Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung đáp trả tương thích

Mỹ – Trung đáp trả tương thích

Dù cả hai đều đang căng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19, Mỹ và Trung Quốc vẫn liên tục trả đũa lẫn nhau, từ khẩu chiến về tên gọi virus corona cho đến mới nhất là trục xuất các nhà báo.

Hôm 17-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ trục xuất các nhà báo Mỹ đang làm việc cho các văn phòng đại diện New York Times (NYT), Wall Street Journal (WSJ) và Washington Post (WP) ở Trung Quốc, cả ở Hong Kong và Macau.

Quyết định trục xuất này diễn ra nhiều tuần sau khi ông Trump giới hạn số người Trung Quốc làm việc cho 5 cơ quan báo chí thuộc Chính phủ Trung Quốc ở Mỹ.

Tối hậu thư 10 ngày

Bắc Kinh yêu cầu tất cả công dân Mỹ thuộc ba tờ báo nói trên, những người có giấy phép tác nghiệp báo chí hết hạn vào trước cuối năm nay, phải thông báo cho cơ quan thông tin của Bộ Ngoại giao trong vòng 4 ngày kể từ hôm nay và nộp lại thẻ tác nghiệp báo chí của họ trong vòng 10 ngày.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rõ các nhà báo Mỹ hiện đang làm việc tại Trung Quốc “sẽ không được phép tiếp tục tác nghiệp như những nhà báo tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Hong Kong và đặc khu hành chính Macau”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói thêm những quyết định này của họ là “hoàn toàn cần thiết và là những biện pháp đáp trả Trung Quốc buộc phải thực hiện để đối phó với sự đàn áp phi lý mà các tổ chức truyền thông Trung Quốc đã trải qua tại Mỹ”.

Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đã chỉ nhắm vào các tổ chức truyền thông Trung Quốc, cho rằng Mỹ đã lấy tinh thần thời Chiến tranh lạnh để hành xử với họ. 

Những quy định giới hạn của chính quyền ông Trump đã buộc 60 nhân viên người Trung Quốc tại 5 cơ quan báo chí, thông tấn phải rời khỏi Mỹ.

Theo báo WSJ, quyết định này của Bắc Kinh sẽ tác động tới hầu hết các nhà báo Mỹ đang làm việc cho ba tờ báo hàng đầu của Mỹ tại Trung Quốc. 

Bắc Kinh vẫn thường cấp giấy tác nghiệp báo chí có thời hạn 12 tháng, gần đây giảm xuống 6 tháng và trong một số trường hợp cá biệt chỉ còn 1 tháng.

Cũng theo WSJ, trước động thái ngày 17-3, kể từ năm 2013 Trung Quốc chỉ mới trục xuất 9 nhà báo nước ngoài. Cũng đã có 13 phóng viên nước ngoài bị cắt bớt thời hạn visa xuống 6 tháng hoặc ít hơn kể từ đầu năm 2019 tới nay.

Mỹ phản pháo

 Việc Trung Quốc ra “tối hậu thư” trục xuất các nhà báo Mỹ là một đòn trả đũa tiếp theo trong một loạt động thái đối đầu qua lại thời gian gần đây giữa hai nước.

Nhiều tuần trước, ngày 2-3, chính quyền của ông Trump ra quy định giới hạn “quota” chỉ cho phép 100 công dân Trung Quốc được ở Mỹ (giảm từ 160 người) để làm việc cho 5 cơ quan báo chí thuộc quản lý của chính quyền trung ương Trung Quốc. 

5 cơ quan này gồm Hãng tin Tân Hoa xã, Đài quốc tế Trung Quốc (CRI), Mạng truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGTN) và báo China Daily, gọi các cơ quan này là “các phái bộ ngoại giao”. Động thái ngày 17-3 của Trung Quốc là sự đáp trả sự việc đó.

Nhưng trước khi ông Trump đặt ra “quota”, phải kể tới việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của báo WSJ để phản ứng một tít bài đăng trên mục bình luận của báo này ám chỉ Trung Quốc là “một người thực sự ốm yếu của châu Á”.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), trong các tweet đưa lên ngày 17-3 (giờ Mỹ), chỉ trích động thái mới nhất của Trung Quốc. NSC cho rằng quyết định này là một bước nữa tước đi quyền được tiếp cận thông tin đích thực về Trung Quốc của người dân nước này cũng như công chúng thế giới. 

Nhà Trắng kêu gọi Trung Quốc thay vì làm những việc này hãy tập trung cho cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã lên tiếng phản đối động thái trục xuất nhà báo Mỹ ở Trung Quốc. 

Ông Pompeo nói những nhà báo bị ảnh hưởng trong quyết định này không chỉ là nhân viên của các tổ chức truyền thông độc lập của Mỹ, họ cũng là nhân viên của các cơ quan báo chí Trung Quốc. Do đó, ông Pompeo hi vọng Bắc Kinh sẽ cân nhắc lại quyết định.

Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng - Ảnh 2.

Tổng hợp: BÌNH AN – Đồ họa: TUẤN ANH

Theo báo New York Times, việc truy cập online vào nhiều tờ báo và hãng tin phương Tây như NYT, WSJ, Bloomberg và Reuters đã bị chặn trong nhiều năm ở Trung Quốc. Năm 2019, hai tờ Washington Post và Guardian cũng đã bị nước này đưa vào “danh sách đen” gồm những đơn vị báo chí bị chặn.

Tại họp báo ở Nhà Trắng ngày 17-3, giải thích lý do vì sao gọi virus corona chủng mới là “virus Trung Quốc”, Tổng thống Donald Trump khẳng định đó là tên gọi chính xác vì nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Trung Quốc đã tung tin sai lệch rằng quân đội chúng tôi mang virus vào nước họ. Đây là thông tin sai. Tôi phải gọi virus này bằng cái tên mà nó xuất hiện đầu tiên hơn là tranh luận với họ. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó, tôi nghĩ đây là một cụm từ rất chính xác” – ông Trump nêu.

Tổng thống Mỹ cũng phản ứng với các ý kiến cho rằng sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” là kỳ thị và cho rằng việc một quan chức Trung Quốc vu cáo quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc mới thật sự tạo ra sự kỳ thị.

Hôm qua 18-3, trong các dòng tweet của mình, ông Trump tiếp tục nhiều lần dùng cụm từ “virus Trung Quốc” khi nói về tình hình dịch bệnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới