Tàu sân bay “Sơn Đông” Trung Quốc làm dậy sóng. Ưu thế trên các đại dương của Mỹ có thể bị đe dọa
Xin giới thiệu một bài tiếp theo về tàu sân bay của Đại tá Hải quân,Tiến sỹ Khoa học quân sự, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Pháo binh và Tên lửa Nga Konstantin Sivkov.Bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” (Nga) ngày 20/8/2019. Sau đây là nội dung:
Cụm tàu sân bay tấn công và binh đoàn tàu sân bay tấn công (các khái niệm này sẽ được làm rõ ở phần sau-ND) của Trung Quốc thua kém nhiều so với cụm tàu sân bay tấn công và binh đoàn tàu sân bay tấn công của người Mỹ, nhưng trong những điều kiện thuận lợi, bất chấp ưu thế vượt trội của đối phương, vẫn có thể hy vọng đánh bại được đối phương.
Do các máy bay J-15 trên tàu Trung Quốc được trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh có bán kính tác chiến tương đương với bán kính tác chiến của máy bay tàu sân bay Mỹ nên phía Trung Quốc vẫn có hy vọng thành công trong một trận hải chiến.
Tháng 5/2018, tàu sân bay “Son Đông”- chiếc tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế Dự án 001A đã rời nhà máy đóng tàu Đại Liên đi thử nghiệm trên biển. Tàu sân bay “Liêu Ninh”, tức tàu”Varyag” cũ của Liên Xô, được xác định là tàu huấn luyện.
Nhưng đến “Sơn Đông”- thì đó đã được coi là một tàu chiến. Thực ra, nếu căn cứ vào những số liệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các ảnh vệ tinh, cũng như các bức ảnh có được từ các nguồn mở, thì về mặt ý tưởng lẫn kết cấu. “Son Đông” vẫn chỉ là một bản sao của “Liêu Ninh”.
Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng các tàu sân bay Dự án 002 hạng nặng hơn được trang bị máy phóng điện từ. Những tàu này sẽ có khả năng tiếp nhận những máy bay cỡ lớn hơn các máy bay đang có trong thành phần cụm không quân của “Liêu Ninh” và “Sơn Đông”- tức J-15.
Tổng cộng, giới lãnh đạo chính trị- quân sự Trung Quốc, theo các số liệu từ các nguồn công khai, dự kiến sẽ đóng 6 tàu sân bay cho Hải quân nước này.
Với một lực lượng như vậy, Bắc Kinh có thể thường xuyên duy trì hai cụm tàu sân bay hoặc một binh đoàn tàu sân bay (gồm 2 tàu sân bay) trực chiến trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
“ Tàu sân bay (Trung Quốc) mới nhất “Sơn Đông” , vể mặt ý tưởng và thiết kế, vẫn là bản sao của tàu “Liêu Ninh”, tức chiếc tàu “Varyag” Xô Viết đã cũ”
Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cho rằng một lực lượng như vậy là đủ để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở tất cả các khu vực quan trọng đối với Trung Quốc trên thế giới.
Theo Bắc Kinh, các cụm tàu sân bay tấn công và các binh đoàn tàu sân bay tấn công của họ sẽ đủ sức đối phó với không chỉ hải quân của các cường quốc khu vực, mà còn với cả đối thủ địa chính trị chủ yếu của Trung Quốc là Mỹ.
Cần phải đặc biệt lưu ý rằng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hiện tại quá yếu, cả về số lượng và đặc biệt là yếu về chất lượng, nên không thể tạo ra được một mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với các tàu sân bay Mỹ (không như Hải quân Nga được trang bị các tàu ngầm mang tên lửa chống hạm tầm xa có thể đối đầu hiệu quả với các tàu sân bay Mỹ).
Vì vậy, lực lượng tấn công chủ yếu của Hải quân PLA chỉ có thể là các cụm tàu sân bay tấn công hoặc (và) các binh đoàn tàu sân bay tấn công.
Vậy sẽ rất nên phân tích- đánh giá xem những lực lượng trên của Trung Quốc có thể đối phó như thế nào với các cụm tàu sân bay tấn công và binh đoàn tàu sân bay tấn công của Mỹ vả đưa ra các dự báo kết quả của một cuộc xung đột giả định (giữa các cụm tàu sân bay Mỹ- Trung).
Trước hết, chúng ta hãy xem xét thành phần biên chế tác chiến của các cụm tàu đối đầu nhau. Một cụm tàu sân bay tấn công biên chế chuẩn của Mỹ có thể có trong thành phần của nó, ngoài một tàu sân bay lớp “Nimitz”, đến 6-10 tàu nổi lớp tàu tuần dương và tàu khu trục, 2-3 tàu ngầm hạt nhân.
Hiện nay và trong tương lai gần những tàu đó sẽ là các tàu tuần dương lớp “Ticonderoga”, các tàu khu trục “Arleigh Burke” và các tàu ngầm lớp “Los Angeles” và “Virginia”. Một binh đoàn tàu sân bay có thể có tới 12-18 tàu mặt nước và tối đa từ 3 đến 4 tàu ngầm các lớp vừa nói tới ở trên.
Hiện chưa có các dữ liệu đáng tin cậy về các cụm và binh đoàn tàu sân bay tấn công của Trung Quốc, đơn giản vì chúng vẫn chưa được huy động tham gia các hoạt động có hệ thống của Hải quân Trung Quốc trên các đại dương.
Thành phấn tác chiến của chúng có thể tạm được hình dung dựa vào các số liệu về số lượng tàu trong trang bị của Hải quân PLA, dựa vào những dữ liệu đã biết về các chương trình đóng tàu của nước này, và cả từ những thông tin công khai về công tác huấn luyện chiến đấu liên quan đến tàu sân bay “Liêu Ninh”.
Cho đến nay, đã ghi nhận được một số lần ra biển của “Liêu Ninh” để luyện các khoa mục thực hiện các nhiệm vụ hoạt động đơn lẻ hoặc trong thành phần của các binh đoàn tàu.
Trong một số lần, số lượng tàu hộ tống “Liêu Ninh” lên tới 12 tàu khu trục và khinh hạm. Rất nhiều khả năng là trong đội hình chiến đấu của cụm tàu sân bay này còn có cả các tàu ngầm đa năng. Có nghĩa là, đó đã là một cụm tàu sân bay tấn công hoàn chỉnh được thành lập theo mô hình của Mỹ.
Căn cứ vào định hướng huấn luyện chiến đấu của Hải quân Trung Quốc như vậy, có thể nhận định rằng trong lĩnh vực phát triển lực lượng tàu sân bay, Trung Quốc đang thực hiện chủ trương thành lập các binh đoàn tàu sân bay hoàn chỉnh có nhiệm vụ đảm bảo hỗ trợ quân sự và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, kể cả ở khu vực cách rất xa Trung Quốc.
Trong đội hình tác chiến Trung Quốc
Để thành lập các binh đoàn tàu sân bay hoàn chỉnh, cần phải có đủ số lượng các tàu hộ tống. Hải quân PLA có 53 chiếc tàu như vậy. Đó là 6 tàu khu trục Dự án 052C và 15 tàu khu trục Dự án 052D (tính đến tháng 11 năm 2018, còn 7 tàu nữa đang được đóng), 32 khinh hạm Dự án 054 và 054A.
Đang đóng các tàu khu trục Dự án 055. Số lượng tàu hộ tống như vậy là đủ để thành lập một số cụm tàu sân bay tấn công và các binh đoàn tàu sân bay tấn công hoàn chỉnh.
Ảnh: scdni.rt.com |
Ngoài các tàu nổi, trong thành phần các cụm tàu sân bay còn có thể có các tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc có hơn 10 tàu ngầm hạt nhân. Chúng chủ yếu là các tàu Dự án 093 “Shang” (lớp “Thương”). Các tàu ngầm hạt nhân hiện đại hơn giờ mới đang được đóng.
Xét từ bình diện trình độ kỹ thuật, các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hiện có kém xa các tàu ngầm hạt nhân Nga và Mỹ. Có nghĩa là (Trung Quốc) không thể hy vọng gì nhiều vào các khả năng thực hiện nhiệm vụ chống ngầm của chúng.
Nhưng nếu hoạt động trong đội hình các binh đoàn lớn gồm nhiều lực lượng binh chủng hợp thành thì các tàu ngầm “lớp Thương” (Nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc- ND) shoàn toàn có thể phát huy được hiệu quả.
Và việc Hải quân Trung Quốc sẽ có đủ số lượng các tàu ngầm như vậy để thành lập các binh đoàn tàu sân bay hoàn chỉnh là một khả năng thực tế.
Có thể hình dung thành phần một cụm tàu sân bay tấn công trong đó có tàu sân bay “Liêu Ninh” hoặc “Sơn Đông” như sau. Ngoài tàu sân bay, trong cụm tàu này còn có thể có từ 4-5 tàu khu trục Dự án 052D, 1-2 tàu khu trục Dự án 052C và tối đa là 4- 5 khinh hạm Dự án 054, 054A cùng 2 tàu ngầm đa năng Dự án 093 “Nhà Thương”.
Sau năm 2020, Trung Quốc đã có thể thành lập một binh đoàn tàu sân bay tấn công hoàn chỉnh – với thành phần là 2 tàu sân bay “Liêu Ninh” và “ Sơn Đông”, 6-8 tàu khu trục Dự án 052D, 2-3 tàu khu trục Dự án 052C, 7 -8 khinh hạm Dự án 054A (054) và 3 tàu ngầm hạt nhân đa năng “lớp Thương”.
Đây thực sự là một lực lượng đáng gờm, và với thành phần tác chiến như vậy, hoàn toàn có khả năng thách thức Hải quân Mỹ. Sẽ rất thú vị nếu đánh giá những khả năng có thể có của các binh đoàn tàu sân bay Trung Quốc trong một trận chiến.
Chúng ta hãy xem xét các tính năng kỹ- chiến thuật và thành phần vũ khí của những chiếc tàu chính có thể có trong thành phần của đội hình tàu sân bay Trung Quốc. Dĩ nhiên là sẽ bắt đầu từ các tàu sân bay.
Tính năng kỹ- chiến thuật của “Liêu Ninh” đã được biết quá chi tiết. Có rất ít dữ liệu về “Sơn Đông” trên các nguồn mở. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ cố gắng để trang bị cho chiếc tàu sân bay tự đóng này những loại vũ khí hiện đại nhất, nên có thể xác định tương đối chính xác thành phần và số lượng của những vũ khí đó.
Phương tiện kiểm soát tình huống trên không chủ yếu của con tàu này (“Sơn Đông” là radar mạng pha chủ động. Tính năng kỹ- chiến thuật của radar này, theo các chuyên gia nước ngoài, gần bằng radar của hệ thống “Aegis” Mỹ.
Nhiệm vụ phòng không cho tàu sẽ có 4 tổ hợp pháo phòng không Type 1130 và 4 hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N (bốn khối gồm 18 ổ phóng – tổng cộng 72 quả tên lửa phòng không ).
Điểm khác biệt của hệ thống tên lửa phòng không này là nó sử dụng tên lửa đầu tự dẫn thụ động làm việc trên dải tần hồng ngoại hoặc siêu cao tần. Sau khi đầu tự dẫn khóa mục tiêu, tên lửa tiêu diệt mục tiêu theo nguyên lý “bắn và quên”.
Nhược điểm – phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Trong những điều kiện thuận lợi, hệ thống phòng không của “Sơn Đông” có thể đánh chặn được từ 4-5 quả tên lửa chống hạm.
Trong trường hợp đối phương sử dụng các phương tiện tác chiến điện tử, khả năng đánh chặn tên lửa chống hạm của “Sơn Đông” sẽ giảm 30-70%, chỉ đánh chặn được 1-3 tên lửa chống hạm.
Tuy nhiên, có thể khẳng định là còn tàu này có khả năng đánh chặn được các đợt tấn công của từng quả tên lửa chống hạm đơn lẻ, và trong điều kiện thuận lợi, cả các cuộc tấn công bằng một số tên lửa cùng lúc.
Lực lượng máy bay trên tàu ước tính có khoảng 60 đơn vị (tính), trong đó có khoảng từ 36 đến 40 chiếc J-15 (phiên bản sao chép từ máy bay T-10K mà Ucraine bán cho Trung Quốc trước đây- nguyên mẫu của Su-33 trên tàu sân bay Nga) và khoảng 20 máy bay lên thẳng nhiều chức năng khác nhau được thế tạo theo mẫu Ka-28 của Nga, trong đó có 4- 6 chiếc máy bay lên thẳng AWACS Z-18J, 10-14 máy bay lên thẳng chống ngầm Z-18F và 2- 4 máy bay lên thẳng tìm kiếm và cứu hộ Z-9C.
Cường độ hoạt động của cụm không quân trên tàu “Sơn Đông” có thể vào khoảng 80 đến 90 lượt xuất kích của các loại máy bay khác nhau / một ngày đêm. Số lượng tối đa các máy bay có thể cất cánh cùng lúc từ “Sơn Đông” phụ thuộc vào số vị trí chuẩn bị máy bay.
Chắc chắn hơn cả là vào khoảng 16 máy bay, tương tự như tàu Liêu Ninh”. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu với đối thủ trên không, các máy bay tiêm kích tàu sân bay Trung Quốc, theo các nguồn mở, còn có thể mang theo 2 quả tên lửa chống hạm KD-88 tốc độ cận âm và tầm bắn vào khoảng 250 km.
Khi đánh giá khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc, cần phải tính đến một thực tế sau: các máy bay J-15 có tính năng kỹ- chiến thuật, khả năng tác chiến, trước hết là khả năng của các thiết bị vô tuyến- điện tử và hệ thống vũ khí, theo đánh giá của đại đa số các chuyên gia nước ngoài, kém hơn F-18E (F) trên tàu của Mỹ rất nhiều.
Trung Quốc và Mỹ: thành phần cụm tàu sân bay tấn công và binh đoàn tàu sân bay tấn công
Trung Quốc
CTSBTC BĐTSBTC
Tàu sân bay |
“Liêu Ninh” hoặc “Sơn Đông” |
“Liêu Ninh” + “Sơn Đông |
Các tàu khu trục Dự án 052D |
4-5 |
6-8 |
Các tàu khu trục Dự án 052C |
1-2 |
2-3 |
Các khinh hạm Dự án 054/054A |
4-5 |
7-8 |
Tàu ngầm hạt nhân Dự án 093 “Nhà Thương” |
1-2 |
3-4 |
Mỹ
Tàu sân bay |
“Nimitz” |
2-3 tàu sân bay |
Các tàu tuần dương “Tinconeroga” và các tàu khu trục “Arleigh Burke” |
6-10 |
12-18 |
Các tàu ngầm hạt nhân “Los-Angeles” hoặc “Virginia” |
2-3 |
2-4 |
Những từ viết tắt CTSBTC (Cụm tàu sân bay tấn công), BĐTSBTC (Binh đoàn tàu sân bay tấn công -ND