Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐàm luậnAnh hưởng của TQ đến Đông Nam Á như thế nào?

Anh hưởng của TQ đến Đông Nam Á như thế nào?

Bên cạnh sự giảm sút về trao đổi thương mại, nhiều cam kết đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á, khó có thể thực hiện được.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn nhất đối với 9 trong số 10 quốc gia tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đây cũng là một thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng đối với khu vực. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự phụ thuộc của một số quốc gia Đông Nam Á vào Trung Quốc, nhưng dịch bệnh đang làm thay đổi tình hình.

Sụt giảm hoạt động giao thương

Với lượng khách du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhiều chủ doanh nghiệp tại Đông Nam Á đang cảm thấy lo âu.

“Tôi không có bất cứ khách hàng nào, trong khi đó tôi phải chi tiêu tổng cộng 20.000 USD mỗi tháng vì tôi thuê 35 nhân công. Tôi vẫn giữ lại các nhân viên vì họ rất tốt. Chúng tôi đã chuẩn bị cho một giai đoạn gián đoạn dài hơn trong việc hoạt động”, một doanh nhân Hàn Quốc – người điều hành chuỗi khách sạn tại Đà Nẵng cho biết.

Hiện nay, nhiều bãi biển của Thái Lan và Malaysia gần như bị bỏ hoang do sụt giảm lượng du khách. Các nhà phân tích dự đoán rằng, nhu cầu giảm sút chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy thoái kinh tế đối với toàn khu vực.  Lấy ví dụ, các tỉnh phía Bắc của Lào vốn phụ thuộc vào thương mại với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đang phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do hoạt động giao thương giữa hai bên tạm dừng trong thời gian qua.

“Cứ vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, người Trung Quốc đổ về các ngôi làng để mua một số lượng lớn sản phẩm nông nghệp theo đơn đặt hàng. Bây giờ cửa khẩu biên giới với Trung Quốc bị đóng cửa, cao su và dưa hấu của chúng tôi không tìm được nguồn tiêu thụ”, những người dân từ tỉnh Luang Namtha cho biết.

Lệnh phong tỏa cũng làm gián đoạn việc vận hành tuyến đường sắt kết nối Lào-Trung Quốc và các hoạt động tại Đặc khu kinh tế Boten ở biên giới phía bắc Lào. Tình trạng tương tự đang diễn ra với nhiều dự án xây dựng mà các công ty Trung Quốc đảm nhận trên khắp khu vực.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, nhằm tránh phải chịu sự gia tăng chi phí hoạt động ở Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi không phụ thuộc vào nguồn tiền hay lao động của Trung Quốc, nhiều nhà máy trên khắp khu vực vẫn rơi vào tình trạng tê liệt vì không đủ nguyên liệu đầu vào. Tại Campuchia, 200 nhà máy có nguy cơ dừng hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến hơn 100.000 công nhân trong ngành may mặc.

Nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc có nguy cơ bị hủy bỏ

Bên cạnh sự giảm sút về hoạt động giao thương, nhiều cam kết đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á, khó có thể thực hiện được. Nguy cơ tăng trưởng chậm, thậm chí là suy thoái kinh tế do dịch bệnh Covid-19 dễ khiến Trung Quốc thiếu hụt nguồn vốn. Giới phân tích cho rằng, hầu hết các dự án chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ không bị nhiễu loạn, nhưng những khoản đầu tư được cho là có nguy cơ rủi ro lớn sẽ nằm trong danh sách bị loại bỏ đầu tiên.  

Giai đoạn hoàng kim của việc chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài của Trung Quốc có thể không còn nữa nếu các nhà lãnh đạo nước này chuyển sự tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Trung Quốc có thể sửa đổi khẩu hiệu của mình bằng cách nhấn mạnh rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” cần phải được thực hiện bằng nỗ lực của một tập thể thay vì bằng hành động từ một phía. Nếu kịch bản này xảy ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài có thể trở thành vấn đề đau đầu của nhiều chính phủ Đông Nam Á.

Đông Nam Á vẫn có khả năng tự phục hồi

Xem xét một cách kỹ lưỡng, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam sang Trung Quốc đã vượt xa tốc độ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan lại rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với Bắc Kinh.

Nếu các nhà máy duy trì đóng cửa trong thời gian dài, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh, hơn 7% vào năm 2019, Việt Nam có thể sớm vượt qua giai đoạn này. Trong khi đó, tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế của Singapore sẽ nghiêm trọng hơn vì quốc gia này đã phải chịu sự tăng trưởng chậm trước thời điểm dịch bệnh diễn ra.

Trong tình thế khó khăn hiện nay, Tham Siew Yean, giáo sư danh dự tại Đại học Kebangsaan Malaysia cho biết, các nhà sản xuất Đông Nam Á có thể đa dạng hóa nguồn cung, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vì các nguồn thay thế khác có thể đắt đỏ hơn.

Một số nước Đông Nam Á hy vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ mang lại hiệu quả. Indonesia – nhà cung cấp than, khí đốt và cao su, đã giảm lãi suất xuống 4,75% vào tháng 2/2020. Thái Lan đã hạ thấp lãi suất xuống còn 1% – mức thấp kỷ lục, bởi nước này phụ thuộc khá nhiều vào ngành du lịch cũng như ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc. Malaysia và Indonesia đã ban hành các gói kích thích kinh tế để chống lại tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Cây bút Robert Bociaga của tờ The Diplomat cho rằng, Covid-19 nên được coi là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với các quốc gia đang phấn đấu để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của phần còn lại của thế giới. Thực tế cho thấy môi trường chính trị trên phạm vi toàn cầu không có lợi cho một sự đảo ngược, nhưng đã đến lúc Đông Nam Á cần thức tỉnh và điều hướng sự chuyển đổi của chính mình. Khu vực này vẫn có thể tìm thấy sự lạc quan trong giai đoạn bất ổn nếu ASEAN – với vai trò là một khối thống nhất, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong bối cảnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang bị trì hoãn, các chính trị gia và các doanh nghiệp có cơ hội sửa đổi chiến lược của họ. Theo Robert Bociaga, ngoài việc cắt giảm lãi suất, Đông Nam Á nên cải cách các chính sách của khu vực về lâu về dài, xây dựng thêm nhiều trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ để đóng vai trò to lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý Trung Quốc cũng đang nỗ lực hành động ngăn không để dịch bệnh Covid-19 gây tổn hại lâu dài đến chiến lược Đông Nam Á của nước này. Vào cuối tháng 2/2020, Bắc Kinh đã thảo luận về ảnh hưởng của Covid-19 với các đối tác Đông Nam Á ở  Vientiane, Lào, nhằm củng cố sự đoàn kết trong khu vực trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới