẽ phải trả tiền xét nghiệm. Chính phủ Trung Quốc nhận ra đó là rào cản trong việc chống dịch, nên đã thanh toán cho cả những người không có bảo hiểm”, ông giải thích.

Những nỗ lực quyết liệt của Trung Quốc diễn ra sau loạt chỉ trích về sự chần chừ ban đầu. Covid-19 xuất hiện từ tháng 12/2019. Đến thời điểm giới chức tích cực hành động từ ngày 20/1, căn bệnh đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Giới chuyên gia cho rằng do thiếu động thái mạnh mẽ ban đầu, chính phủ Trung Quốc đã lỡ “cơ hội vàng” để kiềm chế dịch.

Robert Dingwall, giáo sư tại Đại học Nottingham Trent ở Anh, cho rằng chính quyền Trung Quốc cũng cần rút kinh nghiệm từ những thiếu sót trong quá trình xử lý dịch, xuất phát từ cách vận hành bộ máy nhà nước. Theo luật pháp nước này, chính quyền địa phương phải báo cáo về dịch bệnh không rõ nguyên nhân cho Bộ Y tế, rồi chờ Quốc vụ viện họp, chấp thuận mới được công bố dịch.

“Sau khi cuộc khủng hoảng trôi qua, Trung Quốc cần xem xét việc trao quyền hành động nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay vì chờ đợi sự ủy quyền từ một cơ quan thích hợp trong chính quyền trung ương”, Dingwall nhận định.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết dịch bệnh là “phép thử lớn với hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc”, trong bối cảnh các quan chức cấp cao công khai đổ lỗi cho nhau, hoặc quy cho “hệ thống quan liêu” không hành động kịp thời để kiểm soát dịch.

“Vấn đề quan trọng nhất bị phơi bày trong dịch bệnh lần này là sự thụ động của chính quyền địa phương”, Hứa Khai Trinh, nhà văn chuyên viết về đề tài chính trị Trung Quốc, nói.

Báo cáo của phái đoàn WHO cũng đề cập tới một số mặt Trung Quốc nên cải thiện, như “cần công bố những dữ liệu quan trọng và diễn biến dịch bệnh rõ ràng hơn trên phạm vi quốc tế”. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia lo ngại nỗ lực của Trung Quốc có nguy cơ chỉ giúp kiềm chế dịch bệnh tạm thời.

“Họ rõ ràng đã khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này giống như dập cháy rừng, có khả năng chưa dập tắt hẳn. Nó có thể bùng phát trở lại. Giờ đây, chúng ta có cơ hội để xem Trung Quốc sẽ đối phó thế nào nếu Covid-19 hồi sinh”, Mike Osterholm, chuyên gia tại Đại học Minnesota, Mỹ, nêu ý kiến. 

RELATED ARTICLES

Tin mới