Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu Âu đã chính thức vượt Trung Quốc trong khi Italy trải qua một ngày mất mát nặng nề khi ghi nhận tới 475 ca tử vong.
Theo dữ liệu mà Bloomberg thu thập, tổng số ca mắc Covid-19 của châu Âu là hơn 85.000 người, vượt con số gần 80.900 ca của Trung Quốc. Với hơn 4.000 người chết, số ca tử vong ở châu Âu cũng đã vượt con số hơn 3.200 ca tử vong của Trung Quốc, trong đó, Italy ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất với 2.978 ca.
Ngày 18/3, Italy ghi nhận 475 ca tử vong trong ngày – một con số cao hơn bất kỳ quốc gia nào, thậm chí cao hơn cả con số tử vong trong ngày của Trung Quốc thời kỳ đỉnh dịch là 150 ca.
Khi mà hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 giảm dần ở châu Âu, các quốc gia trên khắp châu lục này đều đang “quay cuồng” đối phó với dịch bệnh được cho là “chết chóc nhất trong hơn 1 thế kỷ”.
Tại châu Âu, các trường học đều đã đóng cửa, việc phong tỏa diễn ra ở nhiều nơi, các hoạt động kinh doanh không cần thiết như rạp chiếu phim, phòng tập gym, các quán bar và nhà hàng cũng đã đóng cửa, trong khi các công ty yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà bất cứ khi nào có thể.
Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu người dân Đức cần tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch và gọi đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất của quốc gia này kể từ Thế chiến II.
“Dịch bệnh này rất nghiêm trọng nên các bạn cần nghiêm túc khi đối phó với nó. Không có một thách thức nào với đất nước chúng ta như vậy kể từ Thế chiến II”, nhà lãnh đạo Đức tuyên bố. Đức hiện là “ổ dịch” lớn thứ 3 châu Âu, chỉ sau Italy và Tây Ban Nha với hơn 12.000 ca nhiễm và 638 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Đức đã mở rộng việc kiểm tra biên giới bên trong EU sang cả đường hàng không. Quốc gia này sẽ thực hiện việc kiểm soát biên giới với những người đến từ Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg, Đan Mạch qua đường hàng không và đường biển, bên cạnh các biên giới trên bộ, Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết các trường học sẽ đóng cửa từ thứ Sáu (20/3). Ông Johnson không loại trừ khả năng ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tại London khi chính phủ Anh đang quay cuồng tìm cách ngăn chặn dịch bệnh. Tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh đã tăng 35% lên đến 2.626 trường hợp.
Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày khi số ca mắc Covid-19 ở quốc gia này tăng 43% trong 1 ngày lên 642 ca ngày 18/3.
Trong khi đó, Đức vua Tây Ban Nha Felipe VI – một người hiếm khi phát biểu trước công chúng, đã lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết của người dân nước này khi dịch Covid-19 khiến gần 14.000 người nhiễm bệnh và 598 ca tử vong ở Tây Ban Nha.
Đã có những dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang đạt đỉnh ở châu Âu và các nhà chức trách vẫn vô cùng thận trọng, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đang cân nhắc đến việc mở rộng lệnh phong tỏa toàn quốc sau ngày 4/3 – mốc thời gian mà theo kế hoạch sẽ chấm dứt thời gian phong tỏa, cũng như có thể sẽ cấm cả các hoạt động ngoài trời, trong đó có đi bộ