Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nhận định của chuyên gia Singapore về các cuộc tập...

Một số nhận định của chuyên gia Singapore về các cuộc tập trận của TQ và Mỹ ở Biển Đông thời gian gần đây

Bắc Kinh và Washington vừa tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc là nhằm đáp trả các động thái của Mỹ trước đó.

Mỹ tập trận không quân, hải quân và động thái đáp trả của TQ

Từ ngày 15-18/3, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến hỗn hợp tại Biển Đông với nhiều phương tiện, lực lượng tham gia, trong đó có tàu đổ bộ USS America (LHA-6) thuộc lớp America, tàutác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence, các loại máy trực thăng, máy bay chiến đấu hiện đại như F-35. USS America, được trang bị máy bay chiến đấu cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và một số máy bay trực thăng, là loại tàu mặt nước lớn có sàn đáp phẳng, thường được xem và sử dụng như một tàu sân bay nhỏ. Hải quân Mỹ thông báo nội dung tập trận xoay quanh nội dung chỉ huy, phối hợp tác chiến và các diễn tập tác chiến mang tính chiến thuật. Với sự phối hợp của chiến hạm cận bờ góp phần làm tăng sự linh hoạt, một yếu tố quan trọng của Nhóm đột kích viễn chinh USS America. Qua đó, theo hải quân Mỹ, sự phối hợp tạo ra một cách thức mới để phối hợp hoạt động ở một trong các vùng biển quan trọng nhất thế giới. Hạm đội 7 – Thái Bình Dương cũng khẳng định Nhóm đột kích viễn chinh USS America có vai trò tiên phong trong các hoạt động phối hợp cùng đối tác và đồng minh, nhằm sẵn sàng hành động để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngay sau khi Mỹ tập trận, quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu hải quân tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông, trong đó máy bay xác định thành công nhiều mục tiêu khả nghi và một phi công tham gia tập trận nói rằng việc hai máy bay cùng tham gia làm gia tăng khả năng phát hiện tàu ngầm.

Nhận định của chuyên gia quốc phòng Singapore

Chuyên gia quốc phòng Singapore Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam cho rằng cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phản ứng không chỉ hoạt động gần đây của nhóm tác chiến Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mà còn sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Mỹ ở Biển Đông.Ông Koh còn đánh giá không có gì ngạc nhiên nếu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hoạt động trong vùng xung quanh một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Quân đội Trung Quốc rất muốn phát huy khả năng chống tàu ngầm của mình.“Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy nhiều cuộc tập trận như vậy trong tương lai. Virus corona sẽ không thể ngăn cản điều này”, Chuyên gia Collin Koh nói. Vào cuối tháng 2, Hải quân Mỹ đã cáo buộc quân đội Trung Quốc có hành vi không an toàn và thiếu chuyên nghiệp sau khi một tàu khu trục Trung Quốc chĩa tia laser vào máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ đang bay qua vùng biển quốc tế phía Tây đảo Guam. Trước đó, Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế tại Nhật Bản cũng nhận định rằng “Mỹ cần có biện pháp để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Điển hình như Mỹ tổ chức để tàu đổ bộ USS America và tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords phối hợp tập trận trên Biển Đông. Điều này có nghĩa Washington thể hiện quyết tâm ngăn chặn các động thái leo thang quân sự mà Bắc Kinh tiến hành trên Biển Đông”.

Các chuyên gia cho rằng mục đích, ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành tập trận là: Thứ nhất, nhằm tăng cường hiện diện quân sự và khả năng tác chiến ở Biển Đông. Hồi tháng 3/2018, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật trái phép ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc yêu cầu mọi tàu bè không qua lại khu vực rộng khoảng 22.500 km2 này trong thời gian cuộc diễn tập được tổ chức từ 0h ngày 29/6 tới 24h ngày 3/7. Thứ hai, nhằm cảnh báo tới Mỹ và các nước thời gian gần đây tăng cường triển khai tàu thuyền, máy bay hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Australia đã tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, Tổng thống Philippines đã thách đố các nước can dự nhiều hơn vào Biển Đông, trong đó Pháp là nước đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự và triển khai tàu thuyền thường xuyên ở Biển Đông. Mỹ và các nước thời gian qua cũng tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận song phương, đa phương ở Biển Đông trong đó mục đích được giới quan sát cho rằng là đối phó với Trung Quốc. Thứ ba, thông tin cuộc tập trận được công bố ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) cho thấy Trung Quốc đã chọn lựa thời điểm nhằm tranh búa rìu của dư luận. Thông báo về đợt diễn tập được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia phương Tây gần đây phát hiện Trung Quốc lần đầu tiên triển khai trái phép 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tiêm kích này được cho là đã hiện diện ở đảo Phú Lâm trong nhiều ngày và sẽ không rời đi trong tương lai gần. Thứ tư, cuộc tập trận nhằm cảnh báo các nước trong khu vực về sức mạnh và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực, tăng cường sự hậu thuẫn cho lực lượng tàu cá dân quân biển của nước này ở Biển Đông, sau vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines hôm 9/6 khiến dư luận vô cùng giận dữ và chỉ trích hành động của Trung Quốc. Cuối cùng, những cuộc tập trận tương tự của Trung Quốc nhằm củng cố cho sự hiện diện, chiếm đóng trái phép của Trung Quốc tại các thực thể được nước này cải tạo, xây dựng và quân sự hoá trong suốt thời gian qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới