Ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý đối với khả năng quản lý kinh tế của nước này, trong đó Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI), dự án kinh tế và chính sách đối ngoại đặc trưng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là ví dụ điển hình nhất.
Ngoài việc tìm kiếm lợi ích kinh tế, Bắc Kinh coi dự án này là phương tiện để sửa đổi trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu sao cho phù hợp hơn với lợi ích của mình. Sáu năm sau khi BRI được thực hiện, các nước trên thế giới có phản ứng lẫn lộn. Nhiều nước chào đón sáng kiến này là do các cam kết tài chính tương đối lớn của Trung Quốc, tuy vậy có một số nước ngày càng lo ngại về tính minh bạch, tính bền vững của các khoản nợ và tác động của các dự án thuộc BRI đối với môi trường, cũng như những tác động chiến lược của nó đối với lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của họ. Đáng chú ý, trong năm 2018, các nhà lãnh đạo ở Malaysia, Maldives và Pakistan đã lên cầm quyền bằng cách lợi dụng sự lo ngại của công chúng về các dự án đầu tư do Trung Quốc tài trợ, và kể từ khi nhậm chức đã đình chỉ hoặc hủy bỏ một số dự án nổi bật thuộc BRI. Tuy nhiên, những thất bại này đã không khiến sáng kiến BRI bị phủ nhận hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, các nước chủ nhà đang trên đà tiếp tục thực hiện các dự án đã bị đình chỉ hoặc thậm chí bị hủy bỏ sau khi đàm phán lại các thỏa thuận với Bắc Kinh.
Mỹ, EU, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã bày tỏ sự quan ngại về BRI. Trong đó, Ấn Độ chủ yếu phản đối BRI xoay quanh Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy qua khu vực tranh chấp Kashmir. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải được tổ chức vào tháng 6/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Ấn Độ chỉ ủng hộ các dự án kết nối vốn dựa trên sự “tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn khu vực, quản lý tốt, minh bạch và đáng tin cậy”. Tháng 4/2018, một tờ báo kinh tế của Đức có tên Handelsblatt đã đưa tin rằng 27/28 đại sứ EU tại Bắc Kinh đã ký một báo cáo nội bộ của EU tuyên bố BRI “đi ngược lại chương trình nghị sự của EU về tự do hóa thương mại và thúc đẩy cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho công ty Trung Quốc được trợ cấp”.
Đã xuất hiện một phản ứng chính sách trên khắp EU: tháng 9/2018, EU đã công bố một chiến lược mới nhằm cải thiện các liên kết giao thông, năng lượng và kỹ thuật số giữa châu Âu và châu Á. Trong khi chiến lược của EU tìm cách phân biệt cách tiếp cận của mình với BRI thông qua việc đặt trọng tâm vào tính bền vững và tôn trọng hệ thống quốc tế dựa trên các quy tắc, nó cũng duy trì sự can dự với Trung Quốc bằng cách nêu bật sự phối hợp có thể có giữa BRI và các dự án kết nối châu Âu, phản ánh các mức độ ủng hộ khác nhau của các nước châu Âu dành cho BRI
Những quan ngại về sự can dự kinh tế quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc vượt ra ngoài khuôn khổ BRI. Chiến lược kết nối của EU xuất hiện ngay sau một nỗ lực riêng biệt nhằm thúc đẩy việc thông qua một khuôn khổ sàng lọc đầu tư nước ngoài của EU nhằm phản ứng trước những quan ngại xung quanh đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược của châu Âu. Tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã công bố một văn bản quan trọng về quan hệ EU-Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế trong việc theo đuổi vị trí đứng đầu về công nghệ, và “một đối thủ mang tính hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế”. Văn kiện này kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm kiếm “mối quan hệ kinh tế cân bằng và có qua có lại hơn” với Trung Quốc bằng cách có lập trường cứng rắn hơn trong các lĩnh vực thương mại song phương then chốt đồng thời lưu ý đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Một lĩnh vực đang ngày càng gây quan ngại là khả năng các dự án BRI khiến các nước tham gia phải gánh chịu các khoản nợ không bền vững. Nhiều nước nhận được các khoản vay từ Trung Quốc cũng nhận được tài trợ ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế của Ngân hàng thế giới (IDA) và một số nước đã nhận được khoản giảm nợ thông qua IMF và Sáng kiến quốc gia nghèo mắc nợ cao của Ngân hàng thế giới và các chương trình Sáng kiến giảm nợ đa phương có liên quan. Tại thời điểm đàm phán về việc giảm nợ, các giám đốc điều hành của IDA quan ngại về nguy cơ “ngồi không hưởng lợi”, được định nghĩa là các tình huống trong đó các khoản giảm nợ hoặc trợ cấp của IDA có khả năng trợ cấp chéo cho những bên cho vay mà cung cấp các khoản vay không ưu đãi cho các nước nhận”, đặc biệt là ở “các nước nhận tài trợ giàu tài nguyên có thể dựa vào các khoản vay không ưu đãi được thế chấp bằng các khoản thu xuất khẩu trong tương lai”. Việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc cho vay của họ làm gia tăng các mối quan ngại về việc Trung Quốc không chỉ ngồi không hưởng lợi trên các nỗ lực giảm nợ quốc tế trước đây mà còn có khả năng làm tăng nguy cơ các nước có thu nhập thấp lâm vào tình thế khó khăn về nợ, thỏa hiệp về tác động và đóng góp của các khoản cho vay ưu đãi của IDA để đạt được các mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng ở các nước nghèo nhất.
Để đối phó với việc đẩy lùi BRI, Bắc Kinh đã suy nghĩ lại về cách lựa chọn, thực hiện và trình bày các dự án BRI trước cử tọa ở nước ngoài. Kinh tế giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ và dự trữ ngoại hối suy giảm trong những năm gần đây đang kìm hãm khả năng của Trung Quốc trong việc tài trợ cho BRI. Bắc Kinh nhận thấy họ không đủ khả năng để tiếp tục tạo ra các khoản đầu tư không khả thi về mặt tài chính và gây ra những tổn hại về uy tín. Do đó, theo tin tức truyền thông vào tháng 6/2018, Bắc Kinh đã bắt đầu đánh giá liên ngành về số lượng và điều khoản của các thỏa thuận thuộc BRI.
Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, con đường” lần thứ hai vào tháng 4/2019, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tìm cách xây dựng lại hình ảnh toàn cầu mờ nhạt của BRI sau các vụ bê bối nổi bật bằng cách hứa hẹn về “các dự án mở, xanh và sạch”. Những phát ngôn chính thức tại diễn đàn đã lặp lại giọng điệu và sự phô trương của diễn đàn đầu tiên vào năm 2017, nhưng đã điều chỉnh thông điệp và nội dung để giải quyết các mối quan ngại quốc tế. Diễn đàn thứ hai đã công bố nhiều sáng kiến nhằm cải thiện tính bền vững về môi trường của các dự án thuộc BRI, gồm có chương trình đào tạo cán bộ môi trường ở các nước tham gia BRI, thiết lập khuôn khổ đánh giá bền vững nợ và các hội thảo về chống tham nhũng và liêm chính trong kinh doanh. Các cơ quan Trung Quốc cũng đã ký một số thỏa thuận song phương nhằm cải thiện tính minh bạch như hợp tác về kiểm toán giữa Bộ Tài chính Trung Quốc và các cơ quan quản lý tại Malaysia và Nhật Bản.
Tại diễn đàn BRI lần thứ hai, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương đã tìm cách giải quyết những lo ngại về rủi ro tài chính của các khoản cho vay trong BRI, nói rằng Trung Quốc cần “đánh giá một cách khách quan vấn đề nợ của các nước đang phát triển, và xem xét khả năng trả toàn bộ nợ của một nước”. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã hỗ trợ giảm nợ cho một số nước tham gia BRI, bao gồm các khoản xóa nợ, hoãn nợ và tái cấp vốn. Giám đốc Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi Deborah Brautigam thuộc Đại học Johns Hopkins lưu ý rằng Trung Quốc chỉ xóa nợ “đối với các khoản cho vay không lãi suất của Chính phủ Trung Quốc đáo hạn vào cuối năm”, trong đó có “một phần khá khiêm tốn những khoản tài trợ của Trung Quốc ở châu Phi”. Tháng 1/2019, Trung Quốc đã đồng ý hoãn khoản nợ không lãi suất trị giá 78,4 triệu USD của Cameroon. Tháng 4/2019, Chính phủ Ethiopia tuyên bố Trung Quốc hủy các khoản cho vay không lãi suất vốn đã tới hạn vào cuối năm 2018, mà không nêu cụ thể số tiền; Trung Quốc đã đồng ý hủy các khoản vay đó vào năm 2018 để gia hạn thời gian trả nợ cho các khoản vay của Ethiopia trong một dự án đường sắt lớn.
Trong nỗ lực chống tham nhũng đối với các dự án thuộc BRI, vào tháng 7/2019, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã công bố kế hoạch đưa các sĩ quan của mình đến các nước có các dự án lớn thuộc BRI để theo dõi hoạt động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Hành động này diễn ra sau khi xuất hiện những thông báo của Cơ quan quản lý tài sản sở hữu nhà nước vào tháng 7/2018 và tháng 6/2019 yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tăng cường giám sát các đơn vị và nhân viên ở nước ngoài. Vẫn còn phải xem liệu việc các quan chức Trung Quốc lại đặt trọng tâm vào tính minh bạch, tính bền vững của nợ và tính bền vững về môi trường có dẫn đến một sự điều chỉnh tiến trình đáng kể hay không. Tuy nhiên, xét tới những lợi ích chiến lược của mình trong BRI, Bắc Kinh dường như không thể tiến xa hơn các điều chỉnh chiến thuật đối với sáng kiến này.
Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, Trung Quốc tìm cách tận dụng ảnh hưởng kinh tế trong các lĩnh vực thương mại, tiền tệ và thanh toán để thách thức tính ưu thế của các hệ thống tài chính mà Mỹ chi phối. Trong lĩnh vực thương mại, Bắc Kinh đã tìm cách định hình các quy tắc thương mại đa phương, nhưng việc các nước khác tham gia các diễn đàn đa phương đã làm giảm khả năng của Trung Quốc tạo ra các ưu đãi thương mại. Trong phiên điều trần trước ủy ban, Giám đốc Sáng kiến chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Brookings Rush Doshi đã mô tả cách Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) minh họa cho “cả tham vọng xây dựng trật tự Trung Quốc lẫn sự kháng cự của châu Á, cũng như cách chương trình nghị sự của Trung Quốc có thể bị ngừng lại khi nó được đa phương hóa”. Tham vọng lãnh đạo RCEP của Trung Quốc đã gặp phải những trở ngại từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Chẳng hạn, Ấn Độ đã miễn cưỡng cấp cho Trung Quốc các điều khoản nhập khẩu giống như các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vì lo ngại hàng hóa Trung Quốc ồ ạt chảy vào làm gia tăng thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD đồng thời tăng cường ảnh hưởng kinh tế của mình, nhưng những nỗ lực này cho đến nay đã có những kết quả hạn chế bởi Bắc Kinh không sẵn sàng tự do hóa tài khoản vốn của nước này. Theo Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), mặc dù đã trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới vào năm 2016, nhưng việc đồng nhân dân tệ được sử dụng ở phạm vi quốc tế vẫn còn hạn chế; tính đến tháng 4/2019, đồng nhân dân tệ chiếm chưa đến 2% trong tất cả các khoản thanh toán toàn cầu. Trung Quốc đã thực hiện các cuộc xâm nhập lớn hơn cấp khu vực vào năm 2017, 40% thanh toán giữa Trung Quốc và các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, tăng từ chỉ 7% trong năm 2012.
Trung Quốc đã tìm cách tăng cường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thông qua BRI, các cuộc hoán đổi tiền tệ song phương, những thỏa thuận với các ngân hàng trung ương nước ngoài và sử dụng Hong Kong làm trung tâm trao đổi đồng nhân dân tệ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và tạo ra một hệ thống thay thế SWIFT, năm 2015 Bắc Kinh đã ra mắt Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS), hệ thống nhắn tin và thanh toán liên ngân hàng của riêng mình. Trong khi các giao dịch CIPS đang gia tăng nhanh chóng (tăng 80% so với năm 2017 lên 3.770 tỷ USD trong năm 2018), nhưng nó không thể cạnh tranh được với SWIFT, hàng ngày vốn xử lý các giao dịch trị giá 5.000-6.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tiến sĩ Doshi đánh giá CIPS “không chỉ bảo vệ Trung Quốc khỏi sức ép về tài chính mà còn tăng quyền tự chủ, giúp nước này kiểm soát tất cả các thông tin truyền qua mạng lưới của mình, sức mạnh để giúp các nước khác né tránh các biện pháp trừng phạt và khả năng một ngày nào đó sẽ cắt đứt khỏi hệ thống sử dụng đồng nhân dân tệ”. CIPS đã hấp dẫn các ngân hàng ở các nước bị Mỹ trừng phạt, chẳng hạn như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.