Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCơ chế Hợp tác Lancang - Mê Kông đang mang tới cho...

Cơ chế Hợp tác Lancang – Mê Kông đang mang tới cho TQ quá nhiều quyền lực đối với thượng nguồn

Tình trạng cạn kiệt nguồn nước đã diễn ra ngày càng khốc liệt ở khu vực hạ nguồn của sông Mê Kông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng chục triệu dân. Nguyên nhân chính được giới chuyên gia chỉ ra đó là do các con đập thủy điện tích nước ở thượng nguồn, mà chủ yếu là từ Trung Quốc.

Lo ngại về sự gia tăng quyền lực của Bắc Kinh

Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington D.C (Mỹ) cho rằng “Tranh chấp nước sông Mê Kông có một số điểm tương đồng với tranh chấp Biển Đông, nhưng những gì đang xảy ra ở sông Mê Kông hiện đang làm tổn thương trực tiếp đến túi tiền và nồi cơm của người dân. Bởi vậy, sông Mê Kông đã trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả các nước hạ nguồn”.

Các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông giữ lại một lượng nước khổng lồ. Trong mùa gió mùa, lượng nước từ các đập của Trung Quốc chỉ chiếm nhỏ hơn 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nên không tác động nhiều. Nhưng trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mê Kông. Vì vậy, vào thời gian đó, việc các đập của Trung Quốc vận hành thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn. Trung Quốc có thể dùng các đập này để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn. Theo nghĩa này, Trung Quốc có một mức độ quyền lực nhất định với các quốc gia hạ nguồn. Vì vậy, các nước ở hạ nguồn cần thỏa thuận với Trung Quốc trong điều tiết các đập nhằm bảo đảm lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Điều không may là, Trung Quốc đã không dễ dàng đồng ý làm vậy và trên thực tế, không quốc gia nào ở hạ lưu sông Mê Kông có những thỏa thuận như vậy.

Năm 2014, Trung Quốc khởi xướng Khuôn khổ Hợp tác Mê Công – Lan Thương nhằm cung cấp chương trình viện trợ cho các nước dọc bờ sông. Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay trị giá 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,08 tỷ USD), bổ sung vào khoảng 10 tỷ nhân dân tệ đã hứa trước đó. Nước này cũng cung cấp khoản tín dụng hạng mức 5 tỷ USD thêm vào 10 tỷ USD đã cam kết trước đó cho việc đầu tư hạ tầng tại khu vực. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc muốn thông qua LMC để chứng minh vai trò lãnh đạo trước các quốc gia hạ nguồn, nâng cao hình ảnh. Năm 2016, với việc Trung Quốc chính thức cho ra đời Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công, Bắc Kinh tập trung xây dựng cơ chế này thành thiết chế giúp thúc đẩy phát triển miền Tây Trung Quốc và bổ sung, hỗ trợ sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) với mục tiêu mở rộng các tuyến đường bộ, đường biển vươn tới châu Âu. Với quy chế thành viên bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á lục địa, Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công có quy mô lớn hơn so với Ủy hội sông Mê Công. Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công xử lý các vấn đề chính trị và an ninh, như sức khỏe, giáo dục, hạ tầng cũng như phát triển bền vững sông Mê Công và hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công cũng giúp điều phối hoạt đồng tuần tra hỗn hợp với các tàu quân sự của Trung Quốc.

Hiện nay, trên sông này, có hơn 100 đập thủy điện đã hoàn thành và hoạt động trong lưu vực sông Mê Kông. Trong đó, Lào có 63, Trung Quốc 11, Thái Lan 9, Việt Nam 16 và Campuchia 2. Vừa qua, đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mê Kông là Xayaburi 1.285 MW bắt đầu đi vào hoạt động thương mại tại Lào, giữa lúc dân làng ở Thái Lan biểu tình phản đối. Người biểu tình cho rằng đập Xayaburi và nhiều công trình khác đang được thi công sẽ phá hủy sinh kế của họ trong tương lai, theo Reuters. Đây là con đập đầu tiên trong số ít nhất là dự án thủy điện đang được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mê Kông tại Lào. Đập này khởi sự hoạt động vào lúc mà nhiều khu vực trên dòng sông Mê Kông bị khô nước dù đang ở cuối mùa mưa. Sự kiện này càng cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp việc sử dụng nguồn nước trên sông Mê Kông. Nếu tranh chấp ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền, thì nguồn nước sông Mê Kông lại là cuộc đấu tranh về quyền sử dụng nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới.

Nhiều nước đã phản đối TQ

Với lưu vực rộng trên 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3, sông Mê Công có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực vùng lưu vực sông. Hiện Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và 120 bậc thang trên dòng nhánh với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông. Kiểm soát tài nguyên của dòng sông này giúp Trung Quốc gia tăng sức ép kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đập thủy điện vừa xảy ra sự cố sụp đổ khiến nhiều người chết vừa qua ở Lào chỉ là một trong hàng trăm con đập như thế phân bố dọc theo dòng MêCông và các phụ lưu của nó. Sự cố cho thấy sự phát triển quá nhanh chóng của hệ thống đường thủy này, một hệ thống ngày càng mang tầm quan trọng một cách chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nước này. Đối với hàng trăm ngàn người sống dọc bên bờ sông kéo dài từ Trung Quốc qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông này là nguồn sống của họ. Mê Công còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả giao thương và thương mại. Hàng đống tiền đã được đổ vào đây khi các quốc gia, thông qua các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước chống lưng, tranh nhau xây dựng các nhà máy thủy điện.

Thái Lan tháng 2 vừa qua đã chính thức dừng các kế hoạch do Trung Quốc khởi xướng nhằm mở rộng một khúc quan trọng của sông Mê Công. Kế hoạch nạo vét sông để các tàu thương mại di chuyển thuận lợi của Trung Quốc được khởi xướng vào thời điểm ký kết Hiệp định Giao thông thủy thương mại gồm 3 giai đoạn giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan hồi tháng 4/2001 mà không tham khảo ý kiến của Campuchia và Việt Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ nổ mìn 11 ghềnh đá và 10 dải đá ngầm ven sông để tàu 100 -150 tấn di chuyển từ Vân Nam đến Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hoạt động nổ mìn bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2002 với sự cho phép của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, sau một đánh giá độc lập của Ủy ban Mê Công (MRC), bản đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc về hoạt động nổ mìn đã bị bác bỏ do thiếu gần như toàn bộ dữ liệu về cá và sinh thái. Năm 2003, sau khi Bộ Quốc phòng Thái Lan phản đối dự án và khẳng định nếu tiếp tục dược triển khai dự án sẽ phá vỡ đường phân định biên giới Thái-Lào giữa dòng Mê Công, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch phá đá sau giai đoạn đầu. Tháng 12/2016, Hiệp định này lại được tái xem xét nhưng chính phủ Thái Lan đề xuất cần có thêm khảo sát. Việc chính quyền Thái Lan xúc tiến kế hoạch phá đá ngầm và cù lao trên sông Mê Công nhằm giúp các tàu hàng từ Trung Quốc di chuyển thuận lợi đang gây phẫn nộ trong giới môi trường. Kế hoạch phát triển trên dòng Lan Thương – Mê Công (2015-2025) bao gồm ba bước: khảo sát ban đầu, thiết kế và đánh giá môi trường và xã hội đã được Thái Lan phê duyệt tháng 12/2016. Theo kế hoạch, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ lập đội khảo sát trên sông Mê Công trước khi phát triển tuyến đường giao thông thủy để các tàu chở hàng lớn có thể di chuyển từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Luang Prabang, thủ đô cũ của Lào, di sản thế giới cách Vân Nam 630km về phía hạ lưu. Kế hoạch yêu cầu chính phủ Thái Lan cho nổ mìn phá đá một dải dài 1,6 km dọc sông Mê Công ở biên giới Lào. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ chưa phê duyệt dự án cho tới khi có kết quả khảo sát và đánh giá tác động môi trường (EIA).

Giải pháp cho nguồn nước Mê Kông

Trong cuộc tranh chấp nguồn nước Mê Kông, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam ở thế yếu hơn so với các nước khác do nằm ở cuối nguồn. Nhưng cũng chính vì thế mà Việt Nam càng cần sử dụng các cơ chế hợp tác khu vực và các cơ sở pháp lý quốc tế liên quan, như Công ước về nước của Liên hợp quốc, Hiệp định Mê Kông… để đàm phán và bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ chế hợp tác quốc tế có giá trị pháp lý duy nhất hiện nay cho việc quản lý và sử dụng nguồn nước ở hạ lưu sông Mê Kông là thông qua Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế. Các quốc gia hạ nguồn cần hợp tác với nhau để xây dựng thỏa thuận với Trung Quốc nhằm bảo đảm có được lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Cơ chế hợp tác Lancang – Mê Kông mà Trung Quốc đề xướng gần đây đã nói về việc sử dụng các con đập để giảm hạn hán. Bởi vậy, đây có lẽ là thời điểm tốt để thúc đẩy thương thảo cho một thỏa thuận như vậy.

Các nước ở hạ nguồn cần tận dụng sức mạnh của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế để kêu gọi sự phối hợp, thay vì cho phép Cơ chế Hợp tác Lancang – Mê Kông vì cơ chế này sẽ đem tới cho Trung Quốc quá nhiều quyền lực đối với thượng nguồn. Vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hàn Quốc (11/2019) đã tập trung thảo luận về vấn đề hợp tác Sông Mê Kông, trong đó Hàn Quốc đã đưa ra các sáng kiến, tầm nhìn về hợp tác sông Mê Kông – Hàn Quốc. Đây là một có hội thuận lợi để các nước đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, cùng chung tay quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước sông Mê Kông thay vì để Trung Quốc độc quyền kiểm soát thượng nguồn như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới