Tuesday, December 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về khả năng tham gia của TQ vào...

Một số phân tích về khả năng tham gia của TQ vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên TBD và triển vọng trong thời gian tới

Trung Quốc chưa từng công khai mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng không phải thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Hiện nay, giới chuyên gia đưa ra nhiều dự báo, phân tích về khả năng Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Lý do TQ sẽ không tham gia CPTPP

Thứ nhất, trong lịch sử của Trung Quốc cho tới nay chỉ có 2 lần Trung Quốc “tham gia” vào thoả thuận đa phương quốc tế đã có sẵn là Liên hợp quốc – UN (United Nations) năm 1945 và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001, nghĩa là chỉ có 2 lần để cho quốc gia khác phán quyết “kết nạp Trung Quốc”. Ngoài ra, Trung Quốc đều là thành viên sáng lập, tham gia ngay từ đầu và cùng quyết định luật chơi chứ không chịu phải chấp nhận luật chơi của những người khác. Nếu tham gia CPTPP, Trung Quốc phải chấp nhận những quy định của CPTPP. Do vậy, Trung Quốc sẽ không tham gia CPTPP, trừ khi Trung Quốc bị đẩy vào đường cùng hoặc có cuộc cách mạng thực sự về tư duy và cách tiếp cận lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, hai điều này khó xảy ra.

Thứ hai, Trung Quốc không khi nào tham gia cuộc chơi mới mà có Mỹ tham gia và theo luật chơi do Mỹ quyết định là chính. Cơ hội thuận lợi nhất cho Trung Quốc tham gia là khi Mỹ rút khỏi TPP-12 và 11 thành viên còn lại nỗ lực duy trì TPP-11. Trung Quốc nhận thức được cơ hội của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc không tận dụng nó do không hề có ý định tham gia TPP-11 (CPTPP). Bởi tham gia Hiệp định đã được lập trình sẵn không phải là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc từ lâu theo đuổi những kế hoạch lớn, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoặc Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) theo hướng sang châu Âu và Trung Á, xuống Đông Nam Á, qua khu vực Nam Á sang Tây Á, vùng Vịnh và vươn tới Ấn Độ Dương và châu Phi. Trung Quốc không ưu tiên hướng về phía Đông bởi ở khu vực ấy Trung Quốc không thể có được vai trò dẫn dắt nổi trội. Nếu tham gia CPTPP, Trung Quốc phải ganh đua giành vai trò với Nhật Bản và Australia, mà Trung Quốc thì không muốn mạo hiểm.

Thứ ba, Bắc Kinh cho đến nay chưa có ý định tham gia CPTPP và chưa thật sự xem xét nghiêm túc ý định gia nhập CPTPP cho đến thời điểm hiện tại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn để ngỏ khả năng gia nhập CPTPP và thậm chí chưa sẵn sàng chấp nhận những điều khoản của hiệp định. Bởi quy định của hiệp định CPTPP là các quốc gia thành viên phải chia sẻ thông tin về doanh nghiệp nhà nước. Trong khi Bắc Kinh vốn xem doanh nghiệp nhà nước là xương sống của nền kinh tế quốc gia, sẽ khó mà chấp nhận quy định đó.

Về khả năng TQ gia nhập CPTPP trong tương lai

Một là, xét khía cạnh kinh tế, CPTPP có thể đóng góp 147 tỷ USD mỗi năm cho nguồn thu toàn cầu và tăng lên 632 tỷ USD/năm (nếu có sự tham gia của Trung Quốc), vượt xa những lợi ích mà TPP (có sự tham gia của Mỹ) mang lại. CPTPP sẽ tạo động lực cho chính sách “mở cửa” của Trung Quốc, yếu tố được xem là đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng. Trung Quốc hiện đã thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư khá mạnh với các thành viên CPTPP, song thỏa thuận CPTPP có thể giúp giảm bớt một số rào cản vẫn còn lớn, giúp thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng, chuỗi cung ứng và sản xuất trở nên hiệu quả hơn, tạo điều kiện để khu vực châu Á – Thái Bình Dương hạn chế lệ thuộc vào vùng Bắc Mỹ. Không chỉ hạ bớt rào cản thuế quan, hạn ngạch, CPTPP hình thành những nguyên tắc trong nhiều lĩnh vực của quan hệ kinh tế hiện đại. Ví dụ, nguyên tắc CPTPP yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa hơn hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh và hạn chế sự kiểm soát của chính phủ. Các bằng sáng chế thương mại sẽ được bảo vệ tốt hơn, các quy định đối với đầu tư nước ngoài được nới lỏng, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tham gia các hoạt động thương mại điện tử và giao dịch xuyên biên giới.

Hai là, xét từ góc độ chính trị, CPTPP sẽ làm dịu đi những căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và củng cố nền ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước châu Á và Mỹ Latinh để xây dựng một hệ thống khu vực mở. Mặc dù một số đối tác trong CPTPP lo ngại nguy cơ cạnh tranh từ Trung Quốc song đều mong muốn có sự tham gia của thị trường khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quan hệ kinh tế chính trị giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Hợp tác khu vực sâu rộng hơn sẽ thúc đẩy hơn nữa vị thế chính trị của Đông Á trên trường quốc tế. Trung Quốc và khu vực sẽ có sự hậu thuẫn của hệ thống thương mại dựa trên nguyên tắc trong thời điểm Mỹ dường như chọn hướng ngược lại. Sự tham gia của Trung Quốc vào CPTPP không làm gia tăng căng thẳng, thậm chí, có thể hạn chế rủi ro xung đột thương mại.

Ba là, điều chắc chắn là, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP thì quá trình này cũng không thể diễn ra nhanh chóng bởi Mỹ và một số thành viên, vốn vẫn lo ngại về sự cạnh tranh của Trung Quốc, sẽ phản đối. Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi CPTPP không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Hiệp định CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD và CPTPP được đánh giá là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện chưa có chủ ý tham gia CPTPP nhưng lại đang vận dụng chiến thuật tung hoà mù với CPTPP. Với chiêu thức này, Trung Quốc suy tính rằng chỉ có được nếu thành công và chẳng hề bị mất gì trong trường hợp thất bại.

Ðiểm tích cực nhất của Hiệp định CPTPP chính là sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế. Hiệp định CPTPP cam kết chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia thành viên. Với việc gia nhập CPTPP, Trung Quốc có thể chống lại chiến lược bảo hộ “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Tham gia vào CPTPP cùng 11 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Australia sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các liên kết thương mại và khai thác tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh có nguy cơ bị Mỹ cô lập kinh tế. Gia nhập CPTPP sẽ là cách tương đối dễ để Bắc Kinh giành được lợi thế trước Mỹ và giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm thiểu những tác động kinh tế tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ, thậm chí giải quyết xung đột với Mỹ. Không có Mỹ, Trung Quốc dễ đàm phán hơn trong các điều khoản.

Gia nhập CPTPP sẽ là thông điệp chứng tỏ Trung Quốc đang mở cửa và cải tổ, giúp Trung Quốc đối phó với Mỹ và thiết lập mạng lưới kinh tế mới, ngoài sáng kiến Vành đai Con đường và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Gia nhập CPTPP giúp Trung Quốc mở rộng những quan hệ mậu dịch, và củng cố hình ảnh Trung Quốc là quốc gia ủng hộ cho thị trường tự do. Khả năng đàm phán gia nhập CPTPP của Trung Quốc là chưa rõ ràng do ảnh hưởng của Mỹ tới các nền kinh tế thành viên. Trung Quốc cũng có thể phải đối diện với những cuộc đàm phán khó khăn hoặc phải thay đổi các chính sách về công nghiệp và sở hữu trí tuệ nhằm tương thích với hiệp định. Cuộc chiến thương mại đã khiến Trung Quốc nhận thức được rằng cần phải mở cửa hơn nữa vì lợi ích của chính mình. Hiện Trung Quốc cũng đang theo đuổi một thỏa thuận thương mại đa phương quy mô lớn khác với tên gọi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)(4). Bắc Kinh đã nỗ lực lôi kéo các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương về phía mình qua hiệp định RCEP. Hiệp định RCEP có tính bao hàm hơn CPTPP và có thể mở đường cho các cuộc đàm phán lớn hơn về thương mại tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về triển vọng CPTPP thời gian tới

Mở rộng thêm quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình lan tỏa quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra thế giới. Mở rộng các quy tắc mới của CPTPP tới càng nhiều quốc gia và khu vực cũng được xem là mục tiêu chung của CPTPP. Vì vậy, CPTPP nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia. Thái Lan, Anh, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan và Philippines là những quốc gia rất quan tâm tới việc gia nhập hiệp định CPTPP. Thái Lan đang cạnh tranh mạnh mẽ với 2 thành viên CPTPP của ASEAN là Malaysia và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, nông sản và hải sản. Hàn Quốc khao khát gia nhập các hiệp định đa phương và muốn chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Anh cũng có kế hoạch gia nhập vào CPTPP. Anh đang tìm hiểu để tham gia CPTPP. Càng có nhiều quốc gia gia nhập CPTPP, Việt Nam càng có nhiều cơ hội được tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sau khi CPTPP chính thức trở thành hiện thực, danh sách các thành viên tương lai của hiệp định ngày càng trở nên đa dạng. Các nước Liên minh châu Âu cũng muốn tái đàm phán với nhóm các nước CPTPP trên cơ sở đa phương hoặc song phương để xin gia nhập. Thậm chí ngay cả Mỹ cũng có khả năng quay trở lại gia nhập hiệp định. Khả năng Mỹ sẽ tái nhập CPTPP cao bởi lẽ: i) CPTPP có mục tiêu chiến lược gián tiếp nhằm vào nền kinh tế Trung Quốc. ii) Tất cả 11 quốc gia trong CPTPP đều là đồng minh chiến lược hoặc là đối tác của Mỹ. iii) Chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đưa thêm yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế cũng là nhằm vào Trung Quốc. iv) Nhiều nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á đang tìm hiểu để tham gia.

Sức hút của CPTPP đối với các nền kinh tế muốn tham gia hiệp định có thể được giải mã bởi một số yếu tố cơ bản sau: i) CPTPP là hiệp định toàn diện nhất và có mức độ tự do hóa tham vọng nhất kể từ trước đến nay. Mục tiêu của CPTPP là thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 40% thương mại thế giới, tạo ra một khu vực kinh tế hội nhập đầy đủ và thiết lập các quy tắc nhất quán cho đầu tư toàn cầu. ii) CPTPP đã thay đổi, loại bỏ phần lớn các nội dung khác biệt mà Mỹ đã thúc đẩy trong TPP trước đây, theo hướng phù hợp hơn với đa số các nước để trở nên gần gũi về mặt lợi ích đối với các nền kinh tế mới. iii) CPTPP cam kết tập thể đối với hệ thống thương mại minh bạch, dựa trên các quy tắc luật lệ, loại bỏ đáng kể thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa, cho phép các nhà cung ứng dịch vụ tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội kinh doanh trong một loạt các lĩnh vực và tăng khả năng tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ ở các quốc gia khác. Bốn là, CPTPP là nhân tố để thúc đẩy thương mại tự do nên ngay trong quá trình đàm phán TPP (trước đó) và CPTPP (sau này), các nền kinh tế, như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, đã quan tâm đến việc gia nhập hiệp định, dù Mỹ có rút khỏi hiệp định hay không. Đến nay, danh sách các chính phủ xem xét tham gia CPTPP đã trở nên đa dạng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới