Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh do vius corona gây ra, Triều Tiên lại liên tục phóng tên lửa nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhằm khẳng định Bình Nhưỡng vẫn đang “tồn tại”.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên rạng sáng nay (29/3) đã phóng một vật thể bay chưa xác định hướng về khu vực bờ biển phía Đông. Theo Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 29-3, cả 2 tên lửa được phóng từ thành phố Wonsan (Triều Tiên) lúc 6h10 sáng ngày 29-3 theo giờ địa phương. Các tên lửa trên bay 230km theo hướng đông bắc, ở độ cao 30km. Bên cạnh đó, JCS cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khó khăn từ COVID-19, động thái quân sự của Triều Tiên là không phù hợp và chúng tôi yêu cầu phía này lập tức ngừng lại. Quân đội Hàn Quốc hiện tuyên bố đang theo dõi sát sao tình hình, cùng lúc duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã không triệu tập một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết tên lửa không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản trên đất liền hay vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của họ; nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục thu thập, phân tích và tìm kiếm thêm thông tin.
Nếu được xác nhận là một tên lửa đạn đạo, thì đây là vụ phóng thứ 4 của Triều Tiên kể từ đầu tháng 3 đến nay. Vụ phóng trên diễn ra trong bối cảnh các lực lượng nước này đang tiến hành tập trận quân sự và thường là dưới sự giám sát của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đợt thử nghiệm gần đây nhất diễn ra hôm 21/3. Dựa trên một số hình ảnh phía truyền thông Triều Tiên công bố, các chuyên gia cho rằng vũ khí được phóng là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-24. Ngày 9.3, Triều Tiên cũng đã phóng ít nhất 3 tên lửa tầm ngắn từ một bệ phóng siêu lớn, chỉ một tuần sau khi phóng 2 tên lửa tầm ngắn cùng loại.
Giới chuyên gia nhận định các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên được cho là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự trong bối cảnh nước này dù không ghi nhận ca nhiễm nhưng có nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát, giữa lúc nền kinh tế gặp khó khăn và bị cô lập bởi những lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài.
Cũng có ý kiến cho rằng, Triều Tiên không chỉ thử tên lửa mà còn tập trận quân sự như một dấu hiệu thể hiện rằng nước này tự tin tránh được nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Trước đó, một số chuyên gia quốc tế đã bày tỏ hoài nghi về báo cáo của Triều Tiên khi nước này không có bất kỳ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào mặc dù sát biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, những bức ảnh mà truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố đã cho thấy, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2/2020, binh lính Triều Tiên đã tiến hành diễn tập quân sự và thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà không hề đeo khẩu trang. Triều Tiên tuyên bố gần như tất cả người nước ngoài đều đã được rời đi sau quá trình cách ly và trong một thông báo khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ, Bình Nhưỡng khẳng định nước này vẫn sẽ tổ chức họp Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA) vào đầu tháng 4/2020. Bên cạnh thông báo về SPA, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là Kim Jo Yong đã đưa ra một tuyên bố trên truyền thông nhà nước ngày 22/3 về bức thư gần đây mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Triều Tiên đề nghị giúp đỡ trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Triều Tiên đã đăng tải một loạt bài báo cho thấy chính phủ đã nghiêm túc như thế nào trong nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Một bài báo trên tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 23/3 cho biết một quan chức địa phương đã bị phạt vì vi phạm các biện pháp ngăn chặn virus corona chủng mới trên toàn quốc khi tổ chức tiệc tùng ăn uống. Bài báo trên cũng khẳng định chiến dịch chống Covid-19 là “một vấn đề chính trị quan trọng”, đồng thời “tất cả mọi người nên tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định được thiết lập theo hệ thống chống dịch khẩn cấp nhà nước”.
Bất chấp các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây nhưng giới quan sát nhận định cánh cửa đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa bị đóng lại. Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên thông qua “lời đề nghị hợp tác chống dịch” thể hiện Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên. Khẳng định không nên vội vã kết luận về sự thay đổi trong mối quan hệ với Mỹ, nhưng quan chức Triều Tiên cũng có phản ứng khá ôn hòa với lời đề nghị hợp tác của Mỹ. Theo chuyên gia Scot Snyder, Giám đốc viện chính sách Mỹ-Hàn Quốc của Hội đồng đối ngoại, điều quan trọng là Mỹ tiếp tục gửi đi các dấu hiệu sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và đường dây liên lạc cấp lãnh đạo giữa hai bên vẫn được duy trì. Điều đó cho thấy cánh cửa đối thoại Mỹ- Triều vẫn để mở, theo nhiều cách khác nhau.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây lại cho rằng vụ phóng tên lửa này như một lời nhắc về khả năng quân sự ngày càng được nâng tầm của Triều Tiên, đồng thời ẩn chứa một thông điệp cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Theo đó, Bình Nhưỡng muốn có được sự nhượng bộ, hay nói cách khác là việc dỡ bỏ ít nhất một phần lệnh trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ. Nếu không đạt được bất kỳ kết quả nào, việc đẩy căng thẳng giữa hai bên leo thang chỉ là điều sớm muộn.