Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnCuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông tiếp tục gay gắt

Cuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông tiếp tục gay gắt

Trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông,bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang lan nhanh như cháy rừng gặp gió, đe dọa nền kinh tế thế giới và tính mạng của hàng trăm triệu người dân trên toàn cầu.

Một số hoạt động đáng chú ý là: Trung Quốc tiến hành khai thác thử nghiệm băng cháy lần hai ở Biển Đông;lắp đặt hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ thập và Su bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam;triển khai máy bay vận tải Y-8 ra Đá Chữ Thập; duy trì hoạt động liên tục của lực lượng dân quân biển…

Dư luận thế giớihết sức lo ngại bởi Bắc Kinh có những hành động kể trên vào lúccác nước trong khu vực ít ngờ nhất. Đây là bản chất cố hữu của các thế hệ lãnh đạo ở Trung Nam Hải, họ tuyên bố tìm cơ hội ngay trong thách thức. Mà cơ hội nói tới ở đây là cơ hội xâm lấn, bành trướng, thực hiện giấc mơ Trung Hoa.

Do chịu sự ảnh hưởng của cuộc chạy đua tranh giành lợi ích giữa các quốc gia, nhất là từ khi Mỹ từng bước thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tình hình Biển Đông sắp tới báo hiệu sẽ có những căng thẳng mới.

Theo các nhà phân tích, những hành động đơn phương của nước có yêu sách chủ quyền là nguyên nhân chính dẫn đến những biến động ở Biển Đông. Trong đó, đáng chú ý là các quốc gia có khả năng đơn phương thúc đẩy các chủ trương, chính sách tiến hành thăm dò tại các lô dầu khí có triển vọng.

Một vấn đề từng gây phức tạp kéo dài là đàm phán xây dựng văn bản COC. Đối với vấn đề khai thác dầu khí và tập trận quân sự chung ở Biển Đông, các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Nga cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán dự thảo COC bằng nhiều kênh khác nhau, xuất phát từ nhu cầu về lợi ích chiến lược và kinh tế của mình.

Về cuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông sẽ tiếp tục gay gắt. Kể từ nửa cuối năm 2016, chính phủ Trung Quốc và Philippines đã đạt được sự đồng thuận trong việc gác lại phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Tuy nhiên, một số lực lượng thân Mỹ chống Trung Quốc ở Philippines đã không ngừng gây áp lực với chính phủ Duterte, yêu cầu ông phải giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên kết quả phán quyết của tòa trọng tài.

Các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác như Việt Nam, vẫn trích dẫn phán quyết của trọng tài và coi đó là chỗ dựa cho các hành động đơn phương của mình. Giới chính trị và học thuật Việt Nam phần lớn ủng hộ việc đệ trình các tranh chấp có liên quan với Trung Quốc lên Tòa án Công lý hoặc Trọng tài quốc tế.

Hiện tại với sự thúc đẩy của một số quốc gia, việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông có khả năng sẽ ngày càng đi xa. Việc mở rộng và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông từ lâu đã là mục tiêu chính trong chính sách Biển Đông của một số nước có yêu sách chủ quyền. Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, các nước này đã lợi dụng các cơ hội và cơ chế đa phương để thổi phồng vấn đề Biển Đông, tuyên truyền “thuyết mối đe dọa đến từ Trung Quốc đối với Biển Đông”.

Trên mặt trận quân sự, dùng các phương thức như sử dụng căn cứ quân sự, mua sắm vũ khí, tập trận quân sự chung để lôi kéo và gia tăng sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông.

Trên mặt trận kinh tế, thông qua những sách lược như “nhượng bộ lợi ích kinh tế”, “ràng buộc lợi ích” để đổi lại sự ủng hộ của các quốc gia khác, đưa các công ty dầu khí phương Tây vào khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp. Việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông dưới sự thúc đẩy và dẫn dắt của những quốc gia này là một xu hướng khó có thể đi ngược lại.

Một vấn đề đáng quan tâm là, sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông có thể tạo ra “Sự kiện thiên nga đen” mới. Mỹ muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Còn Việt Nam muốn thông qua Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời củng cố, mở rộng những lợi ích đã đạt được.

Kể từ khi xảy ra đối đầu giữa hai nước Trung – Việt xung quanh sự kiện Bãi Tư Chính vào giữa năm 2019, Mỹ đã thường xuyên lên tiếng ủng hộ Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao và dư luận. Hai nước đã triệt để tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và an ninh, như chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chuyến thăm của tàu hải quân và viện trợ vũ khí.

Năm 2020, Việt Nam, với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể nước này sẽ có những hành động đơn phương mới ở Biển Đông. Một trong những hành động đó là thúc đẩy quốc tế hóa và mở rộng vấn đề Biển Đông. Còn Mỹ sẽ tìm cách biến Việt Nam thành “người đại diện” gây rối trật tự mới, đồng thời là chỗ dựa trong việc triển khai lực lượng hải cảnh và quân sự, thu thập thông tin tình báo, giám sát và kiềm chế đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông sắp tới tiếp tục ổn định hay gia tăng bất ổn? Câu hỏi này tùy thuộc chủ yếu vào thái độ của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ, trong đó Trung Quốc bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu. Thái độ hung hăng, trắng trợn trên biển Đông của Bắc Kinh trong những ngày đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng tỏ bản chất bành trướng, hiếu chiến của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi.

RELATED ARTICLES

Tin mới