“Tôi cho rằng [Trung Quốc] đã làm rất tốt trong việc đánh bại [COVID-19]. Nhưng tôi không chắc chắn liệu chiến lược của họ có bền vững hay không”, một chuyên gia nhận định.
Trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) lan rộng trên thế giới, khiến các thị trường khốn đốn, ngành du lịch thiệt hại nặng vì những lệnh hạn chế đi lại, và hàng trăm triệu trẻ em trên toàn cầu phải tạm thời nghỉ học trong thời gian dài, chính phủ các nước đang gấp rút tìm cách ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh này.
Và Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 khởi phát, cho biết họ đã tìm ra câu trả lời, theo báo New York Times (NYT).
Theo những số liệu thống kê chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố, nước này dường như đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh. Số ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày tại Trung Quốc liên tục giảm mạnh trong những ngày gần đây, trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ghi nhận những tiến triển tích cực này và khen ngợi các biện pháp chống dịch của Bắc Kinh.
Trong khi vài tuần trước đó, Trung Quốc từng có những ngày ghi nhận đến 2.000 ca nhiễm COVID-19 mới, thì hôm thứ 7 (7/3) vừa qua, nước này chỉ xác nhận thêm 99 ca nhiễm mới ở thành phố tâm dịch Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc).
Trung Quốc khẳng định rằng những tiến triển tích cực nói trên đã chứng minh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này đang phát huy hiệu quả. Các biện pháp đó bao gồm việc phong tỏa địa bàn có gần 60 triệu người sinh sống tại tỉnh Hồ Bắc, kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế đi lại đối với hàng trăm triệu công dân và người nước ngoài.
Và Trung Quốc cũng đang cố gắng tuyên truyền những thành công mà họ đã đạt được trên truyền thông trong và ngoài nước.
Những quốc gia khác trên thế giới – bao gồm nhiều nước đang phải đối mặt với những ca bệnh đầu tiên trong tâm thế hoảng sợ – cũng đã lưu ý về những kinh nghiệm của Trung Quốc một cách thận trọng. Họ cho rằng thử thách thực sự của Trung Quốc là nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát khi trẻ em nước này đi học trở lại, người lao động quay về các nhà xưởng, doanh nghiệp và đặc biệt là khi các phương tiện công cộng bắt đầu đông đúc trở lại.
Bên cạnh đó, chiến lược mạnh tay của Trung Quốc cũng là lí do khiến các quốc gia khác do dự. Để kiểm soát dịch bệnh, sinh kế và tự do của người dân nước này đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Những quốc gia có khả năng học theo Trung Quốc cũng phải cân nhắc về những mặt lợi – hại của chiến lược này.
“Tôi cho rằng [Trung Quốc] đã làm rất tốt trong việc đánh bại virus”, ông Michael T. Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết. “Nhưng tôi không chắc chắn liệu chiến lược này có bền vững hay không. Trung Quốc đã thực sự đạt được điều gì? Họ đã thật sự kiểm soát được virus, hay chỉ mới ngăn chặn được nó?”
“Chúng ta cần có một cái nhìn bao quát”
Tại những nơi khác trên thế giới, Italy, Hàn Quốc và Iran đang phải chật vật tìm cách kiếm soát sự lây lan của COVID-19. Tại Mỹ, nơi hiện có hơn 300 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, chính quyền đang bị chỉ trích về những vấn đề liên quan đến bộ kit xét nghiệm và tình trạng lây nhiễm tại những cộng đồng dễ bị tổn thương như viện dưỡng lão ở Seattle.
Việc COVID-19 bùng phát đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu và khiến luồng ý kiến phản đối nhập cư, toàn cầu hóa ngày càng gay gắt.
Các quốc gia muốn áp dụng chiến lược của Trung Quốc cần phải cân nhắc những tác động tiềm tàng của cách tiếp cận này đối với gần như tất cả các khía cạnh trong xã hội Trung Quốc.
Cụ thể, nền kinh tế của Trung Quốc đã gần như ngừng lại, và nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết vốn kinh doanh của họ sắp cạn kiệt. Những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải chật vật tìm kiếm một nơi có thể chữa trị cho họ kịp thời, và nhiều người đã qua đời vì không thể chờ đời. Hàng trăm triệu người đã phải cách ly. Cho đến ngày 6/3 vừa qua, vẫn có khoảng 827 ngàn người phải cách ly ở Bắc Kinh, theo Trung Hoa Nhật báo.
Tiến sĩ Jennifer Nuzzo, một học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết bà cảm thấy lo lắng khi Trung Quốc tập trung hoàn toàn vào việc kiểm soát dịch bệnh như vậy. Thay vào đó, bà cho rằng một phản ứng có chừng mực sẽ hợp lý hơn, cụ thể là không nên đóng cửa hoàn toàn các nhà máy, công sở mà chỉ tập trung vào các khu vực kiểm dịch. Điều này sẽ cho phép nền kinh tế tiếp tục hoạt động trong khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Chúng ta cần có một cái nhìn bao quát về tác động đối với xã hội”, Tiến sĩ Nuzzo nói, “và không chỉ tập trung vào các con số”.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, những con số rất quan trọng.
Số ca tử vong và ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 7/3 vừa qua đã giảm đáng kể so với 2 tuần trước. Chỉ có 28 ca tử vong mới được xác nhận trong ngày 7/3, tất cả đều ở tỉnh Hồ Bắc, trong khi số liệu được ghi nhận vào thời điểm 2 tuần trước có thể lên đến 100. Theo số liệu chính thức, bên ngoài Vũ Hán, sự lây lan của dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, Italy hôm 6/3 đã ghi nhận đến 49 ca tử vong mới do COVID-19.
WHO cho biết những biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc có thể đã “cứu” hàng trăm ngàn người khỏi sự lây lan của chủng virus mới này. Những nỗ lực của Trung Quốc cho thấy sự lây lan khó kiểm soát của COVID-19 “không phải là đường một chiều”, NYT trích dẫn phát biểu hôm 5/3 của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
“Dịch bệnh này có thể bị đẩy lùi, với điều kiện là phải có một cách tiếp cận tập thể, phối hợp và toàn diện, có sự tham gia của toàn thể bộ máy chính quyền”, theo ông Ghebreyesus.
Các chuyên gia của WHO cũng đánh giá cao công suất chẩn đoán của các phòng khám Trung Quốc và các trung tâm cách ly “dã chiến” lớn tại các sân vận động và khu triển lãm đã giúp những người nhiễm COVID-19 thể nhẹ cách ly với người thân trong gia đình.
Các con số đã cho thấy các biện pháp kiểm dịch tích cực, mạnh tay, có thể ngăn chặn sự lây lan của virus nếu được thực thi đầy đủ, theo Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt.
“Đây là thí nghiệm y tế cộng đồng lớn nhất trong lịch nhân loại”, Tiến sĩ Schaffner nói. “Họ chưa thể dập tắt dịch bệnh, nhưng họ đã phần nào kiểm soát được nó, và giúp phần còn lại của thế giới có thêm thời gian”.