Ngay sau khi Trung Quốc đưa vào hoạt động trái phép 02 “trạm nghiên cứu” trên đá Subi và đá Chữ Thập, Đài Loan (24/3) tiến hành tập trận trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra tuyên bố phản đối, đồng thời yêu cầu Trung Quốc và Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Đảo Ba Bình của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép
Trả lời về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc triển khai trái phép hai trạm nghiên cứu ở đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Liên quan việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật trái phép xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Đồng thời, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt động diễn tập trái phép nêu trên cũng như lặp lại vi phạm trong tương lai.
Đảo Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này nằm cách đảo Sơn Ca 6.2 hải lý (11.5 km) về phía Tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20.4 km) về phía Đông Bắc. Đây là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa; dài 1360 m, rộng 350 m, cao 3,8 m và có diện tích là 0,4896 km2. Trên đảo Ba Bình có nước ngọt và có nhiều loại cây như chuối, đu đủ, dừa…
Trong quá trình lịch sử, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer (21/12/1933) ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập tại đây một trạm khí tượng mang số hiệu 48.919 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (tiền thân của Tổ chức Khí tượng Thế giới) cấp phát. Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm và đặt dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy đóng tại Cao Hùng thuộc Đài Loan (thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản). Tuy nhiên, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco và chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951 và trao trả khu vực này lại cho Việt Nam. Đến tháng 10 năm 1946, Pháp cho tàu chiến Chevreud đến đảo Trường Sa và Ba Bình, đồng thời dựng một mốc đánh dấu bằng đá tại đây. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Đến khoảng giữa năm 1956, Đài Loan tiếp tục đưa quân ra xâm chiếm đảo Ba Bình, tuy nhiên phải đến năm 1971 Đài Loan mới thực sự triển khai quân đội đồn trú trái phép trên đảo này.
Kể từ khi chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình của Việt Nam, Đài Loan đã có nhiều hoạt động quân sự phi pháp tại đây. Ngay sau khi đưa quân lên đồn trú phi pháp trên đảo Ba Bình, Đài Loan đã triển khai nhiều hoạt động quân sự, biến đảo này thành một “pháo đài” kiến cố. Năm 2015, Đài Loan chi 100 triệu USD để xây dựng các công trình phi pháp trên đảo gồm đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống, sữa chữa và nâng cấp cầu tầu trên đảo, xây bệnh viện và công trình nước sạch. Chính quyền Đài Loan còn tăng cường binh lính đồn trú phi pháp trên đảo này. Không những vậy, Đài Loan còn điều tàu hộ vệ có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn đến đảo Ba Bình; triển khai nhiều loại vũ khí như pháo cao xạ, hệ thống tên lửa đất đối không (hệ thống Sky Bow -Thiên Cung và hệ thống phòng không Antelope) và nhiều phương tiện khác nhằm củng cố năng lực tình báo, giám sát và nhận dạng xung quanh đảo Ba Bình. Ngoài ra, Đài Loan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân, bắn đạn thật trong khu vực xung quanh đảo Ba Bình nhằm “tăng cường năng lực hải quân và ứng phó với những tình huống khẩn cấp”.
Trong khi đó, việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng và đưa vào vận hành 02 trạm “nghiên cứu” khoa học trên đá Chữ Thập và đá Subi của Việt Nam được giới học giả cho rằng đây là âm mưu và thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc. Theo đó, giới chức Bắc Kinh thường lợi dụng tình hình khu vực, thế giới đang có diễn biến phức tạp và các nước tồn tại tranh chấp đang tập trung giải quyết vấn đề dịch bệnh nCoV để ra tay tiến hành các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc cố tình đưa vào hoạt động hai trạm “nghiên cứu” trên là nhằm mục đích gia tăng kiểm soát trên thực địa, phục vụ các hoạt động quân sự và đánh lừa cộng đồng quốc tế về “nỗ lực”, nghĩa vụ của Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học trên biển.