Ngay sau khi tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên thệ nhâm chức, Chính quyền mới của Malaysia được cho là sẽ có những điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực kinh tế, tìm cách giảm lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt để nâng cao đời sống người dân, duy trì niềm tin của người tiêu dùng; đồng thời thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những bước điều chỉnh chính sách của Malaysia sẽ không thoát khỏi “hình bóng” của Trung Quốc.
Yếu tố Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các doanh nghiệp Trung Quốc, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đều đang tiến vào các nước ASEAN với quy mô lớn, khiến Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất của ASEAN. Trong số các quốc gia ASEAN mà Trung Quốc đầu tư, Malaysia là một điểm sáng lớn hơn. Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Mỹ, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Malaysia. Năm 2017, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này. Ngoài ngành sản xuất chế tạo, đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia chủ yếu là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, cần nhiều vốn.
Nhìn chung, Malaysia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc và trên thực tế Malaysia cũng thực sự rất cần nguồn vốn của Trung Quốc để lấp khoảng trống trong đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này. Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Malaysia, điều đó thể hiện thái độ tích cực của Trung Quốc và cũng chứng minh một số thành tựu quan trọng mà Trung Quốc đã giành được. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia gặp trắc trở lớn, một số trong đó trên thực tế đã gặp phải khó khăn không dễ khắc phục, gây ra thiệt hại lớn.
Một trong những dự án có hiệu quả đầu tư tốt là dự án mở rộng cảng Kuantan. Cảng này nằm cách thành phố Kuantan 25 km về phía Bắc thuộc bang Pahang, là cảng đầu tiên ở bờ biển phía Đông Malaysia có thể cho phép tàu thuyền ra vào quanh năm. Cảng này hướng ra Biển Đông, là một điểm nút quan trọng của tuyến đường biển gần nhất giữa Trung Quốc và Malaysia. Cảng Kuantan được điều hành bởi Công ty Kuantan Port Consortium thuộc sở hữu tư nhân, trong đó Tập đoàn cảng khẩu biển quốc tế Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc chiếm 40% cổ phần. Năm 2013, dự án mở rộng cảng biển này bắt đầu thông qua việc huy động vốn trong nội bộ ngân hàng để sửa chữa lại cầu cảng mới và các cơ sở hạ tầng khác với diện tích 30 km2. Cùng với việc hoàn thành dần dần dự án mở rộng, cảng Kuantan đã được nâng cấp từ một cảng nhỏ trước kia thành cảng nước sâu, tàu chở hàng container của cảng Huệ Châu của Trung Quốc sẽ cập cảng Kuantan, Kuantan dựa vào mạng lưới logistic của cảng Huệ Châu mà được nâng cấp thành một trong những cảng quan trọng nhất trong khu vực.
Năm 2015, hai chỉ số chủ yếu là lượng hàng hóa thông qua cảng biển và thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cảng Kuatan tăng mạnh, lượng hàng hóa thông qua cảng biển này lần đầu tiên lên tới 40 triệu tấn, tăng gấp đôi, trong đó 90% của lượng tăng hàng hóa đến từ Trung Quốc; hoàn thành xếp dỡ hơn 140.000 container, tốc độ tăng trưởng lên tới hai con số. Ngoài việc xây dựng khá thuận lợi, cảng Kuantan còn có ý nghĩa quan trọng vượt trên ý nghĩa của nó, bởi vì dự án cảng Kuantan có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu công nghiệp Kuantan giữa Trung Quốc và Malaysia. Khu công nghiệp này nằm ở bờ biển phía Đông bán đảo Mã Lai, gần Kuantan, do Trung Quốc và Malaysia cùng khai thác, là một trong những kế hoạch “hai nước, hai khu công nghiệp” nổi tiếng nhất. Việc thúc đẩy thuận lợi dự án mở rộng cảng Kuantan sẽ hỗ trợ tốt hơn cho kế hoạch “hai nước hai khu công nghiệp”. Cần phải nói rằng việc mở rộng cảng Kuantan là một dự án khá thành công khi Trung Quốc đầu tư vào Malaysia.
Ngược lại, dự án đường sắt bờ biển phía Đông đã gặp nhiều trắc trở. Dự án này có thời điểm bị ép phải đình chỉ, tuy đã được khôi phục, nhưng dự báo lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Nếu đơn thuần xem xét từ khía cạnh đầu tư thương mại thì khó khẳng định là thành công. Dự án này ban đầu do Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia dưới thời Najib Razak ký kết, Trung Quốc cung cấp khoản vay trị giá 55 tỷ ringgit (khoảng 89 tỷ nhân dân tệ hoặc 12,9 tỷ USD), là dự án đường sắt lớn nhất ở Đông Nam Á hiện nay, cũng là dự án mang tính cột mốc lớn nhất để sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tiến ra biển.
Tuyến đường sắt ở bờ biển phía Đông kết nối một số thành phố trọng điểm của Malaysia với tổng chiều dài 688,3 km, ban đầu dự định xây dựng trong khoảng 5 đến 6 năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền ở Malaysia vào tháng 5/2018, họ đã tuyên bố phải đình chỉ và đánh giá lại một số dự án đầu tư của Trung Quốc, trong đó bao gồm dự án đường sắt này. Tháng 4/2019, Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác nhận Trung Quốc và Malaysia đã ký hợp đồng bổ sung về tuyến đường sắt bờ biển phía Đông, giá trị của công trình này từ giảm 65,5 tỷ ringgit xuống còn 44 tỷ ringgit. Trung Quốc đã có sự nhượng bộ tương đối lớn để khôi phục dự án này, chuyên gia đánh giá lợi nhuận của dự án này là rất nhỏ. Trung Quốc đã xem xét đến mối quan hệ hai nước và tầm quan trọng của tuyến đường sắt phía Đông trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” mới đưa ra quyết định dựa trên tình hình chung.
Trước cuộc bầu cử năm 2018, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia nhìn chung thuận lợi, nhưng cùng với chính phủ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền, tình hình đầu tư trở nên phức tạp, trong đó một số dự án bị đánh giá lại trong khi những dự án khác bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc. Theo các quan chức Malaysia, lý do quan trọng nhất khiến chính phủ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hủy bỏ hoặc đình chỉ rất nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc, là vì cho rằng nó có thể gây ra khoản nợ lớn cho chính phủ nước này. Nhưng lý do đó có công bằng hay không thì giữa chính phủ mới và cũ của Malaysia cũng như Trung Quốc lại có quan điểm khác nhau. Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc cho rằng, trên thực tế rất nhiều dự án ở Malaysia đều do các tổ chức tư nhân của Trung Quốc và Malaysia tài trợ vốn chẳng hạn như dự án Forest City thuộc Country Garden, không liên quan đến nợ của chính phủ. Cho dù là dự án liên quan đến nợ chính phủ, Trung Quốc cũng hiếm khi yêu cầu Chính phủ Malaysia bảo lãnh. Hơn nữa, trước khi thay đổi đảng cầm quyền, theo thống kê của chính phủ, mức nợ của Malaysia không cao. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết tính đến cuối năm 2018, quy mô nợ phải trả và nợ do chính phủ bảo lãnh của Chính phủ liên bang Malaysia đã tương đương với 80,3% GDP; nếu xóa bỏ những dự án ngoài sổ sách, tỷ lệ nợ so với GDP là 65,4%. Con số nợ này cao hơn nhiều so với mức mà cựu Thủ tướng Najib Razak tiết lộ.
Ngoài những đánh giá về mặt nợ, một lý do quan trọng khác mà chính phủ mới đưa ra là đầu tư của Trung Quốc có thể đem theo dân nhập cư, từ đó mở rộng quy mô cộng đồng người Hoa ở Malaysia và cuối cùng có tác động lớn đến xã hội và bầu cử Malaysia.
Một nguyên nhân quan trọng khác tác động đến đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia chính là ý nghĩa địa chính trị của các dự án đầu tư. Ý nghĩa địa chính trị của tuyến đường sắt bờ biển phía Đông là sau khi được xây dựng, tuyến đường sắt này sẽ kết nối chặt chẽ hơn với Malaysia sau khi tuyến đường sắt xuyên Á hoàn thành, thậm chí toàn bộ Đông Nam Á, có thể kết nối cảng Kuantan ở bờ biển phía Đông với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan sẽ làm tăng đáng kể năng lực thương mại quốc tế của Malaysia, nâng cao địa vị của Malaysia trong ASEAN.
Ngoài ra, Malaysia có mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020, nhưng vẫn không thể tự mình đưa ra bất kỳ dự án vĩ đại có tầm nhìn toàn cầu, càng muốn cùng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, hợp tác cùng xây dựng. Trong quy hoạch ban đầu, Malaysia đã xem xét phải kết nối dự án này với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan, xây dựng tuyến đường vận chuyển trên đất liền từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến Malaysia. Tuyến đường sắt này có thể là trung tâm của tuyến đường sắt xuyên Á, sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến Malaysia, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Từ góc độ đó, dự án tuyến đường sắt bờ biển phía Đông phù hợp với triển vọng địa chính trị và mục tiêu phát triển quốc gia trong tương lai của Mahathir Mohamad.
Giải pháp nào cho tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin
Trên thực tế, Malaysia rất cần đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong một số dự án quan trọng, địa vị của Trung Quốc dường như là không thể thay thế được; bên cạnh đó, cục diện chính trị ở Malaysia phức tạp, để làm suy yếu ảnh hưởng của chính phủ tiền nhiệm…
Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, Chính quyền của tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin cần phải triển khai đồng loạt nhiều chính sách kích cầu kinh tế. Bên cạnh đó, Malaysia cần tiến hành hàng loạt cải cách về vấn đề phân quyền trong việc ra quyết định, nhằm xây dựng một nền kinh tế trí thức và đưa nước này bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo đó, để đáp ứng những yêu cầu mới, Malaysia cần cấp thiết tiến hành cải cách trong ba lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cả ba lĩnh vực này đều liên quan đến sự phân quyền trong việc ra quyết định. Thứ nhất, cơ cấu hành chính của cấp bang như hiện nay đã hạn chế tính sáng tạo trong việc ra chính sách và cản trở việc giám sát một cách hiệu quả. Chính phủ liên bang lớn và cồng kềnh hơn nhiều so với các chính phủ cấp bang, đồng thời có quyền lực không cân xứng. Sự tương phản trong quyền sử dụng ngân sách phản ánh sự thiếu cân bằng giữa chính phủ liên bang và bang. Chính phủ liên bang có quyền áp đặt thuế thu nhập và bán hàng. Trong khi đó, chính phủ cấp bang chỉ có thể dựa vào những giao dịch liên quan đến đất đai và phí đánh vào những hạng mục nhỏ, như giấy phép bán hàng rong chẳng hạn, để có thể có ngân sách tự chủ. Việc cung cấp hầu hết các dịch vụ công được thực hiện thông qua các chi nhánh của các bộ liên bang hoạt động tại cấp bang. Chi tiêu của cấp bang có được nhờ vào những khoản phân bổ tài chính của chính phủ liên bang và số lượng được phân bổ phụ thuộc vào những tính toán chính trị. Điều này có nghĩa rằng các chính phủ cấp bang không có khả năng tạo quỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết giúp giải quyết các nút thắt trong sản xuất tại địa phương. Muốn tăng trưởng, các chính phủ cấp bang nên được trao quyền lên kế hoạch và thực hiện các chiến lược phát triển của chính mình. Sự phân quyền hiệu quả đòi hỏi mỗi chính phủ cấp bang phải có bộ máy dịch vụ dân sự của chính mình. Các bang cũng cần nhận được “miếng bánh” lớn hơn từ ngân sách thuế, căn cứ trên các yếu tố như giai đoạn phát triển và đóng góp về thuế cho liên bang. Các bang cần được cho phép vay mượn để cấp vốn cho các dự án hạ tầng tại địa phương, với cam kết rằng sẽ không có sự cứu trợ của liên bang. Họ cũng cần được trao cho những trách nhiệm trọng yếu vốn đang do các bộ ngành cấp liên bang nắm giữ.
Thứ hai, cải cách các tập đoàn liên quan đến chính phủ (GLC). GLC hiện đang lấn át khu vực tư nhân, làm giảm động lực kinh tế. Các tập đoàn này cũng khiến tình trạng tham nhũng diễn ra, làm tăng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập. Về mặt lý thuyết, các GLC có thể hoạt động tốt, song trên thực tế không phải như vậy. Các quan chức có thể sử dụng các GLC như một sự bảo trợ về chính trị và làm bình phong cho tham nhũng cá nhân. GLC là sản phẩm mang tính chính trị chứ không phải là các công cụ kinh tế của đất nước. Cạnh tranh giữa các GLC và các công ty tư nhân về bản chất là không công bằng và có hại cho sự phát triển nói chung của nền kinh tế đất nước. Bất chấp việc các GLC có hoạt động kém hiệu quả như thế nào, chúng vẫn luôn được chính phủ cứu trợ. Các GLC phá hoại động lực kinh tế bằng cách mua luôn những đối thủ cạnh tranh tư nhân hoạt động hiệu quả hơn. Tệ hơn nữa, các GLC này còn ngăn cản sự phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp Mã Lai năng động bằng cách lôi kéo các doanh nhân người Mã Lai có năng lực ra khỏi khu vực kinh tế tư nhân và đưa họ vào các vị trí công việc dễ chịu và lâu dài trong các GLC.
Thứ ba, cải cách kinh tế, đa dạng hóa và mở rộng hệ thống ngân hàng. Cơ cấu độc quyền của lĩnh vực tài chính phá hoại hoạt động kinh tế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập thông qua việc ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.