Tuesday, December 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines xa Mỹ gần TQ gây hệ lụy gì?

Philippines xa Mỹ gần TQ gây hệ lụy gì?

Từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte đã thi hành nhiều chính sách xích lại gần Trung Quốc, song việc chính quyền của ông Duterte tuyên bố sẽ chấm dứt Hiệp ước Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ là một hành động mạnh mẽ nhất trong gần 4 năm qua. Một số nhà quan sát cho rằng, điều này có thể gây ra những hệ lụy, khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á lo ngại.Mặt khác, nó cũng có thể mở ra những cơ hội khác với các nước khu vực và cả với Mỹ.

VFA được Mỹ và Philippines ký năm 1988 cho phép quân đội Mỹ huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines. Trong suốt hơn 30 năm tồn tại, VFA đã giúp cho Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông làm đối trọng với Trung Quốc. Nhiều ý kiến lo ngại việc Philippines chấm dứt VFA với Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết quân sự hóa Biển Đông thì điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông, tác động xấu đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Trước khi ông Duterte lên nắm quyền, Manila thi hành một chính sách gần với Mỹ, xa lánh Trung Quốc và chính quyền Manila có thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Chính Philippines đã đi đầu trong việc khởi kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông đầu năm 2013 và dành thắng lợi vang dội trong vụ kiện, mở ra một hướng mới trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Mặc dù có những khác biệt trên vấn đề Biển Đông giữa Philippines và Việt Nam cũng như giữa Philippines và Malaysia, song có thể thấy lúc bấy giờ Philippines là một “đồng minh tự nhiên” của các nước này trong cuộc đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Cho dù Trung Quốc không tuân thủ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài nhưng kết quả vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng là một án lệ rất hữu ích cho các nước ven Biển Đông sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý.

Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài La Haye đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm vấn đề quy chế đảo và nhất là bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Rõ ràng cả Việt Nam và Philippines, thậm chí là Indonesia, Brunei đều được hưởng lợi từ phán quyết bởi “đường lưỡi bò” lấn sâu vào vùng biển của các nước này. Đây là một đóng góp rất lớn của Philippines đối với việc bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Singapore, nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông nhưng phụ thuộc lớn vào tuyến đường hàng hải qua Biển Đông nên cũng được lợi từ phán quyết 12/7/2016. Chính vì lẽ đó mà ngay tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 vừa qua, Thủ tướng Singapore trong phát biểu của mình đã nhắc đến phán quyết 12/7/2016 như một cơ sở pháp lý để xử lý các vấn đề liên quan ở Biển Đông.

Ông Duterte lên nắm quyền đã thi hành một chính sách xích lại gần Trung Quốc, cố gắng tranh thủ Trung Quốc trong quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư; tỏ ra mềm yếu hơn trước Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, lảng tránh việc thúc đẩy thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, thậm chí còn tìm kiếm khả năng “cùng khai thác” với Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Chính sách của chính quyền Duterte đã làm cho Trung Quốc được đà lấn tới và ngày càng hiếu chiến hơn ở Biển Đông. Được đà, Bắc Kinh đã đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, mở rộng xâm lấn ngày càng sâu vào vùng biển của các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines (như cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển vây hãm, uy hiếp tàu cá và các hoạt động trên biển của Philippines; cho tàu khảo sát vào cả lãnh hải của Philippines).

Có thể thấy việc Philippines xích lại gần Trung Quốc trong gần 4 năm qua đã tạo ra những hệ lụy bất lợi cho các nước ven Biển Đông. Do vậy, việc xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ của chính quyền Duterte là điều dễ hiểu. Có ý kiến còn đặt câu hỏi phải chăng ông Duterte đã chịu “khuất phục” trước sức ép của Trung Quốc để tuân theo ý muốn của Bắc Kinh là đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông khi tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ. Có ý kiến còn lo ngại điều này sẽ gây ra hệ lụy domino với các nước ven Biển Đông khác.

Bên cạnh những ý kiến lo ngại, tồn tại một luồng ý kiến khác lạc quan hơn lại cho rằng việc Philippines tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ lại tạo ra những cơ hội mới cho các đồng minh và các đối tác ở Biển Đông.

Những ý kiến này cho rằng việc làm này của Manila không tạo ra “khoảng trống” quyền lực ở Biển Đông mà ngược lại tạo thêm cơ hội cho Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và can dự sâu hơn vào Biển Đông. Mặt khác, cho dù sự hiện diện của Mỹ là tối quan trọng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng cần nhớ rằng ngoài Mỹ còn có các nước khác “sẵn sàng nhảy vào trong các tình huống cần thiết”.

Luồng ý kiến này cho rằng sự xích lại gần Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Duterte trong gần 4 năm qua cũng là thời gian mà Mỹ và các đồng minh tăng cường căn dự vào Biển Đông. Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ, bao gồm tàu sân bay cũng như hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông và hoạt động của máy bay Mỹ trên bầu trời Biển Đông tăng lên. Thậm chí, Mỹ còn điều thêm tàu chiến đấu ven bờ của lực lượng tuần duyên Mỹ neo đậu thường xuyên ở Singapore và cùng tham gia vào các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây Ấn Độ và các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật… cũng tăng cường can dự vào Biển Đông thông qua các phát biểu bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc, thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng, đồng thời cử tàu chiến đến tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Mặt khác, Mỹ phối hợp với các đồng minh của Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông.

Từ những phân tích trên thấy rằng Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) không giống như Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT). Ngay cả khi Philippines rút khỏi VFA như Duterte tuyên bố thì cả hai nước vẫn có thể đàm phán một số thỏa thuận mới trong thời gian ân hạn 180 ngày trước khi quân đội Mỹ phải rời đi. Một điều cần phải khẳng định là trên thực tế, các chính sách an ninh Philippines vẫn coi trọng liên minh với Mỹ nên bằng cách này hay cách khác, cơ hội hợp tác an ninh giữa Mỹ và Philippines sẽ vẫn tồn tại. Thậm chí, Mỹ và Philippines sẽ phải cùng nhau tìm kiếm những phương thức hợp tác mới hiệu quả hơn ở Biển Đông.

Vậy nên, việc chính quyền Duterte tuyên bố hủy bỏ VFA không hẳn chỉ gây ra hệ lụy tiêu cực tới cục diện Biển Đông mà trái lại có thể tạo ra những cơ hội mới để Mỹ và các nước đồng minh mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông; tạo thuận lợi cho nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở.

Nhiều nhà phân tích nhận định các nước ven Biển Đông khác sẽ không theo đuôi Philippines “đầu hàng” Trung Quốc mà họ sẽ cảnh giác hơn và cho rằng còn quá sớm để nghĩ rằng chỉ có Bắc Kinh được lợi trước động thái mới của Manila tuyên bố hủy bỏ VFA; động thái này thực sự có thể trở nên phản tác dụng với Trung Quốc bởi vì nó có khả năng thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á khác tăng cường liên kết quốc phòng và an ninh với các nước bên ngoàinhư Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh, điều này sẽ làm suy yếu vị thế của chính Bắc Kinh trên Biển Đông mặc dù nước này đã có được sự hiện diện đáng kể trong khu vực.

Động thái này của Philippines sẽ nhắc nhở các nước xem xét lại liệu các chính sách quốc phòng và an ninh hiện tại có đủ không và liệu chúng có nên được tăng cường hơn nữa hay không? Các nước sẽ phải tính toán căn cơ hơn về mặt xây dựng quốc phòng và đa dạng hóa mối liên kết quốc phòng và an ninh với nhiều đối tác bên ngoài như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. Với cách tiếp cận nàythì động thái mới của Philippines không những không tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị và chiến lược ở Đông Nam Á, mà thậm chí có tác động tích cực về dài hạn.

Một số nhà phân tích đã lấy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ra để làm dẫn chứng. Từ quan hệ thù địch trong quá khứ, quan hệ hợp tác quân sự Việt – Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ trong mấy năm nay gần đây đánh dấu bằng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng biển Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/2018 và tiếp tục chuyến thăm thứ 2 vào đầu tháng 3/2020. Đây là chỉ dấu cho hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã bước sang một tầng nấc mới. Các nhà phân tích cho rằng chính việc chính quyền Manila xích lại gần Trung Quốc sau khi ông Duterte lên nắm quyền đẩy Việt Nam vào thế “đơn độc” trên vấn đề Biển Đông, khiến các tính toán an ninh của Việt Nam bị xáo trộn và thôi thúc Hà Nội đẩy nhanh quan hệ hợp tác quân sự với Washington.

Về cơ bản, động thái hủy bỏ VFA sẽ không làm thay đổi toàn bộ thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc bởi lẽ Hà Nội luôn ý thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh. Tuy nhiên, động thái mới này của Manila có thể sẽ gây những quan ngại cho cả Washington và Hà Nội thôi thúc hai nước đẩy nhanh hơn nữa tiến trình thắt chặt hợp tác quốc phòng và an ninhsong phương. Ngoài ra, khiến Hà Nội nghĩ tới việc phải mở rộng hơn các mối quan hệ như vậy, với không chỉ Mỹ, mà các nước khác.

Một số nhà quan sát còn cho rằng với bản tính thất thường của ông Duterte, không loại trừ việc tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ chỉ là động thái mặc cả của chính quyền Duterte với Mỹ. Thực tế, trong gần 4 năm qua Tổng thống Duterte đã nhiều lần chơi “đòn gió” khi có những tuyên bố mạnh mồm về việc không cần đến sự trợ giúp quân sự của Mỹ,hạn chế giao lưu quân sự và diễn tập chung với Mỹ, nhưng rút cuộc vẫn tiếp nhận viện trợ quân sự của Mỹ, vẫn đón tàu sân bay Mỹ, vẫn tiến hành tập trận chung với Mỹ, thậm chí ở ngay khu vực gần bãi cạn Scarborough….

Trong khi đó, mặc dù ông Duterte công khai tuyên bố xích lại gần Trung Quốc, tăng cường hợp tác mọi mặt với Trung Quốc, kể cả hợp tác thăm dò khai thác dầu khí trên biển, nhưng trên thực tế cũng chưa ngả theo Trung Quốc, tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông và nhắc đến phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Trong lĩnh vực dầu khí, chính quyền Duterte đã tiến hành trao đổi với Trung Quốc về hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, song đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có những tiến triển thực chất.

Từ những phân tích nói trên có thể thấy trong trường hợp VFA bị hủy bỏ đúng như lời tuyên bố của ông Duterte (vì tuyên bố chỉ có hiệu lực sau 180 ngày ân hạn, chúng ta cùng chờ xem) thì điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự hiện diện của Mỹ ở Philippines nói riêng và trong khu vực nói chung.

Tuy nhiên, việc Philippines hủy bỏ VFA với Mỹ chưa hẳn đã là “điềm xấu” cho khu vực mà ngược lại có thể mở ra những cơ hội mới cho việc tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực giữa Mỹ và các đồng minh với các đối tác mới ở khu vực. Trong trường hợp này, vị thế và vai trò của Việt Nam sẽ trở nên quan trọng hơn ở khu vực. Hà Nội nên tận dụng cơ hội này để phát huy vai trò nhất là với tư cách Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới