Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc triển chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giữa...

Cuộc triển chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giữa các nước lớn trên thế giới và khu vực Biển Đông hiện nay

Trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển và là lực lượng tác chiến với loại hình mới, tính chất mới, sẽ làm thay đổi quy luật, phương thức tác chiến chiến tranh. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đang tích cực chạy đua trong lĩnh vực AI và Biển Đông cũng không nằm ngoài xu thế này.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Là công nghệ mũi nhọn chiến lược, trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người đều được ứng dụng công nghệ này, đồng thời trở thành động lực quan trọng khiến cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng sản xuất và cách mạng quân sự mới liên tục đi vào chiều sâu, phát triển đan xen lẫn nhau. Trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao rất nhiều tính năng, hiệu quả tác chiến của vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, làm thay đổi phương thức tác chiến và hình thái chiến tranh trong tương lai. Khi cuộc cách mạng tin học hóa đi vào chiều sâu, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự mới như: Nhận biết tình thế, xử lý thông tin, chỉ huy điều khiển, hỗ trợ quyết sách, tăng cường hệ thống tác chiến tự động, tiềm năng con người.

Những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn chiến lược có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực quân sự, nhanh chóng nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị thông minh hóa, đồng thời có ý đồ thông qua triển khai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự để chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua quân sự quyết liệt.

Mỹ coi trí tuệ nhân tạo là trụ cột quan trọng để giữ ưu thế quân sự, giữ quyền chủ đạo cuộc chạy đua nước lớn, duy trì địa vị bá chủ toàn cầu. Thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới lý luận, phát triển công nghệ mang tính cách mạng, nhằm triệt tiêu sức mạnh quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, Nga,… Trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động hóa, mini hóa, dữ liệu lớn (big data), chế tạo vật liệu mới,… được xác định là các lĩnh vực phát triển trọng điểm. Gần đây, Mỹ đã đưa dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, hệ thống năng lượng mini, vũ khí năng lượng cao, nâng cấp tiềm năng con người,… là những ngành công nghệ then chốt để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ.

Nga coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Trong “Chủ trương phát triển vũ khí quốc gia 2018-2025” do Nga công bố năm 2017, việc nghiên cứu phát triển và trang bị vũ khí trí tuệ nhân tạo được đưa vào nội dung trọng điểm, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ, lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, chỉ huy điều khiển, trang bị tác chiến điện tử, máy bay không người lái, rô-bốt, hệ thống phòng hộ cá nhân người lính,… Hệ thống tác chiến tự hoạt được coi là trọng điểm phát triển của vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo. Căn cứ theo yêu cầu “Kế hoạch tổng hợp các dự án chuyên ngành phát triển trang bị kỹ thuật rô-bốt quân sự tiên tiến năm 2025”. Điển hình sự phát triển và sử dụng trong thực tiễn tác chiến của xe không người lái có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Trinh sát tầm xa, xử lý thông tin tình báo, rà phát mìn và chướng ngại vật, tiến công hỏa lực,…

Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện và kinh nghiệm sử dụng trong thực tiễn chiến đấu được tích lũy phong phú cùng khả năng nâng cao đáng kể năng lực tác chiến, vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo trở thành trang bị vũ khí tác chiến chủ yếu. Trong tương lai, nhiệm vụ tác chiến ở mặt trận dưới nước phần lớn sẽ do hệ thống tác chiến không người lái đảm nhiệm, tàu ngầm chủ yếu sẽ chỉ là phương tiện chuyên chở, phóng thả (thu hồi) và là trung tâm chỉ huy tác chiến dưới nước, không trực tiếp tham gia tác chiến. Trong điều kiện tác chiến trên không, hệ thống quản lý chiến đấu gắn trên máy bay được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết tình thế chính xác hơn, nhanh chóng hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn, lựa chọn chiến thuật, quản lý và sử dụng vũ khí hiệu quả hơn so máy bay có người lái. Thực tiễn trên chiến trường Syria, Quân đội Nga đã đưa vào sử dụng xe tác chiến không người lái (UGV) và máy bay không người lái (UAV) phối hợp với Quân đội chính phủ Syria tiến công một điểm cao do lực lượng vũ trang IS chiếm giữ, đây là trận chiến đấu trên bộ đầu tiên trên thế giới do hệ thống tác chiến tự hoạt giữ vai trò chủ đạo. Cùng với sự thâm nhập của yếu tố trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ các yếu tố trang bị, quá trình tác chiến, lĩnh vực chiến tranh, tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành phương thức tác chiến chủ đạo. Chiến tranh trí tuệ nhân tạo là một hình thái chiến tranh phát triển từ chiến tranh thông tin hóa đến một giai đoạn cao hơn. Trong chiến tranh hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quyết sách chỉ huy điều khiển sẽ giúp xua tan dần “đám mây mù” chiến tranh. Phương thức ra quyết sách chỉ huy điều khiển truyền thống ngày càng khó thích ứng với nhu cầu của chiến tranh thông tin hóa. Công nghệ xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo như dữ liệu lớn, học máy,… có ưu thế lớn chưa từng thấy mà con người không thể sánh nổi trên các mặt như: Tìm kiếm, lưu trữ, tính toán, khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ; đặc biệt là thích ứng với xử lý các loại dữ liệu mục tiêu như hình ảnh vệ tinh, tín hiệu ra đa. Sau khi thông qua xử lý và nhận biết mục tiêu, dữ liệu thông tin quân sự sẽ được cung cấp cho sĩ quan và người lính, dùng để phán đoán, nhận định tình hình và những thay đổi trên chiến trường một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó nâng cao đáng kể chất lượng quyết sách.

Trang bị số lượng lớn vũ khí trí tuệ nhân tạo buộc phải thay đổi biên chế, thể chế và tổ chức tác chiến, đồng thời ra đời phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo. Tiêu biểu là khái niệm tác chiến “Bầy ong máy bay không người lái, “sát thương dạng phân tán” mà Quân đội Mỹ đã nghiên cứu phát triển, thông qua tiến hành tổ chức biên chế hỗn hợp hệ thống tác chiến không người lái số lượng lớn có tính năng tác dụng khác nhau, lựa chọn hình thức bố trí phân tán, tổ chức thành nhóm tác chiến kết hợp các khả năng trinh sát thám trắc, gây nhiễu điện tử, tiến công mạng, giáng đòn hỏa lực, thực hiện tác chiến của cụm vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ở Biển Đông, Trung Quốc cũng liên tục đưa vào ứng dụng các loại AI mới. Vào tháng 7/2017, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã đưa ra kế hoạch tạo “bước đột phá lớn” trong công nghệ AI vào năm 2025. Chính quyền Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại hóa AI trong các lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc như thành phố thông minh và khả năng ứng dụng AI vào các mục đích quân sự. Trong diễn biến khác, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (9/2018) đã phát hành Sách Trắng về phát triển trí tuệ nhân tạo năm 2018. Sách Trắng đề cập tới các lĩnh vực phát triển AI của Trung Quốc, trong đó có phát triển và ứng dụng giọng nói thông minh, thị giác máy tính và phát triển các thuật toán về nhận dạng giọng nói. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng khu công nghệ trị giá 13,8 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) để phát triển trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ được xây dựng trong vòng 5 năm và nằm ở quận Mentougou ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Khu công viên công nghệ trên sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp và dự kiến sẽ tạo ra một giá trị sản lượng hàng năm khoảng 50 tỷ nhân dân tệ. Một trong những trọng tâm nghiên cứu, phát triển của các doanh nghiệp này là điện toán đám mây, sinh trắc học và AI.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngân sách cho dự án này lên tới 1,1 tỷ NDT, tương đương 160 triệu USD. Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu ngầm robot để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại dưới đáy biển và tìm khoáng thạch, sau đó nó các robot trên sẽ tự động phân tích các mẫu vật và gửi kết quả về trung tâm kiểm soát trên mặt đất. Về địa điểm đặt căn cứ, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chỉ có khu vực rãnh Manila gần Philippines đạt được yêu cầu đưa ra. Theo đó, rãnh này có độ sâu 5.400 m. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc triển khai kế hoạch trên sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Theo đó, thách thức lớn nhất trong kế hoạch trên là tìm ra được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu hàng nghìn mét. Vật liệu này vừa phải cứng, vững chắc, vừa phải đủ độ linh hoạt để có thể kết nối với tàu điện ngầm. Ngoài ra, đáy biển là khu vực có môi trường khắc nghiệt, áp lực cao, xói mòn, địa chất yếu và động đất có khả năng đe dọa bất cứ cấu trúc nào ở đáy biển. Rãnh Manila cũng là một trong những khu vực có nguy cơ động đất mạnh nhất thế giới. Một cuộc nghiên cứu của Viện địa chất thuộc Cơ quan Động đất Trung Quốc năm nay dự đoán một trận động đất lớn tại rãnh Manila có thể tạo ra sóng thần cao tới 4m về phía đồng bằng Châu Giang, bao gồm Hong Kong, trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Trung Quốc tìm cách triển khai dự án trên là nhằm phục vụ âm mưu chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một là, căn cứ trên có khả năng thu thập thông tin về cấu tạo địa chất dưới đáy biển, môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng. Hai là, căn cứ trên cũng hỗ trợ các hoạt động của hải quân Trung Quốc, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Không những vậy, Trung Quốc có thể sự dụng các tàu ngầm AI cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. Ba là dự án này không chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ tư, ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, dự án tàu ngầm robot của Trung Quốc còn nhằm theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc bắt đầu theo đuổi kế hoạch lập một đội tàu lặn tự hành, hay còn được gọi là “Phương tiện không người lái dưới nước” (Extra Large Underwater Unmanned Vehicles, XLUUV). Những con tàu này có khả năng làm nhiệm vụ từ theo dõi cá voi đến hoạt động chống tàu sân bay. Tất cả hoạt động nhờ vào trí tuệ nhân tạo. Có thể vượt qua hàng nghìn hải lý, tùy thuộc vào kích cỡ của đội tàu mà Trung Quốc có thể xuất hiện ở khắp nơi trong khu vực. Khi di chuyển dưới đại dương, đội tàu ngầm tự hành này sẽ có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, từ chiến tranh điện tử đến rà mìn (mine warfare), cũng như nhiều khả năng tấn công khác. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020. Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Theo giới thiệu, tàu ngầm AI của Trung Quốc sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu. Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu. Tuy nhiên, tàu ngầm AI cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm AI còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định. Không loại trừ khả năng một thiết bị ngầm tự động không người lái, bị mất kiểm soát, vì công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nên có thể bắn vào tàu hải quân hoặc tàu dân sự. Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc tấn công quy mô nhỏ kiểu như vậy nhắm vào các tàu nước ngoài, sau đó tuyên bố tai nạn xảy ra ngoài ý muốn vì “sự cố công nghệ”. Phát triển hệ thống thiết bị tự động dưới lòng biển nằm trong chiến lược “Vạn lý trường thành dưới nước” của Trung Quốc. Dự án bao gồm cả một mạng lưới máy dò, được đặt ngầm trong khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho quốc phòng. Lợi ích chiến lược chính của dự án này là nhằm phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nga, đồng thời loại bỏ lợi thế hiện nay của những nước này trong lĩnh vực hải quân.

Vào tháng 3/2019, Trung Quốc loan báo về kế hoạch xây dựng “Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu dưới nước”. Dự án nằm trong một chương trình rộng hơn nhằm cung cấp các dịch vụ định vị, hoa tiêu và liên lạc cho người sử dụng trên toàn cầu. Hoạt động thí điểm được cho là sẽ được thực hiện trên Biển Đông. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết hệ thống định vị dưới biển sâu này là dự án UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ công nghệ trọng yếu phục vụ hoạt động phân định ranh giới dưới vùng biển nước sâu, đặc biệt là phục vụ các tàu lặn sâu của nước này. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc sẽ xây dựng một khu vực ứng dụng UGPS, bao phủ diện tích khoảng 250.000 km2.

RELATED ARTICLES

Tin mới