Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ đang mắc kẹt...

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ đang mắc kẹt tại Pakistan

Kế hoạch xây dựng cảng Gwadar và hệ thống giao thông công cộng của Trung Quốc ở Pakistan đang rơi vào bế tắc vì thiếu hụt kinh phí. Điều này cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng và triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của nền kinh tế.

Dự án xây dựng trị giá 62 tỷ USD của Trung Quốc ở Pakistan bị ảnh hưởng bao gồm hệ thống kết hợp giữa cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường ống, hàng chục nhà máy và sân bay lớn nhất Pakistan. Cảng Gwadar nằm trên bờ biển phía Tây Nam Pakistan, đồng thời là cảng cuối của dự án hành lang nối liền tỉnh cực Tây Trung Quốc với biển Ả Rập. Sau gần 7 năm triển khai kế hoạch xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), các dự án xây dựng vẫn đi vào bế tắc và chưa có nhiều tiến triển; hiện chỉ có chưa đầy 1/3 số dự án CPEC hoàn tất với tổng đầu tư 19 tỷ USD. Phía Pakistan nhiều lần trì hoãn các dự án vì thiếu vốn và nhận gói cứu trợ 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi năm ngoái. Đây là gói giải cứu thứ 13 dành cho Pakistan kể từ thập niên 1990.

Theo giới nghiên cứu, tình trạng bế tắc ở Gwadar cho thấy những vấn đề trầm trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc đang thu hẹp lại tham vọng không chỉ riêng ở Pakistan mà trên toàn thế giới. Chuyên gia Jonathan Hillman, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ) cho biết khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, lạm phát leo thang và nước này đang lao đao với hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và dịch virus corona chủng mới gây ra.

Sáng kiến trên bắt nguồn từ lịch sử tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển, kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Nó được hình thành từ hai bộ phận, gồm: “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” – được xây dựng dọc theo hành lang Âu – Á, từ biển Thái Bình Dương tới biển Ban-tích, và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC-22 ở Bắc Kinh, tháng 11/2014. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, “Vành đai và Con đường” sẽ đi qua ba châu lục: Á – Âu – Phi, để kết nối các vòng tròn kinh tế sôi động, nhất là với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu.

Theo đó, “Vành đai” sẽ tập trung kết nối theo các hướng: giữa Trung Quốc với Trung Á, Nga và châu Âu (vùng Ban-tích); nối liền Trung Quốc với Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á; kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, “Con đường” sẽ thực hiện kết nối đường biển của Trung Quốc theo hai hướng: một là, sang châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương; hai là, qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương. Trên đất liền, Sáng kiến này sẽ tập trung xây dựng các kết nối đường bộ Á – Âu mới và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga; Trung Quốc – Trung Á – Tây Á; Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương. Trên biển, Sáng kiến được tập trung vào phát triển các cảng biển, cơ sở hậu cần tại các nước dọc theo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nội dung của sáng kiến “Vành đai và Con đường” tập trung vào 05 lĩnh vực kết nối, gồm: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân. Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các cổng kết nối cụ thể từ Trung Quốc tới các nền kinh tế, gồm: khu tự trị Tân Cương, các tỉnh: Hắc Long Giang, Quảng Tây, Vân Nam và khu vực Tây Tạng. Với quy mô và phạm vi kết nối này, việc bảo đảm tài chính cho Sáng kiến là vấn đề có tính then chốt. Trước mắt, Trung Quốc thiết lập quỹ cho Con đường tơ lụa khoảng 40 tỷ USD, phần còn lại (khoảng 100 tỷ USD) do Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) đảm nhiệm. Đây là sáng kiến có ý nghĩa toàn cầu, xuyên thế kỷ. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, “Vành đai và Con đường” được thiết lập sẽ kiến tạo mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, kết nối hơn 20 nước dọc theo Con đường đi qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 21 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như liên kết với các thị trường đang nổi, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Không những thế, các khu vực mà Con đường đi qua đều có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng. Đây là những khu vực giàu tài nguyên, trung tâm an ninh của khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Sáng kiến trên có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về đối nội và đối ngoại. Về đối nội, nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với hai mục tiêu mà lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua, đó là: (1).Xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021, đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập; (2) Xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong đó, việc làm sống lại “Giấc mơ Trung Hoa” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, nhằm gắn kết dân tộc Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những thách thức lớn, cả ở trong và ngoài nước. Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại và đối mặt với nhiều khó khăn nội tại. Sau ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đang trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, hàng hóa công nghiệp và thực phẩm, nên đòi hỏi sự đảm bảo việc tiếp cận các nguồn cung mới; đồng thời, đối mặt với thách thức khủng hoảng thừa và quá tải, đặc biệt là trong ngành thép và vật liệu xây dựng. Điều này có thể được giải quyết bằng Sáng kiến trên, khi mở cửa các thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn nữa, do chi phí lao động tăng, Trung Quốc sẽ chuyển các cơ sở sản xuất tốn nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp ra nước ngoài. Ngoài ra, với Sáng kiến này, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển ở các tỉnh nghèo khó trên biên giới bộ nhằm tạo cơ hội phát triển thịnh vượng; đồng thời, kích thích tăng trưởng kinh tế đối với các tỉnh nằm sâu trong nội địa và ở phía Tây vốn đã tụt hậu trong những thập kỷ mở cửa vừa qua. Về đối ngoại, sau những hành động cương quyết dứt bỏ chiến lược “giấu mình, chờ thời” gây quan ngại cho nhiều nước, sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm góp phần kết nối kinh tế, vì sự thịnh vượng chung của mỗi nước và xoa dịu cộng đồng quốc tế.

Mặt khác, ý tưởng trên còn có ý nghĩa chiến lược hơn, bởi nó bao hàm an ninh truyền thống ở cấp độ khu vực và liên khu vực. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Nam Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương bằng chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, tạo bàn đạp để nước này tăng cường tiềm lực cũng như khả năng tiếp cận hàng hải. Trên thực tế, không có nhiều điểm khác biệt giữa “Con đường tơ lụa trên biển” với “Chuỗi ngọc trai”, nhằm chiếm ưu thế về chiến lược. Nếu sáng kiến “Vành đai và Con đường” được hiện thực hóa, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm địa chính trị – kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Sáng kiến cũng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ. Bên cạnh việc trì trệ các kế hoạch xây dựng ở Pakistan, Trung Quốc cũng đã hủy bỏ hoặc thu hẹp nhiều dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường ở hàng loạt quốc gia. Malaysia yêu cầu đàm phán lại các điều khoản trong dự án đường sắt đang được Trung Quốc xây dựng và hủy bỏ dự án đường ống trị giá 3 tỷ USD. Tại Kenya, tòa án ban hành lệnh tạm dừng xây dựng nhà máy điện 2 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ. Ở Sri Lanka, chính quyền cho biết muốn giành lại quyền kiểm soát cảng Hambantota đã cho công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm. Vụ cảng Hambantota khiến nhiều quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường lo ngại nguy cơ mắc kẹt trong nợ Trung Quốc và đánh mất quyền kiểm soát các hạ tầng trọng yếu. Theo báo cáo của Công ty luật Baker McKenzie, phản ứng của các quốc gia có thể khiến quy mô của sáng kiến Vành đai và Con đường sụt giảm hàng trăm tỷ so với ước tính 1.000 tỷ USD ban đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới