Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐến năm 2035: Mỹ sẽ hiện đại hóa quân đội hoàn toàn...

Đến năm 2035: Mỹ sẽ hiện đại hóa quân đội hoàn toàn bằng công nghệ mới

Trong bối cảnh Trung Quốc đang có bước đột phá mới về lĩnh vực khoa học công nghệ và sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội, đã đe dọa trực tiếp đến vị thế và lợi ích, an ninh của Mỹ. Điều này buộc Mỹ phải triển khai các kế hoạch nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

 

Quân đội Mỹ có kế hoạch 4 giai đoạn đầy tham vọng để hiện đại hóa hoàn toàn bằng công nghệ mới, đơn vị chiến đấu mới và con người, trước năm 2035. Theo báo cáo, Chiến lược hiện đại hóa quân đội mới của Mỹ tập hợp rất nhiều ý tưởng, chương trình như 6 ưu tiên lớn, trọng tâm về phát triển vũ khí và đề ra lộ trình cụ thể. Mặc dù kéo dài 16 năm, kế hoạch này sẽ có những sản phẩm có thể được bàn giao trong 3 năm tới. Trên thực tế, về mặt kỹ thuật, việc đếm ngược đến năm 2035 đã bắt đầu, bởi vì Năm tài chính 2020 – năm đầu tiên của Giai đoạn I – đã bắt đầu vào ngày 01/10/2019.

Giai đoạn I (2020-2022) tập trụng trọng tâm vũ khí siêu âm, năng lượng định hướng và không gian. Quân đội sẽ bắt đầu triển khai 34 chương trình ưu tiên hàng đầu. Người ta liệt kê 31 đề mục trong ngân sách 2020, từ tên lửa tầm xa đến mạng không dây, kính nhắm mục tiêu chuyên dụng…, nhưng với việc tạo ra một Văn phòng điều hành các chương trình ưu tiên, có 3 mảng được đặc biệt chú ý, đó là vũ khí siêu âm, năng lượng định hướng và các chương trình không gian. Bên cạnh thiết bị và vũ khí, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thử nghiệm khái niệm xung đột trong tương lai của mình – Chiến dịch Đa miền (Multi-Domain Operations). Trọng tâm của nỗ lực này là các cuộc diễn tập thực binh của các đơn vị mới gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền (Multi-Domain Task Forces), một trong số đó đã hoạt động ở Thái Bình Dương và lực lượng thứ hai vừa được thành lập ở châu Âu. Quân đội cũng sẽ bắt đầu tái bố trí toàn cầu, không chỉ thành lập các đơn vị mới như các Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền mà còn có khả năng thay đổi địa điểm chúng được triển khai để ngăn chặn sự xâm lược của các cường quốc vũ khí khác.

Giai đoạn II (2023-2025), tập trung tái trang bị và tái tổ chức. Quân đội bắt đầu tổ chức lại các đơn vị trong toàn lực lượng để thực hiện chiến thuật Đa miền mới và phù hợp các thiết bị mới sẽ bắt đầu đi vào sản xuất. Đây là khoảng thời gian mà Quân đội muốn bắt đầu sử dụng quy mô lớn các mô phỏng thực tế ảo (VR) và các công cụ thực tế tăng cường được phát triển bởi Môi trường Huấn luyện Tổng hợp, mà Quốc hội muốn cắt giảm trong năm 2020. Đây cũng là thời kỳ mà vũ khí ưu tiên cao nhất của Quân đội – vũ khí siêu thanh tầm xa bố trí trên mặt đất được đưa vào sử dụng. Quân đội đã trao hai hợp đồng vũ khí siêu thanh quan trọng vào cuối năm 2019 để tránh bị mắc kẹt trong năm tài chính 2020. Trung tướng Neil Thurgood, chuyên gia điều hành chương trình, cho biết, nếu “Giải pháp liên tục” kéo dài qua ngày 1/1/2020, ông sẽ phải bắt đầu trì hoãn các phần của chương trình để bảo tồn các dự án cốt lõi của nó.

Giai đoạn III (2026-2028), tập trung kìm tỏa đối thủ cạnh tranh ở châu Âu. Đây là giai đoạn tiến hành sản xuất hàng loạt một số vũ khí đắt nhất, bao gồm xe chiến đấu có người lái tùy chọn mới (OMFV) thay thế xe M2 Bradley; máy bay trinh sát tấn công tương lai (FARA) thay thế cho OH-58 Kiowa. Những vũ khí mới này sẽ được trang bị cho các đơn vị mới và được biên chế lại ở mọi cấp, từ các lữ đoàn chiến đấu – đơn vị chiến đấu trong chiến tranh ở Afghanistan và Iraq – cho đến các Quân đoàn Dã chiến (Field Army) sẽ được thành lập mới tại các địa bàn trọng yếu. Đến năm 2028, Quân đội sẽ thành lập Lực lượng Chiến dịch Đa miền đầu tiên và bắt đầu xây dựng lực lượng tiếp theo. Điều đó có nghĩa là Quân đội Mỹ sẽ có đủ lực lượng hiện đại để tiến hành các chiến dịch đa miền quy mô lớn nhằm chống lại một số kẻ thù rất mạnh. Mặc dù chiến lược này không chỉ rõ chiến trường nào, nhưng có thể dự đoán rằng, Quân đoàn Dã chiến đầu tiên sẽ được thành lập để tham gia cuộc chiến trên bộ ở châu Âu nhằm bảo vệ các đồng minh dễ bị tổn thương như các nước vùng Baltic.

Giai đoạn IV (2029-2035), sẵn sàng “tất tay” với đối thủ ở Thái Bình Dương. Trong giai đoạn này, theo chiến lược trên, Quân đội sẽ hoàn thành việc thành lập lực lượng tiếp theo được tối ưu hóa cho một cuộc chiến hải quân ở Tây Thái Bình Dương. Mặc dù đều được trang bị nhiều công nghệ quan trọng giống nhau, chẳng hạn như mạng chỉ huy và kiểm soát có khả năng chống tin tặc và gây nhiễu, thành phần của các lực lượng chắc chắn sẽ khác nhau – ví dụ như ít xe tăng hơn và nhiều tên lửa tầm xa hơn. Với vai trò hỗ trợ cho Hải quân và Không quân, bằng hỏa lực bố trí trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương, lực lượng này có nhiệm vụ “khóa” các tàu chiến và máy bay của đối thủ cạnh tranh, gây thương vong và hạn chế sự điều chuyển để các lực lượng khác có thể tiêu diệt chúng. Và theo kế hoạch quy mô và tham vọng này, công cuộc hiện đại hóa chưa kết thúc vào năm 2035, mà sẽ vẫn tiếp diễn, vì còn phải tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện các khái niệm vận hành, dựa trên các công nghệ mới và những thay đổi của môi trường tác chiến.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng đang hiện thực hóa kế hoạch nâng số tàu chiến lên 355 chiếc trong vòng 10 năm tới từ 290 chiếc hiện có. Từ năm 2016, hải quân Mỹ đã muốn tăng số lượng tàu chiến lên 350 – 355 chiếc, trong đó có 12 tàu sân bay, 156 tàu chiến trên mặt nước và 66 tàu ngầm tấn công nhằm “bảo vệ Mỹ và các lợi ích chiến lược trên thế giới, cũng như cạnh tranh với Trung Quốc và Nga”. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ có 331 tàu chiến vào năm 2030, do đó cần bổ sung thêm 24 chiếc để đạt mục tiêu 355 chiếc. Song song với việc bổ sung thêm tàu chiến, hải quân Mỹ đang phối hợp với thủy quân lục chiến đưa ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tấn công đổ bộ, trong đó tàu mẹ sẽ phối hợp với vô số phương tiện rô bốt nhằm giảm thiểu thương vong. Hệ thống các tàu nhỏ sẽ phối hợp với nhau sau khi được đưa xuống từ boong tàu đổ bộ – tàu có vai trò chỉ huy và điều khiển, cùng với các hệ thống cảm biến, hỏa lực tầm xa và tiêm kích thế hệ thứ 5 hỗ trợ. The National Interest dẫn phát biểu của thiếu tướng David Coffman, giám đốc phụ trách chiến tranh viễn chinh của hải quân Mỹ. Ông mô tả phương thức mới gồm “gia đình các tàu tác chiến có người và không người phối hợp trong chiến dịch hàng hải phân tán”, nhằm đối phó với nhiều vũ khí tầm xa, cảm biến nhạy, công nghệ xác định mục tiêu hiện đại của đối phương. Theo ông Coffman, sự phối hợp giữa các tàu đổ bộ trang bị lớp đệm khí (LCAC), tàu mặt nước rô bốt, xe chiến đấu đổ bộ (ACV), tàu lặn không người lái và xuồng tuần tra vũ trang sẽ tăng tính hiệu quả của phương thức tác chiến mới. Các công nghệ thay thế LCAC như hệ thống kết nối tàu – bờ (SSC) mới do Hãng Textron đang chế tạo với vật liệu nhẹ, tải trọng tăng, động cơ hiện đại và điều khiển tự động sẽ giúp chuyển hàng chục xe tăng Abrams đến chiến trường nhanh chóng hơn. Song song đó, các tiêm kích F-35 cùng UAV do thám sẽ dọn đường cho các cuộc tấn công đổ bộ nhằm giảm thiểu thương vong cho lực lượng Mỹ.

Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump (10/2) đã công bố đề xuất gói ngân sách cho năm 2021 trị giá 4,8 nghìn tỷ USD. Theo đó, ngân sách mới cho năm tài chính 2021 (bắt đầu từ tháng 10/2020) bao gồm 740,5 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, 590 tỷ USD cho ngân sách phi quốc phòng và 3,5 nghìn tỷ USD cho các khoản chi tiêu an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi tiêu khác. Theo đề xuất trên, khoản chi tiêu quốc phòng tăng lên 740,5 tỷ USD bao gồm việc tăng kinh phí cho nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài khóa 2021 có một số điều chỉnh so với năm 2020. Theo đó, Hải quân Mỹ đã đề xuất lên Tổng thống Donald Trump khoản ngân sách năm 2021 không những không tăng mà còn giảm hàng tỷ USD so với năm 2020, động thái gây ngạc nhiên và thậm chí là tranh cãi trên các diễn đàn quốc hội. Trong bản đề xuất ngân sách, hải quân Mỹ cắt giảm số tàu chiến mới họ muốn mua sắm trong năm nay và 5 năm tới. Các số liệu trong bản kế hoạch tài chính 2021-2025 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy những khó khăn đối với mục tiêu đóng mới 355 tàu hải quân trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, nhưng trì hoãn đến khi nào, và với mức độ nào là chuyện còn phải tranh luận trong các phiên điều trần sắp tới. Ngân sách của hải quân Mỹ trong năm tới bắt đầu từ 1/10 giảm 2 tỷ USD so với con số đã được thông qua của năm tài chính 2020 là 207 tỷ USD trong tổng ngân sách quốc phòng 705,4 tỷ USD. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2021 cũng giảm nhẹ so với năm nay (712, 6 tỷ USD). Theo bản tổng quan ngân sách, hải quân Mỹ yêu cầu được mua sắm 44 tàu từ nay tới năm 2025, thay vì con số 55 tàu đưa ra hồi năm ngoái. Trong số này có 16 tàu chưa xác định cụ thể gồm 10 tàu mặt nước không người lái và 6 tàu ngầm. Việc cắt giảm mua sắm  tàu bắt đầu ngay từ năm tới, khi hải quân Mỹ chỉ đòi hỏi 8 tàu mới, giảm so với con số 12 tàu của năm nay và 13 tàu trong năm 2019. Trong khi tiền chi cho hải quân giảm, Bộ Quốc phòng Mỹ lại có kế hoạch tăng chi cho các hệ thống vũ khí hạt nhân, ví dụ các tên lửa liên lục địa và tàu ngầm, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ, đầu tư cho lực lượng không gian, trong bản đề xuất ngân sách năm tới. Ngân sách quốc phòng Mỹ năm tới không chỉ rút bớt phần bánh của hải quân, mà không quân Mỹ cũng bị giảm trừ để phục vụ các ưu tiên mới của Tổng thống Trump, bao gồm lực lượng không gian mới được thành lập. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dành ra 2,4 tỷ USD mua sắm cho lực lượng không gian, 2,6 tỷ USD chi cho hoạt động và bảo trì. Rõ ràng kế hoạch phân bổ ngân sách quốc phòng đã phản ánh mong muốn của tổng thống Mỹ, ưu tiên ngân quỹ cho “các hệ thống vũ khí liên quan đến không gian và hoạt động của lực lượng này”. Không chỉ ưu tiên lực lượng không gian, ngân sách quốc phòng 2021 của Mỹ còn đề nghị chi 106,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển “các công nghệ quan trọng mới nổi lên”. Trong khi đó, đề xuất chi cho các loại vũ khí thông thường mà hiện nay vẫn đóng vai trò chủ chốt trong quân đội ở mức 136,8 tỷ USD, giảm 6,8 tỷ USD so với năm 2020. Tuy không tăng chi cho không quân nhưng vẫn có các mặt hàng ưu tiên. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất mua 79 tiêm kích tàng hình F-35 tối tân của nhà thầu quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin, cho dù mới đây người ta ghi nhận chiếc máy bay đắt đỏ này vẫn còn hơn 800 lỗi cần chỉnh sửa. Lầu Năm Góc cũng đang quan tâm các tiêm kích mới F-15EX của hãng Boeing, khi đề xuất mua 12 chiếc, tăng 4 chiếc so với năm 2020. Ngân sách năm tới cũng được đề xuất chi 2,8 tỷ USD cho dự án máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, thấp hơn ngân khoản chi cho dự án này trong năm nay 100 triệu USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới