Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCanada đối mặt với những đe dọa do sự can thiệp từ...

Canada đối mặt với những đe dọa do sự can thiệp từ TQ và Nga

Một ủy ban của Quốc hôi Canada đưa ra cảnh báo về sự can thiệp từ nước ngoài; trong khi một báo cáo tương tự tại Anh chưa được công bố.

Có một “mối đe dọa là rõ ràng và đang tiếp diễn” do “sự can thiệp đáng kể và liên tục từ nước ngoài” vào lĩnh vực công ở Canada, Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh, Quốc hội Canada nói với BBC.

Dân biểu David McGuinty phát biểu như vậy khi ủy ban của ông công bố báo cáo thường niên, trong đó đưa ra một phác thảo chi tiết về những đe dọa, cũng như đệ trình chi tiết các khuyến nghị về những gì chính phủ nên làm đặng ứng phó với mối nguy nói trên.

Sự can thiệp từ nước ngoài này gồm một số hình thức như tác động vào tiến trình bầu cử, vào quá trình ra quyết định của chính phủ, vào nền tự do học thuật và truyền thông.

Nga và Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm cho những sự can thiệp này.

Nga và Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc nói trên về sự can thiệp của họ.

Ông McGuinty bình luận như vậy trong khi một báo cáo của Ủy ban Tình báo và An ninh của QUốc hội Anh vẫn chưa công bố báo cáo về sự can thiệp của Nga, dù bản báo cáo này đã hoàn thành từ một năm về trước.

Rủi ro với hệ thống chính trị Canada

Trên thực tế, các mối đe dọa từ sự can thiệp của nước ngoài thường được ẩn giấu, báo cáo của Ủy ban này viết và chỉ ra một loạt các hoạt động ẩn giấu như vậy.

Chúng gồm cách các quốc gia nước ngoài cố gắng và sử dụng sự dối lừa để mua chuộc các chính trị gia, gây ảnh hưởng lên việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, giám sát một số cộng đồng sắc tộc cụ thể nào đó, quấy rối các nhà bảo vệ nhân quyền và can thiệp vào các quyền tự do hội họp, tự do thông tin và học thuật.

Nga bị cáo buộc đã dính líu vào các hoạt động gây ảnh hưởng lên hệ thống chính trị của Canada, để tác động vào việc ra quyết định của chính phủ và gây ảnh hưởng đến dư luận.

Cùng với những điều đó, còn có một loạt các “rủi ro đáng kể đối với các quyền và tự do của người Canada và chủ quyền của đất nước” gồm “sự khả năng xói mòn các tổ chức dân chủ của chúng tôi”, ông McGuinty nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn.

Một số chi tiết cụ thể của các hoạt động như vậy đã được điều chỉnh lại hoặc kiểm duyệt, bởi chúng chứa thông tin nhạy cảm.

Ông McGuinty cũng cho biết rằng, ủy ban của ông đã chỉ ra cách chính phủ cần làm gì để có thể “lật ngược thế cờ”.

Chúng gồm tăng cường kết nối và minh bạch hơn trong thông tin với công chúng; thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ trong việc nhận biết và thấu hiểu các mối đe dọa; và cải thiện sự tham gia của các địa phương cũng như các trường đại học.

‘Mối đe dọa ngấm ngầm’

Ủy ban cũng xem xét cách các đồng minh khác giải quyết vấn đề này như thế nào.

Hoa Kỳ được xem là có trường hợp chịu sự can thiệp từ nước ngoài cao nhất, với việc các quan chức tình báo và thực thi pháp luật nước này nói rằng, Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong khi đó, Úc được mô tả là “đi đầu” trong số các quốc gia phương Tây nhằm giải quyết chuyện này.

Ông McGuinty chỉ ra chiến lược mà Úc đưa ra, với một điều phối viên và một lực lượng đặc nhiệm, được phân bổ ngân sách đáng kể cho hoạt động; đồng thời, Úc cũng thông qua luật mới chống sự can thiệp từ nước ngoài mà trong đó, hình sự hóa một số hành vi can thiệp.

Một báo cáo từ Ủy ban Tình báo và An ninh của Anh, trong đó có đề cập đến sự can thiệp của Nga, đã hoàn thành vào tháng 3 năm ngoái và được gửi cho thủ tướng vào tháng 10 nhưng không được công bố trước cuộc bầu cử.

Một ủy ban mới vẫn chưa được thành lập, và ủy ban này sẽ phải đưa ra quyết định về việc có nên công bố báo cáo hay không và nếu có, thì công bố dưới hình thức nào.

Ông McGuinty, Chủ tịch Ủy ban tương đương của Canada, nói rõ rằng, ông cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là việc công chúng hiểu rõ những gì đang diễn ra.

“Chúng tôi nghĩ rằng, việc kết nối với người dân Canada là rất quan trọng và khiến họ hiểu rõ bản chất của mối đe dọa này”, ông nói.

“Ở một số khía cạnh, đây là một mối đe dọa ngấm ngầm. Đây là một vấn đề mà người Canada chưa hoàn toàn hiểu rõ, bởi chúng không được đề cập đúng mức. Và chúng tôi rất hy vọng, điều này sẽ châm ngòi cho những tranh luận.”

RELATED ARTICLES

Tin mới