Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBảo vệ đồng minh, Mỹ điều tàu khu trục USS McCampbell đi...

Bảo vệ đồng minh, Mỹ điều tàu khu trục USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (26/3) cho biết, tàu khu trục USS McCampbell thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Thông báo của lực lượng quốc phòng Đài Loan cho biết tàu khu trục USS McCampbell đã đi về phía Bắc, di chuyển qua eo biển Đài Loan; cho rằng đây là việc đi qua là “một hoạt động bình thường” và vì thế Đài Loan không cần phát báo động. Trong khi đó, Người phát ngôn của Hạm đội 7 của Mỹ Anthony Junco cho biết, tàu khu trục USS McCampbell có trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến hành “đi qua eo biển Đài Loan như thông lệ ngày 25/3 (giờ địa phương) phù hợp với luật pháp quốc tế”; khẳng định việc chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Tàu khu trục USS McCampbell là một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, mẫu tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ cũng như trên thế giới. Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển. Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên “lá chắn thần” bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Vào thập niên 1980, hải quân Mỹ muốn tạo ra một loại tàu chiến kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến của đối phương, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ chống máy bay, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công của Liên Xô. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ hộ tống nhóm tác chiến tàu sân bay trên những vùng đại dương cách xa căn cứ hải quân và không quân Mỹ.

Hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng mới tổng cộng 76 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Từ năm 1988 đến nay, đã có 66 chiếc được hoàn thành, 62 tàu trong số đó được biên chế cho các đơn vị của hải quân Mỹ. Lớp Arleigh Burke nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, cho tới khi siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ra đời. Chúng được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW). Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm ba tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.

Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, những chiếc Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B.

Ngoài ra, tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h. Về hệ thống radar, tàu trang bị AN/SPY-1D là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo. Đây là thành phần chủ chốt của hệ thống chiến đấu Aegis, được máy tính điều khiển và sử dụng 4 đài thu phát radar cố định nhằm cung cấp khả năng trinh sát, theo dõi mục tiêu liên tục trong phạm vi 360 độ quanh tàu. AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Mỗi đài radar có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, cho phép mỗi tàu Arleigh Burke quản lý tới 800 mục tiêu. Ưu điểm lớn nhất của AN/SPY-1D là đường truyền dữ liệu tới tên lửa được tích hợp thẳng vào radar, thay vì phải dùng bộ phát riêng như các biến thể trước đó.

Chuyến đi mới nhất của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động hiện diện quân sự gần Đài Loan. Mới đây, không quân Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm diễn tập sát Đài Loan. Lực lượng không quân Đài Loan điều động chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc khi chúng vượt qua đường phân chia ranh giới không chính thức giữa hai bên trên eo biển Đài Loan. Ngay sau hành động trên, Đài Loan gọi các cuộc tập trận của Trung Quốc là khiêu khích và kêu gọi Bắc Kinh chú trọng việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) hơn là đe dọa Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới