Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThêm bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc dung túng cho...

Thêm bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc dung túng cho việc mổ cướp nội tạng

Chính quyền Trung Quốc coi số lượng người được ghép tạng là một bí mật nhà nước. Tuy nhiên sự thật đang dần hé lộ, những bằng chứng xuất hiện ngày càng nhiều đang củng cố cho kết luận: nguồn cung nội tạng cho hệ thống ghép tạng của Trung Quốc có liên hệ với các tù nhân lương tâm bị hành quyết.

 

Hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc có thể thực hiện được điều thần kỳ không đâu làm được. Ai có nhu cầu mua nội tạng người chỉ cần 24 đến 72 giờ sẽ được đáp ứng. Trong khi đó, với một yêu cầu tương tự ở Hoa Kỳ, người ta sẽ phải đợi ít nhất 300 ngày. Nguồn tạng dồi dào và dễ dàng ở Trung Quốc khiến người ta đặt ra câu hỏi, làm thế nào hệ thống ghép tạng ở quốc gia Đông Á này lại định vị, xác minh và kết nối được với một người hiến tạng nhanh đến vậy?

Tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khuynh tả (VOC) hôm thứ Ba (10/3) đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Thu hoạch nội tạng và hành quyết phi pháp ở Trung quốc: Một đánh giá với các bằng chứng” của chuyên gia về Trung Quốc, Matthew P. Robertson. Để hoàn thành báo cáo này, ông Matthew đã thu thập và nghiên cứu các bằng chứng quan trọng đối với các cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép thực hiện các vụ hành quyết phi pháp phục vụ cho việc thu hoạch nội tạng bán kiếm lợi.

Báo cáo của ông Matthew, cùng với phán quyết của Tòa án Anh nói rằng Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục chống lưng cho nạn mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi cộng đồng thế giới đang tỏ ra thờ ơ với vấn đề nghiêm trọng này.

Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Cấy ghép tạng Quốc tế đã dễ dàng chấp thuận tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng hệ thống cấy ghép tạng của nước họ hoạt động dựa trên nguyên tắc đạo đức và sự tự nguyện của người hiến tạng. Các chính phủ trên thế giới, và thậm chí nhiều tổ chức nhân quyền, đã không đặt ra vấn đề với một hiện tượng không bình thường đó là làm sao Trung Quốc lại có thể có hệ thống cấy ghép tạng phát triển nhanh với quy mô quá lớn và nguồn cung nội tạng quá dễ dàng như vậy.

 Với việc tiếp tục có thêm các bằng chứng về nạn buôn bán nội tạng, cũng như các dấu hiệu cho thấy người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân mới nhất của hệ thống cấy ghép tạng Trung Quốc, thì rõ ràng ở thời điểm hiện tại rất cần các hành động và sự phối hợp quốc tế để đẩy lùi tội ác này.

Ông Matthew nhận thấy rằng, bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc đã nhanh chóng có được một hệ thống cấy ghép tạng thực hiện được hàng chục ngàn ca cấy ghép các bộ phận trong cơ thể người mỗi năm. Đó là một con số quá lớn nếu so sánh với các hệ thống cấy ghép tạng khác trên thế giới.

Ban đầu, chính quyền Trung Quốc tuyên bố nguồn tạng đều được lấy từ những người tự nguyện. Tuy nhiên khi không trả lời được các câu hỏi, họ nói rằng nguồn tạng được lấy từ các tù nhân bị hành quyết, mặc dù vậy câu trả lời này vẫn không thuyết phục, vì số lượng tử tù được thống kê ở nước này từ năm 2000 trở đi có xu hướng giảm, nhưng số người được ghép tạng lại có xu hướng tăng.

Ông Matthew đã điều tra tỉ mỉ về hoạt động cấy ghép tạng ở Trung Quốc và phát hiện ra rằng các bệnh viện ở nước này đã thực hiện ghép tạng với số lượng gấp nhiều lần số tử tù bị hành quyết. Từ đó ông đi đến kết luận, chắc chắn ngoài số tạng lấy từ các tử tù, Trung Quốc còn có nguồn cung tạng khác lớn hơn nhiều.

Ông Matthew cũng đã tìm thấy thông tin về những ca ghép gan khẩn cấp (nghĩa là những ca ghép gan được thực hiện chỉ trong vòng 24 hoặc 72 giờ) từ sau năm 2000. Đây là những manh mối cho thấy ở Trung Quốc có nguồn cung cấp nội tạng gần như tức thì theo yêu cầu của bệnh nhân.

 Nếu các tử tù không phải là nguồn cung cho phần lớn các ca cấy ghép tạng, thì ông Matthew cho rằng lời giải thích hợp lý duy nhất còn lại là nguồn cung nội tạng ở Trung Quốc kể từ năm 2000 trở đi chính là từ các tù nhân lương tâm.

Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7/1999 trùng khớp với sự phát triển nhanh chóng của ngành cấy ghép tạng Trung Quốc kể từ 6 tháng sau đó. Yêu cầu xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe theo chuẩn để lấy nội tạng, yêu cầu đưa tù nhân vào viện theo các cuộc gọi của bác sĩ, việc lính canh thường đe dọa tù nhân về việc mổ cướp nội tạng, hay việc các bác sĩ tham gia vào các ca phẫu thuật trong chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công là những bằng chứng củng cố cho kết luận của ông Matthew.

Do áp lực từ quốc tế, từ năm 2015 chính quyền Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chỉ lấy nội tạng của những người hiến tạng tự nguyện. Mặc dù vậy, các phân tích pháp y trên các dữ liệu liên quan cho thấy thực tế họ không làm như tuyên bố. Quy mô của hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc không hề bị thu hẹp, và tuyên bố của chính quyền chỉ là một cách để đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Trong cùng thời gian đàn áp Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc cũng triển khai một chiến dịch quy mô lớn chống lại người Duy Ngô nhĩ ở Tân Cương. Những người thuộc sắc tộc thiểu số ở miền Tây Trung Quốc cũng bị xét nghiệm máu và bị đưa tới các địa phương khác bằng tàu hỏa. Các tù nhân Duy Ngô Nhĩ may mắn trốn được ra nước ngoài đã xác nhận điều này và nói rằng họ bị kiểm tra thể chất theo các quy định hiến tạng.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa số lượng nội tạng sẵn có ở Trung Quốc tăng nhanh chóng với việc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị bắt giam và bị buộc xét nghiệm máu và kiểm tra thể chất, củng cố nhận định tù nhân Duy Ngô Nhĩ là một nguồn lấy tạng sống khác của chính quyền Trung Quốc.

 Theo nhà báo Murray Bessette, đối với các quan chức Trung Quốc, thông tin về số lượng cấy ghép tạng là một bí mật nhà nước. Trong trường hợp họ nhận được câu hỏi từ các phóng viên, họ thường lảng tránh hoặc tìm cách che dấu sự thật.

Nếu các cáo buộc nhà nước Trung Quốc ủng hộ và bảo trợ việc giết hại tù nhân để lấy nội tạng là không đúng, thì người ta mong muốn chính quyền Trung Quốc công khai bằng chứng nguồn tạng cung cấp cho hệ thống ghép tạng là hợp pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng thay vào đó, họ đã phối hợp với các chuyên gia y học quốc tế để đối phó với các cáo buộc bằng việc đưa ra các dữ liệu giả mạo từ một hệ thống hiến tạng tự nguyện nào đó có tên Potemkin.

Chính quyền Trung Quốc đã cư xử giống với hành vi của một kẻ chuyên làm những việc mờ ám, nhà báo Murray Bessette nhận định.

Cũng theo nhà báo Murray, giá của một ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc không được tính bằng tiền mà bằng mạng sống của các tù nhân lương tâm có nội tạng bị chính quyền thu hoạch cưỡng bức. Đó là một cái giá quá đắt, nhà báo Murray kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới