Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhớ lại sự kiện trên bãi đá Gạc Ma

Nhớ lại sự kiện trên bãi đá Gạc Ma

Vào những ngày giữa tháng 3, khi cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch cúm viêm phổi virus corona và các trang báo điện tử và báo viết tràn ngập thông tin về dịch bệnh này, thế nhưng truyền thông Việt Nam và thế giới vẫn không quên sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng vũ lực đánh chiếm một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa cách đây 32 năm, gây ra cuộc chiến đẫm máu trên đá Gạc Ma. Nhiều trang mạng đã có những bài viết, bài phỏng vấn các cựu binh trong cuộc chiến ở Gạc Ma năm ấy.

Nghi lễ tưởng niệm của đoàn Việt kiều thăm Trường Sa tháng năm 2019

Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14/3/1988, lính Trung Quốc đổ bộ lên Gạc Ma; pháo lớn nã vào chiếc tàu của hải quân Việt Nam HQ-604, lực lượng Việt Nam trên tàu liền vào ca bin, đạn địch vẫn không ngớt lia tới những con người hầu như không được vũ trang, kết quả trận chiến, 64 chiến sĩ hy sinh.

Những người lính công binh tuổi đôi mươi ra đi năm 1988 ấy không hề mảy may dự cảm chiến tranh sẽ ập đến. Lực lượng công binh không có súng ống gì trong tay mà chỉ có cuốc xẻng trong khi lính Trung Quốc được trang bị đầy vũ khí. Những người lính công binh Việt Nam bị bủa vây bởi làn đạn thù, họ hoàn toàn bị bất ngờ.

32 năm đã trôi qua và cũng là thời gian Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp mở rộng những cấu trúc mà họ sử dụng vũ lực để chiếm đóng.

Trong một cuộc chiến không cân sức 32 năm trước, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước. 32 năm đi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.

Giờ đây, mỗi con tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14-3-1988. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người Việt sống ở trong nước hay những người Việt đang sống ở nước ngoài; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ.

Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn tự hào; có cả niềm đau xen lẫn giọt nước mắt. Nhưng cuộn gói tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước trên Biển Đông.

Tôi một người Việt sống ở nước ngoài, đã may mắn có dịp được tham gia đoàn kiều bào thăm Trường Sa cách đây gần 2 năm, được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang ngày đêm chịu sương gió, nước mặn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Tôi vinh dự được tham gia nghi thức tưởng niệm đó trên chuyến tàu, tự tay thắp một nén hương và bỏ xuống biển những bông hoa để tưởng nhớ linh hồn của các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang nằm dưới biển sâu.

Sau chuyến thăm, tôi cố gắng tìm hiểu về những gì đã diễn ra cách đây 32 năm và tôi đã được đọc những phát biểu của một số nhân chứng đã chứng kiến sự kiện đẫm máu trên đá Gạc Ma năm ấy. Những lời chia sẻ của những nhân chứng sống này càng cho thấy rõ dã tâm của những kẻ xâm lược.

Ông Nguyễn Văn Thống khi ấy là tiểu đội trưởng thuộc đơn vị công binh E83 đang ở trên boong tàu HQ-604. Ông Thống cùng một vài người khác sống sót trong trận chiến Gạc Ma va bị cầm tùhơn 3 năm ở nhà tù Lôi Châu, Trung Quốc.

Được trở về khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, ông Thống là thương binh bậc 1 với một phần cơ thể biến dạng, hàng chục mảnh đạn nằm trong thân thể. Phát biểu về sự kiện Gạc Ma, ông Thống nói: “Tới ngày 14/3 là ký ức đau buồn lại về. Tôi nhớ đồng đội, bạn bè đã vì tổ quốc mà nằm lại nơi biển xa giá lạnh. Lòng tôi buồn đau lắm. Mỗi khi trở trời các vết thương trên mình lại hành hạ khiến tôi càng căm thù quân xâm lược đã giết hại đồng chí và cướp biển đảo”.

Cùng với ông Thống còn có ông Lê Văn Đông kể lại ông Đông cũng bị trói, bịt mắt và bỏ đói trong hầm tàu. Khi được đưa tới trại giam ở Trung Quốc, vết thương của Lê Văn Đông bắt đầu bốc mùi nặng. Những người bắt giữ liền đưa ông tới bệnh viện, trói chân tay lại và mổ.Ngày về từ nhà tù Trung Quôc, cựu binh Lê Văn Đông mang theo một kỷ vật: mảnh đạn được bác sĩ quân y Trung Quốc gắp ra từ ca mổ sống hôm nào. Ông đã lưu giữ nó như một chứng tích cho một thời đoạn đau thương.

Ông Đông nhớ lại: “32 năm trôi qua mà tôi tưởng như mới ngày hôm qua, các đồng đội còn đó: người bị thương, người kêu khóc, người bị bắn và chiếc tàu chìm dần. Có lúc nằm mơ về cuộc chiến, tôi tưởng như đó là cuộc đời ai khác, không phải mình. Tôi tự hỏi sao Trung Quốc ác đến vậy, tôi bị thương ba ngày ba đêm mà không được băng bó, không được gây tê, chỉ mổ sống. Vết thương đã đau cộng hưởng vết dao sắc lạnh mãi ám ảnh tôi”. Ông Đông chia sẻ:”Với tôi Trung Quốc là kẻ thù, nhắc tới Trung Quốc, tôi chỉ thấy căm giận, không anh em láng giềng gì hết. Lúc bị mổ sống, tôi cảm thấy mình bị đối xử như con vật”.

Ông Lê Văn Thoa, một thành viên của tàu HQ-604 thuộc và là một trong số người sống sót trở về từ nhà tù Trung Quốc. Đối với ông, sự kiện Gạc Ma mãi là cuộc thảm sát. Ông Thoa chia sẻ: “Những ngày này buồn ghê lắm, tôi đi cùng con trai vào Cam Ranh để sáng mai kịp thắp cho đồng đội. Với tôi đây không phải cuộc chiến vì chúng tôi ra Gạc Ma để xây dựng đảo, không phải để tham chiến với ai nên ngoài đảo anh em rất vui vẻ phấn khởi”.

Đối với ông Thoa, mảnh đạn còn sót ở trong đầu khiến anh giảm đi trí nhớ không phải là điều quan trọng. Ông Thoa canh cánh nhất là tro cốt của những đồng đội đã hy sinh còn nằm dưới biển sâu. Ông chia sẻ: “Đồng đội hy sinh quá nhiều, chỉ mong ước làm sao nhà nước có thể đàm phán với Trung Quốc để tìm được xác đồng đội, những người nằm lại biển khơi đưa về đất liền. Nhưng giờ có thể không thực hiện được nữa…”.

Nhiều cựu binh đã may mắn sống sót trở về sau cuộc thảm sát Gạc Ma 1988. Nhưng khi ấy, những lời ngợi ca, tôn vinh trong trang sách hay trên truyền thông để kêu gọi lòng yêu nước không có tên tuổi các anh. Do vậy tôi muốn viết ra đây để bạn đọc gần xa hiểu được sự thật về những gì những người cựu binh đó đã phải gánh chịu từ cuộc chiến Gạc Ma cách đây 32 năm.

Thời gian qua, sách báo và các trang mạng của Việt Nam đã có những bài viết về sự kiện xảy ra ở Gạc Ma cách đây 32 năm, song tôi vẫn còn băn khoăn ở một điểm là sự hy sinh của các anh chưa được nhắc đến một cách xứng đáng trong khi truyền thông của Bắc Kinh luôn bóp méo sự thật để công luận hiểu sai về cuộc chiến Gạc Ma năm ấy. Hàng năm báo chí Trung Quốc vẫn nhắc sự kiện này như một chiến thắng.

Thiết nghĩ truyền thông Việt Nam phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các bài viết sự thật về lịch sử cuộc chiến không cân sức Gạc Ma để thế giới nhất là người dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất hiếu chiến của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới