Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLừa dối, man trá, bịp bợm

Lừa dối, man trá, bịp bợm

LỜI NGƯỜI DỊCH

Đại dịch coronavirus Vũ Hán gây chấn động thế giới, khiến nhiều nhà văn người Trung Quốc bất bình lên tiếng. Nhật kí Vũ Hán của Phương Phương đã làm xúc động không ít bạn đọc Việt Nam. Hôm chủ nhật, đọc NKVH của PP thấy bà đưa tin, nhà văn Nghiêm Ca Linh có viết một bài với tựa đề “man (trá), man, man” làm mạng Weibo lên cơn sốt, nhưng liền sau đó bị chặn và bị gỡ. Tôi tìm thấy Nghiêm Ca Linh trên mạng Bo xun xin dịch đưa lên để bạn Fber tham khảo. Đầu đề để cho bạn đọc dễ hiểu tôi xin đặt mới. Cũng xin giới thiệu đôi dòng về nhà văn này.

 Nghiêm Ca Linh, nhà văn nữ, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1958 ở Thượng Hải, hiện mang quốc tịch Mỹ, sống ở CHLB Đức. Chị là nhà văn, nhà biên kịch chuyên nghiệp của Hollywood. Từ khi còn niên thiếu, Nghiêm Ca Linh đã gia nhập quân đội, làm diễn viên múa. Ra quân chị đi du học đỗ thạc sĩ nghệ thuật ở Mỹ. Tiểu thuyết truyện ngắn của Nghiêm Ca Linh được dịch nhiều thứ tiếng. Nhà văn cũng giành không ít giải thưởng danh giá: “Giải thưởng vàng” của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, Giải thưởng kịch bản hay nhất của Liên hoan phim quốc tế châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng kịch bản hay nhất của Giải thưởng phim Kim Mã Đài Loan.

Nhớ Vũ Hán, như thấy gió xuân đang nhuộm xanh đôi bờ Hán Giang. Nhưng nơi đây có bao người chẳng hề có mùa xuân để chờ đợi. Có bao nhiêu người ra đi không có mùa xuân đưa tiễn. Mùa xuân này, mười ba triệu người Vũ Hán không có xuân.

Tôi đang ở Berlin, chia sẻ với người Vũ Hán từ xa, bằng cách tự giam mình trong hàng rào sắt của sân nhà, cho qua những ngày đầu xuân. Trong và ngoài vườn, những bông hoa dại đang nở rộ, những bông hoa “đừng quên em” cũng vừa nở. Những bông hoa tuy nhỏ bé, nhưng xanh một màu, xanh lặng lẽ và thương cảm: “Đừng quên em”, “đừng quên em”, dường như hoa hiểu rằng nhân gian xét cho cùng là bạc tình và dễ quên. Vậy thì kêu ai đừng quên? Nếu dân tộc chúng ta có được trí nhớ tốt, nhớ được những kiếp nạn nối tiếp nhau thì kho trí nhớ của chúng ta đã nổ tung rồi.

Đây là tuần thứ ba gia đình chúng tôi tự giam mình ở nhà để chia sẻ với người dân Vũ Hán, người dân Hồ Bắc, với những người dân, những đồng bào ở đâu đó đang bị cách li, và với bạn nhà văn Phương Phương của tôi. Thứ bảy tuần trước, trên sân vận động Olympic, cách nhà chúng tôi nửa dặm, đã ầm vang tiếng hò reo của cổ động viên, trận đấu bóng đá vẫn được tổ chức như thường lệ. Tiếng reo hò của đám đông vạn người buộc tôi phải tự giam mình trong hàng rào sắt. Đứng trong hàng rào, nhìn người dân Berlin mặc trang phục cổ động viên đi qua ngoài tường rào nhà tôi, thả vỏ những lon bia và túi đựng khoai tây chiên suốt dọc đường. Đối với những việc làm như thế của các cổ động viên bóng đá trong ngày nghỉ cuối tuần, mọi người ở mọi quốc gia đều mỉm cười và cho qua. Huống chi đây là lần tụ họp hò reo cuối cùng của mùa xuân để đợi sang hè. Bởi vì sau đó, ở Berlin, tất cả các hoạt động đông người sẽ bị hủy bỏ. Rất đơn giản, tôi cảm thông với họ. Tính cách hướng nội, trầm lặng và phản kháng của người Đức chỉ có thể được bộc lộ trong những dịp như vậy.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một người bạn ở trong nước đã gửi cho tôi tin nhắn đầu tiên về virus. Đó là ảnh chụp màn hình của một bác sĩ khuyến cáo “chị em y tá”. Tôi liền nhắn cho bạn gái tôi là người Vũ Hán đang sống ở Berlin. Cả mẹ và anh chị của chị ấy đều đang ở Vũ Hán, nhưng tôi nghi ngờ tự hỏi, không biết chị ta có thông tin kịp thời về sự lo lắng của tôi cho gia đình không. Người Trung Quốc hễ gặp việc là “man”, “man”, “man” (man trá, che giấu, nói dối). Tôi đã từng nói dối, bạn đã từng, chị ấy/ ông ấy/ người ấy cũng đã từng; chúng ta cùng đã từng, không đúng sao? Nói dối 1, ấy là không muốn bị mang tiếng, thực ra cũng chẳng mấy có ý tốt. Nói dối 2, là sợ rắc rối; là sợ đối mặt với nỗi sợ hãi, hoảng loạn, đau buồn và thậm chí là hiềm khích của người phải nhận tin xấu; là sợ sau này sẽ khó sống đàng hoàng, chỉ có người không sợ những thứ đó mới dám gánh vác. Nói dối 3, đối với tôi là một mớ bùi nhùi, không hiểu là vì cái gì? Để ai đó yên ổn ăn một bữa cơm, trước tiên hãy giấu tin xấu với người đó, để đón một cái tết vui vẻ thì hãy giấu tin xấu trên qua tết; để tất cả mọi người có thể vui vẻ, không lo sợ như những kẻ đần độn, ngớ ngẩn thì che giấu được đến bao giờ thì cứ che giấu, làm như không biết rồi sự việc sẽ bung ra. Việc xấu che giấu mãi rồi có thể qua, việc xấu lớn thì rồi thành nhỏ, cứ che giấu đi. Nhưng con virus này chỉ có ba micromet. Bàn tay nào có thể che được? Virus này mạnh và nhanh đến mức vượt qua mọi sự che giấu. Có bao nhiêu người đến chết vẫn bị che giấu. Nhưng bằng cái chết của họ nói với bạn rằng, sự thật không bao giờ che giấu nổi.

Trước khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, người bạn gái Vũ Hán của tôi thông qua những người bạn đang ở Vũ Hán, giúp tôi theo dõi anh ấy trong vài giờ. Trong những giờ đó, tôi thầm cầu nguyện cho bác sĩ Lý, và tự hẹn: Nếu bác sĩ Lý có thể qua khỏi, tôi sẽ bỏ món rượu vang đỏ yêu thích của mình.  

Sau đó người ta phát hiện ra rằng, video clip mấy giờ ấy là làm giả. Làm giả để lừa dối tất cả những người bất bình thay cho bác sĩ, làm giả để lừa người mẹ già, người vợ yêu, đứa con trai bé bỏng, hài nhi vẫn còn trong bụng mẹ và sẽ sinh ra trong vài tháng nữa. Đứa trẻ đó có thể là vào mùa xuân năm sau, hoặc có thể là đầu mùa hạ, sẽ lần đầu tiên bập bẹ gọi “bố”. Bà nội cháu bé nghĩ về khoảnh khắc đó đã đứng không vững, thốt ra trong tiếng khóc: “Tôi … tôi biết nói thế nào với cháu tôi đây.”

Lãnh đạo bệnh viện nói dối thời gian thực bác sỹ Lý Văn Lượng chết, biết rằng vô dụng nhưng vẫn tiếp tục ấn lên ngực bác sĩ chiếc máy tạo nhịp tim. Bên dưới da thịt là xương cốt con người, không phải sắt thép làm sao có thể chịu được áp lực máy trong nhiều giờ? Ép trái tim đã chết lạnh cho nóng lại, xương người làm sao nguyên lành. Việc làm bất nhẫn đó phải chăng là sợ trên lo dưới, sợ bị mất chức, sợ bị ném đá nguyền rủa. Trong hai ngày đó, những con cháu người Trung Quốc thề rằng, họ sẽ không bao giờ quên “người thổi còi”, bác sĩ Lý Văn Lượng. Kí ức có thể lưu giữ được bao lâu so với thời gian hoa “đừng quên em” nở?

 Bác sĩ Lý Văn Lượng đã ra đi mang theo nỗi ủy khuất tầy trời. Nam nhi bảy thước cao, thà chết không chịu nhục. Nhục đầu tiên là lãnh đạo, sau đó là cảnh sát, và sau đó chịu đại nhục là những kẻ bị người biểu tình trên đường phố phỉ nhổ. Người bác sĩ ấy thật có uất hận không? Hay anh ấy chết để cho bạn thấy, để cho những người uất ức thay anh ấy thấy, để cho những chủ các kênh mạng uất ức thay anh ta thấy. Sự thật nằm trên đôi môi của anh không bao giờ nói ra được nữa, nằm trong trái tim cuối cùng đã nguội lạnh của anh.

Còn có gì khiến bạn và tôi đau đớn và không ngừng bị dằn vặt hơn sự thật này? Người bác sĩ ấy mong đem điều lợi ích cho chúng ta, làm sao chúng ta có thể biến thành một nhóm vô tri? Người dân Vũ Hán và người dân cả nước thổi điệu kèn buồn tiễn đưa Lý Văn Lượng, đồng thời cũng dùng tiếng kèn đưa tiễn tâm linh bị cầm tù của mình bay lên. Lý Văn Lượng sống như một người bình thường, yêu vợ, yêu con, thích ăn ngon. Khi lệnh cấm đẻ con thứ hai được dỡ bỏ, như những người chồng bình thường khác, anh vui vẻ, phấn khích và quyết định đẻ thêm, cho con trai có bạn chơi. Cái chết của anh giống như cái chết của một vị thánh: Tôi không xuống địa ngục, thì ai xuống. Sự hiến tế của thánh đồ là để cứu chuộc tội lỗi cho mọi người. Không phải là tội lỗi sao? Vô số người mất mạng, vô số gia đình mất cửa mất nhà. Từ trên xuống dưới, khi tội lỗi được thực thi, do giới hạn của bản chất con người, tội lỗi cứ chồng chất lên nhau. Cuối cùng thì là phong tỏa thành phố, là ẩu đả đánh nhau, là đứa trẻ hai tuổi bị chết đói, là gia đình li tán, thiệt hại vô vàn. Liệu chúng ta sẽ quên những chuyện này chứ? Thật khó nói.

Tôi không có cách nào trải nghiệm những biểu hiện cuối cùng của bệnh viêm phổi này, nhưng theo sự mô tả của nhân viên y tế, các bệnh nhân nguy kịch sẽ khẩn thiết kêu gọi giúp đỡ: “Cứu tôi với, bác sĩ ơi!” Chuyện này làm tôi nhớ đến bà ngoại tôi và cha tôi. Cả hai người khi tuổi ngoài tám mươi đều bị suy hô hấp do suy tim. Tôi nhớ bà ngoại đã kêu mẹ tôi: “Cứu mẹ, con ơi! ” Vào thời điểm đó, oxy máu của bà phải thấp dưới 60%, có nghĩa là như một người đuối nước bị ngạt thở, và những người trên bờ bó tay. Không như người bị đuối nước, thời gian bị hành hạ chỉ khoảng mấy chục giây, người bị bệnh viêm phổi loại này có thể phải kéo dài quá trình nghẹt thở trong vài ngày, mỗi giây sống không bằng chết. Cái cảm giác bị bóp nghẹt, bị bí thở, bị ngạt suốt 24 giờ trong ngày, suốt 60 phút trong một giờ, vật lộn với chết chóc, khiến tôi không dám nghĩ về nó, khiến tôi không dám hình dung…Nhưng trong óc tôi cứ hiện lên gương mặt của cha tôi dưới chiếc mặt nạ oxy, miệng ông há rộng, cố bằng tất cả sức lực để thở. Nhưng dù ông cố gắng đến đâu, oxy cũng không thể đi vào phế nang của mình. Trông gương mặt ông thật đáng thương, giống như con cá bị ném lên bờ. Cuối cùng, cha tôi đã ra đi vì thiếu oxy não. Thực tế, ông giống như bị một sợi dây vô hình thắt cổ cho đến chết. Đó là sự dày vò từng phút từng giây mà cha tôi phải chịu đựng suốt một ngày một đêm. Nếu tôi có thể lựa chọn cho cha, tôi thà chọn để cha tôi sống ít hơn 24 giờ, để tránh cho cha tôi sự thoái hóa từ người sang cá. Đường nào cũng phải chết, thì đừng bắt cha phải chết trong cực hình. Tôi biết rằng cái chết đau đớn của cha tôi, đã được lặp lại đối với tất cả các bệnh nhân tử vong ở Vũ Hán, và cả bác sĩ Lý Văn Lượng nữa.

Những người phổi bị hủy hoại, bị dày vò đến chết, trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, đưa mắt nhìn quanh, không thể tìm thấy một khuôn mặt thân quen, để tiếp thêm chút can đảm, để được cảm nhận sự an ủi của nhân gian, để được mang theo chút ấm nóng của sự sống về thế giới bên kia. Tất cả đều không có. Họ như những linh hồn lạc lõng nơi đất khách quê người trong chiếc túi đựng xác, cay đắng và hãi hùng. Vào giây phút cuối cùng của một con người, điều không thể thiếu là lời hứa của những người thân: bạn hãy ra đi, chúng tôi không bao giờ quên bạn, vì chúng tôi yêu bạn. Những người quá cố ở Vũ Hán không nhận được lời hứa cuối cùng ấy.

Bác sĩ Lý Văn Lượng ra đi không có nước mắt của mẹ hiền, không có tiếng kêu khóc gọi tên của vợ và con trai đưa tiễn. Lời cuối cùng của anh ấy vẫn còn lưu lại trên Weibo cho đến nay, và mọi người đã kéo dài cuộc sống ấy của anh trên một chiều không gian khác. Mọi người không muốn quên anh, mọi người bằng trí tưởng tượng của mình mong muốn anh tiếp tục sống. Đúng như nhà văn Phương Phương nói, nó thành “bức tường khóc” của người Trung Quốc. Tôi đã đọc những tin nhắn lưu lại. Người ta nói với bác sĩ Lý Văn Lượng về mọi thứ, cả những chuyện vụn vặt, nói về ăn uống, về tình yêu, như thể bác sĩ Lý là cố vấn của họ, như thể là anh trai của họ. Nhiều người nói rằng họ sẽ không bao giờ quên anh. Tôi hy vọng bức tường than khóc vô hình này, xây biên giới hai phía âm dương, sẽ không bao giờ bị phá hủy, và những người may mắn sống sót sẽ sống và ghi nhớ.

Tôi sống ở Berlin, một thành phố không chịu lãng quên. Nhiều đường phố được gắn những biển đồng, trên khắc dòng chữ, vào năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, một người Do Thái nào đó (hoặc gia đình của họ) đã bị bắt đi từ tòa nhà nào, tầng lầu nào, căn hộ nào … Tấm biển cũng nói rõ, những người Do Thái ấy bị đưa đi đâu, đa phần bị chết ở trại tập trung. Đại lộ Flatowallee, cách nhà tôi không xa, dẫn đến lối vào chính của Sân vận động Olympic. Con đường được đặt theo tên của một cặp anh em vận động viên Do Thái. Cặp anh em này thi đấu cho đội tuyển Đức tại Thế vận hội Athens, đã mang lại cho đội thể dục dụng cụ Đức một huy chương vàng. Họ đã bị bắt đưa đến trại tập trung, chết vì đói.

Theo người hàng xóm cũ của chúng tôi bên cạnh, chủ sở hữu sớm nhất của ngôi nhà của tôi cũng là người Do Thái, sau chiến tranh không có ai đến nhận, kể cả họ hàng xa, vì vậy nó chỉ có thể thuộc sở hữu của chính phủ. Sau đó, Chính phủ bán đấu giá, ngôi nhà mới trở lại với dân gian. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1922, kiến trúc trang nhã và chắc chắn. Ngôi nhà được thiết kế để cho nhiều thế hệ con cháu sinh sống, nhưng gia đình ấy không ai sống sót, người họ hàng xa cũng không còn. Thư viện Đại học quốc gia Humboldt đã từng bị Đức quốc xã đốt cháy, bây giờ thư viện bỏ trống những kệ sách đó để mọi người không quên. Chính người Đức đã lưu giữ các khoản nợ máu và nhân mạng mà nước Đức nợ người Do Thái và nhân loại. Ghi lại món nợ đó, người Đức Không thể không đau khổ, nhưng nếu không giữ lại thì họ sẽ không thể duy trì sự xấu hổ quốc gia, không còn cảm giác xấu hổ. Cặp đôi song sinh danh dự và ô nhục, không có cảm giác xấu hổ, thì không có cảm giác danh dự. Dân tộc Đức thà chịu đau khổ còn hơn mất cảm giác danh dự. Họ tin rằng chỉ bằng cách ghi sâu nỗi nhục nhã, mới có thể ngăn chặn làm điều nhục nhã một lần nữa.

Sau khi “người thổi còi” Lý Văn Lượng hy sinh, thì “người phát còi” xuất hiện, bác sĩ Ngải Phần. Bác sĩ Ngải hối tiếc, rằng cô đã không phân phát “còi” một cách rộng rãi hơn, nếu làm được vậy mọi thứ sẽ không quá nghiêm trọng như bây giờ. Nếu sớm biết thế, cô đã tung ra tất cả. Đây là một người phụ nữ dũng cảm, một người Vũ Hán dũng cảm. Người dân Vũ Hán ẩn nhẫn và dũng cảm. Ẩn nhẫn là đáng quý, nhưng dũng cảm còn cao quí hơn. Người Vũ Hán dũng cảm ở khắp mọi nơi, đối với những sự việc giả dối, họ hét to lên: “Giả!” Họ đã nếm đủ khổ đau vì sự giả dối rồi. Chúng ta đã che giấu những thảm họa xảy ra trong quá khứ đối với các thế hệ tương lai, kỳ cục hơn nữa là chúng ta lừa dối chính mình. Vì thế mà người dân của chúng ta, sau khi chịu đựng nỗi đau của SARS 17 năm, giờ đây lại rơi vào cuộc vật lộn với bệnh viêm phổi do virus vương miện mới. Che giấu thì không truy cứu trách nhiệm, bởi vì truy cứu thì phải truy cứu trách nhiệm của người che giấu. Không truy cứu thì làm thế nào chúng ta ghi nhớ. Cốt lõi của thảm kịch không được khai quật lên thì ghi nhớ cái gì? Vậy là chúng ta trở thành một tộc người có trí nhớ tồi tệ và chóng quên.

Chúng ta ra sức che giấu cuộc thảm sát Nam Kinh, ba năm chết đói và đại cách mạng văn hóa là bởi chúng không phải là năng lượng tích cực. Không làm rõ đúng sai, không ghi rõ thù hận, dường như đó cũng là tính cách dân tộc khoan hậu của chúng ta. Có vẻ như chúng ta rất giỏi trong việc rộng lòng tha thứ nhưng chúng ta cũng trở thành kẻ tự dối lừa mình. Chúng ta không thể che giấu hậu duệ của dân tộc Trung Hoa, chúng ta phải cho họ một lời giải thích mà không che đậy gì, tại sao bác sĩ Lý Văn Lượng bị sỉ nhục và anh ấy đã chết như thế nào. Không thể che giấu việc rất nhiều người Vũ Hán, người Hồ Bắc và nhiều người dân Trung Quốc bất hạnh bị cầm cố, bị bệnh tật chết và bị đẩy đến đường cùng. Bi kịch lại diễn ra. Tình tiết truyện giống như là đạo văn, vẫn là một chữ LỪA.

RELATED ARTICLES

Tin mới