Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung Quốc duy trì tập trận, nâng cao trạng thái sẵn sàng...

Trung Quốc duy trì tập trận, nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông và Hoa Đông

Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết kể từ Tết Nguyên đán 2020, lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc đã nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu sau khi chứng kiến lực lượng quân đội Mỹ gia tăng các cuộc tập trận tự do tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông.\

Trước thông tin cho rằng các hoạt động tập trận trên biển của Trung Quốc bị tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (02/3) khẳng định các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc vẫn diễn ra theo đúng lịch trình và kế hoạch, không bị tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc trích dẫn một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết từ Tết Nguyên đán 2020, lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc đã nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu sau khi chứng kiến lực lượng quân đội Mỹ gia tăng các cuộc tập trận tự do tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, phi công thuộc chiến khu Nam bộ và Đông bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã buộc phải trì hoãn kỳ nghỉ Tết để tham gia thực hiện liên tiếp các chuyến bay “tuần tra” định kỳ trên biển.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ y tế thuộc Cục hỗ trợ hậu thuộc Quân uỷ Trung ương (CMC) Chen Jingyuan cho rằng để hỗ trợ dập dịch, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) điều hơn 10.000 bác sĩ quân y đến Vũ Hán và các ổ dịch khác ở tỉnh Hồ Bắc.  Nhiệm vụ này đòi hỏi phải huy động nhiều máy bay vận tải quân sự từ các bộ chỉ huy, trong đó có Y-20, loại lớn nhất trong đội tàu vận tải của Không quân Trung Quốc. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của họ hiện nay là cuộc chiến chống dịch, buộc PLA phải hoãn “một số cuộc tập trận và kế hoạch huấn luyện quy mô lớn”. 

Trước thông tin trên, nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng tình trạng gián đoạn về hậu cần là vấn đề trọng tâm dẫn đến thay đổi kế hoạch huấn luyện. Ông Tống Trung Bình nhận định, cuộc chiến chống dịch hiện nay ảnh hưởng đến các kế hoạch tập trận thường kỳ của PLA vì nhiều đơn vị chiến đấu của PLA, các xe quân sự hay máy bay của không quân, đã được huy động để hỗ trợ Vũ Hán. Bên cạnh đó, quân đội ở nhiều bộ chỉ huy cũng phải hỗ trợ các bệnh viện địa phương và chính phủ đối phó với dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, ông Tống và các nhà quan sát quân sự cho rằng đình chỉ tập trận không chỉ áp dụng cho các cuộc diễn tập chung của hải quân, không quân và nhiều bộ chỉ huy. Các chương trình tập trận sẵn sàng chiến đấu như tuần tra hàng hải và hàng không trên biển Đông và Hoa Đông vẫn được giữ nguyên.

Chuyên gia phân tích quân sự Lý Kiệt của Bắc Kinh cũng nhận định những cuộc diễn tập liên quan đến một lực lượng của quân đội, như tập bao vây đảo ở khu vực gần Đài Loan để cảnh báo lực lượng muốn độc lập ở đảo này sẽ vẫn được triển khai vì các lực lượng biên giới vẫn được đặt trong tình trạng cảnh báo cao khi Bắc Kinh bận đối phó với khủng hoảng trong nước.

Trên thực tế, bất chất diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp và chưa được dập tắt hoàn toàn, hải quân Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động tập trận trên biển, nhất là ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuần trước, một tiểu hạm gồm 6 con tàu của Hạm đội Nam Hải thuộc lực lượng PLA đã hoàn thành 41 ngày tập bắn đạn thật tại phía Tây Thái Bình Dương và quay trở về căn cứ tại thành phố Tam Sa, ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cuộc tập trận này là đợt diễn tập có quy mô lớn nhất và dài nhất trong 2 năm gần đây của Trung Quốc, hạm đội đã di chuyển gần 26 nghìn km trên biển trong suốt 6 tuần. Đáng chú ý, trên hành trình trở về, tàu khu trục hạm Type 052D của Trung Quốc đã sử dụng súng laser quân đội để nhắm vào một chiếc máy bay tuần tra của quân đội Mỹ khi thấy chiếc máy bay này băng qua phía Tây Thái Bình Dương.

Liên quan cuộc tập trận trên, Tiến sỹ Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng việc tập trận thường xuyên của Hải quân Trung Quốc là sự răn đe mà Bắc Kinh muốn gửi đến các nước láng giềng rằng Trung Quốc có nhiều công cụ để áp đặt theo ý riêng. Lâu nay, Trung Quốc vẫn tập trung vào những cách thức phi quân sự, nhưng cuộc tập trận cũng là dấu hiệu cho thấy sự tập trung có thể chuyển hướng sang hình thức sử dụng quân sự. Chính vì thế, các nước láng giềng của Trung Quốc cần nhận thức rõ sự quan trọng của việc cũng phải tăng cường thực lực chống phong tỏa, chống tiếp cận trên biển. Bên cạnh đó, những năm qua, Hải quân Trung Quốc thường xuyên tập trận ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở phía đông chuỗi đảo thứ nhất (bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở đảo Borneo/Kalimantan và phần phía Bắc của Philippines). Gần đây, các lực lượng tác chiến trên không và trên biển của Hải quân Trung Quốc đã thể hiện khả năng hoạt động vượt qua chuỗi đảo thứ nhất khi điều động phương tiện đi qua eo biển Miyako, eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Patrick Cronin hải quân Mỹ vẫn chiếm nhiều ưu thế ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nên Hải quân Trung Quốc vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để có thể hoạt động ổn định, lâu dài ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Vì thế, thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường sức chiến đấu ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Để thực hiện điều đó, trong cuộc tập trận trên, Hải quân Trung Quốc tăng cường tích hợp nhiều lực lượng. Bước thứ nhất là tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công công nghệ cao từ Mỹ, có thể là chống lại các hình thức gây nhiễu điện từ. Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ bổ sung các hoạt động tấn công chiến thuật khi tập trận. Xa hơn nữa, việc tập huấn tác chiến ở khu vực này có thể quy tụ cả tàu sân bay chứ không chỉ giới hạn lực lượng như đội tàu trên. Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải, Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định, cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc nhằm khẳng định với Mỹ cùng các đồng minh rằng Trung Quốc có khả năng tác chiến bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, để hoạt động mạnh mẽ ở Tây Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới