Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiEU chia rẽ trước chiến lược ‘ngoại giao khẩu trang’ của TQ

EU chia rẽ trước chiến lược ‘ngoại giao khẩu trang’ của TQ

Nhà bình luận chính trị nổi tiếng David Hutt cho rằng âm mưu “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh hiện đã khiến châu Âu chia rẽ.

 

Là nhà báo chuyên viết cho mục “Đông Nam Á” của The Diplomat và thường xuyên viết cho Asia Times, ông Hutt cho rằng việc Trung Quốc thể hiện sự “hào phóng” của họ đối với các nước thành viên EU đang bị virus tấn công, có tác dụng ngược.

Theo ông Hutt, Liên minh châu Âu (EU) đang từ chối “những lời tán tỉnh” trợ giúp của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tăng cường các chiến dịch tuyên truyền và quyền lực mềm, trong đó mô tả họ là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống Covid-19. Đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại tuyên bố của một số chính khách trên thế giới, yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính cho đại dịch toàn cầu.

Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh, gần đây đã đả kích cái được gọi là “chính trị hào phóng” Covid-19, như là một mưu toan của Bắc Kinh, gieo rắc sự chia rẽ ở châu Âu, khi các nước này đang phải vật lộn với sự lây lan gây chết người.

Trong một tuyên bố gần đây, ông Borrell nêu rõ: “Có một cuộc chiến trên toàn cầu đang diễn ra, trong đó thời gian đóng vai trò tối quan trọng. Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh thông điệp rằng, không giống như Mỹ, họ là đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”.

 

Ông Borrell cảnh báo có những âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người dân châu Âu bị kỳ thị như thể tất cả đều mang theo virus.

Theo ông Hutt, Ủy ban Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), cơ quan về chính sách đối ngoại của EU, công bố các bản cập nhật thường xuyên về các chiến dịch “tin tức giả” trên toàn thế giới, đặc biệt là các chiến dịch của các tổ chức có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và Nga.

Ông Andrew Small, một thành viên tại Chương trình châu Á của Quỹ Marshall của Đức có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Có rất nhiều sự hoài nghi ở Brussels đối với chính phủ Trung Quốc và chương trình nghị sự chính trị của [Đảng Cộng sản Trung Quốc]. Hành vi của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng đã củng cố rất nhiều sự hoài nghi này”.

Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi đã đến lúc “chấm dứt sự ngây thơ” đối với lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu. Trong khi Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là một “đối thủ của cả hệ thống”.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hứa hẹn sẽ thành lập một “Ủy ban Địa chính trị”, vốn được nhiều nhà bình luận coi đó là một cơ chế để xây dựng một EU quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu, hành động một cách “trung dung” giữa sự ganh đua của các siêu cường Mỹ – Trung.

 Về phần mình, bà Von der Leyen đã công khai cảm ơn Trung Quốc vì đã gửi đồ y tế cho các thành viên EU bị virus tấn công, bao gồm cả Ý và Tây Ban Nha. Bà Leyen được cho là đã phát biểu nồng nhiệt về những quan hệ song phương, sau khi điện thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng hôm 18/3.

Chính xác thì cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Quốc – EU trong tương lai như thế nào, và liệu EU có tham gia vào các khối ủng hộ hoặc chống Trung Quốc, hay không, vẫn là điều chưa thấy rõ.

Ông Hutt lưu ý về những trường hợp được công bố rộng rãi, trong đó Trung Quốc [tự cho là] đã đến “giải cứu” các thành viên EU. Chẳng hạn như:

  • Vào giữa tháng 3/2020, Trung Quốc thông báo sẽ gửi các thiết bị và dụng cụ y tế rất cần thiết cũng như các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc xử lý virus này, đến nước Ý, một quốc gia EU bị virus tấn công nặng nề nhất. Sự ‘hào phóng’ đó bao gồm các hợp đồng, cung cấp 10.000 máy thở phổi, 2 triệu khẩu trang và 20.000 bộ quần áo bảo hộ.
  • Tây Ban Nha, nước có hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, gần đây đã đạt được một thỏa thuận trị giá 46 triệu USD với Trung Quốc, cung cấp 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ dụng cụ thử nhanh, 950 máy thở, và 11 triệu đôi găng tay để giải quyết tình trạng thiếu hụt. Thỏa thuận đạt được hôm 25/3 trong một cuộc điện thoại giữa Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo các báo cáo, một số vật tư y tế được Trung Quốc cung cấp cho các nước bao gồm Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc là bị lỗi, không sử dụng được.

Đồng thời, theo ông Hutt, một số chính phủ châu Âu đang chống lại sự phụ thuộc của nước mình vào việc nhập khẩu hàng hóa y tế do Trung Quốc sản xuất mà họ cho rằng chúng đã gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

 

“Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy chúng ta ở Rumani và châu Âu phụ thuộc [tồi tệ] như thế nào vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Kinh tế Rumani Virgil Popescu nhận định vào tuần trước.

Ông Hutt cho rằng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, vốn được khoe nhiều và được cả hai bên hy vọng ký kết trong năm 2020, sẽ rất khó hoàn tất do cuộc khủng hoảng Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc dự kiến được tổ chức trong tháng 3 này đã bị hủy bỏ; một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được lên kế hoạch vào tháng 9/2020 tại thành phố Leipzig của Đức, cũng có nguy cơ bị hủy.

Ông Lucrezia Poggetti, một nhà phân tích tại Viện Mercator ở Berlin, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định rằng sự bùng phát Covid-19 “đang khiến EU và chính phủ Trung Quốc bận rộn xử lý khủng hoảng y tế công cộng và hậu quả kinh tế sau đó, và làm chậm tiến độ đàm phán và hạn chế triển vọng đạt được việc ký kết thỏa thuận đầu tư song phương vào năm 2020”.

 

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các quan chức EU cảnh báo rằng khối này không sẵn sàng ký thỏa thuận, trừ khi Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ lớn, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và việc cho phép các công ty châu Âu tiếp cận bình đẳng vào thị trường thịnh vượng của Trung Quốc khi đó.

Ông Phil Hogan, giám đốc thương mại của EU, đã nhận định trong tháng 1/2020 rằng “cuộc họp nửa vời sẽ không hiệu quả với EU”.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ không thay đổi căn bản mối quan hệ EU – Trung Quốc.

“Họ sẽ vẫn chia rẽ về các vấn đề tương tự, như chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc, chế độ độc tài do Đảng Cộng sản lãnh đạo và họ thiếu tôn trọng các quyền chính trị và nhân quyền cơ bản”, ông Canestan nhận xét.

Họ sẽ bị chia rẽ, ông Cabestan nói thêm, về “sự sốt sắng của Trung Quốc muốn thống trị kinh tế và sau đó là thống trị chính trị, trước sự bất lợi của phương Tây, không chỉ Mỹ mà cả EU, và các nước dân chủ và phát triển kinh tế chính trị khác”.

Ông Cabestan khẳng định: “Liên quan đến EU, chia rẽ và điều khiển vẫn là chiến lược cơ bản của Trung Quốc”.

Thật vậy, Brussels từ lâu đã nghi ngờ về những mưu toan của Bắc Kinh, tiến hành các hành động gieo rắc sự chia rẽ trong EU, bao gồm cả việc thông qua Diễn đàn 17+1, gồm Trung Quốc và 17 quốc gia thành viên, chủ yếu là các nước Trung Âu và Đông Âu.

Theo ông Hutt, [việc làm thất bại âm mưu này] phần lớn phụ thuộc vào chuyện, liệu EU hiện có thể tập hợp các quốc gia thành viên xung quanh khối trong thời gian phong tỏa, đóng cửa biên giới và suy thoái kinh tế hay không.

Ông Hutt cho rằng “hầu hết các chính phủ châu Âu đã mất cảnh giác khi ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng vọt trên khắp lục địa vào đầu tháng 3/2020, với Ý ở tâm chấn”.

Trong cuộc chạy đua để chặn cuộc khủng hoảng kế tiếp, các quốc gia thành viên EU đã hành động đơn phương trong việc tạo ra các phản ứng riêng lẻ. Trong khi đó, các cơ quan EU đã bị nhiều người coi là phản ứng chậm chạp, không có đủ năng lực quản lý khủng hoảng; không có hướng dẫn rõ ràng về việc liệu EU có nên đảm nhận vai trò quản lý khủng hoảng của các quốc gia thành viên hay không?

Theo ông Hutt, các hiệp định Schengen, cho phép người dân di chuyển không biên giới trên hầu hết các quốc gia EU, và lễ kỷ niệm 25 năm trong năm 2020, đã thực sự bị vô hiệu vì hầu hết các nước thành viên đã đóng cửa biên giới, để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.

Trong một bài phát biểu ngày 12/3/2020, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, đã khuyến khích quan điểm của các nước thành viên trước phản ứng tập thể, bằng cách nói bóng gió rằng ECB không chịu trách nhiệm về tác động tài chính của cuộc khủng hoảng Covid-19, đối với các nước thành viên.

Ngày 18/3, ECB công bố gói kích cầu, trị giá 750 tỷ Euro (820 tỷ USD) bằng cách mua trái phiếu của các quốc gia châu Âu, trong một nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ tài chính tiếp theo. Một số người cho rằng việc thiếu các đảm bảo tài chính, sẽ khiến các quốc gia riêng lẻ dễ tiếp nhận các thỏa thuận hỗ trợ tài chính và giải cứu tiềm năng do Trung Quốc dẫn đầu, như được đưa ra trong các thỏa thuận cung cấp y tế khẩn cấp của Bắc Kinh, tùy theo từng trường hợp.

Ông Hutt cũng lưu ý khi việc cách ly trên toàn châu Âu được áp đặt vào khoảng giữa tháng 3/2020, hầu hết các chính phủ EU ban đầu đều “tâng bốc” lời hứa nhanh chóng giúp đỡ của Trung Quốc, bao gồm việc cung cấp vật tư y tế. “Thiện chí” này của Trung Quốc khiến một số nước gọi là ngoại giao ‘khẩu trang’ của Bắc Kinh.

Ông Alexanderar Vucic, tổng thống Serbia, một thành viên ngoài EU, gần đây đã châm chọc tình đoàn kết châu Âu là một “câu chuyện cổ tích”. Ông Vucic tuyên bố rằng “người duy nhất có thể giúp đỡ” chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 là Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Hutt, quan điểm đó của tổng thống Serbia, “có khả năng bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng Serbia là một nước hưởng lợi lớn từ chương trình cơ sở hạ tầng ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc”.

Ngay cả các thành viên EU như Séc và Thụy Điển, mặc dù cả hai nước đều thấy mối quan hệ song phương với Trung Quốc xấu đi trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020, đã trở nên tích cực hơn trong thông điệp công khai của họ. Có lẽ họ muốn đảm bảo cho việc nhập khẩu thiết bị và vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất, được trôi chảy.

“Nhưng, thông điệp mềm mỏng ban đầu đó đối với Trung Quốc, hiện trở nên cứng rắn hơn, khi các nước nhận thức tăng lên rằng Bắc Kinh tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng của EU”, ông Hutt nhận xét.

Theo ông Hutt, Bắc Kinh đã tăng cường tuyên truyền, nhằm tìm cách làm chệch hướng và từ chối trách nhiệm đối với sự bùng phát ban đầu của virus, như một số quan chức Trung Quốc đã làm một cách thô thiển, trên phương các tiện truyền thông xã hội.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), gần đây đã chính thức hợp lý hóa các thuyết âm mưu, được lưu truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, trong đó tuyên bố Covid-19 là được Mỹ chế tạo, và được quân đội Mỹ sử dụng làm vũ khi sinh học, bí mật đưa vào thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, khiến Vũ Hán thành tâm chấn đầu tiên của dịch bệnh.

Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, đã nhắc lại như con vẹt, câu chuyện hoang tưởng này, trên tài khoản Twitter chính thức của sứ quán.

“Khi Trung Quốc tăng cường chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ của mình, trong một nỗ lực không che đậy, để có được lợi thế ở châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có một nỗ lực phối hợp mới, để nhấn mạnh sự đoàn kết của EU và cho vay giúp đỡ các quốc gia thành viên”, ông Hutt nhận xét.

Đức và Pháp hiện đã gửi nhiều khẩu trang và vật tư y tế đến Ý bị virus tấn công, tàn phá. Các bệnh viện Đức được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, đang mở cửa để điều trị cho các bệnh nhân người Ý và Pháp.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến đáng tin cậy, một số nhà quan sát mong đợi một chiến dịch quan hệ công chúng, được phối hợp nhiều hơn trong những ngày tới và tuần tới, để làm nổi bật tình đoàn kết toàn châu Âu. Điều đó có thể hoặc không thể thực hiện khi sự hoài nghi ở châu Âu dường như đã gia tăng mạnh hơn trong sự trỗi dậy của đại dịch.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty thăm dò ý kiến Monitor Italia cho thấy 88% người Ý cảm thấy EU không giúp đỡ họ đầy đủ trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Tỷ lệ người Ý cho rằng tư cách thành viên EU là bất lợi, đã tăng từ 47% trong tháng 11/2019 lên 67% trong tháng 3/2020 này.

Về vấn đề kinh tế, một báo cáo của Ủy ban châu Âu, công bố hôm 13/3/2020, đã khẳng định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối có thể hạ xuống -1% trong năm nay, giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.

Theo ông Hutt, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng có khả năng chấm dứt trong năm nay, mặc dù không chắc chắn lắm. Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP tồi tệ nhất trong 29 năm qua, do những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong khi cả EU và Trung Quốc sẽ rất cần vực dậy nền kinh tế của mình khi khủng hoảng lùi xa dần, vẫn chưa rõ mối quan hệ song phương sẽ đi theo hướng nào.

“Điều rõ ràng là mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung sẽ xấu đi hơn nữa, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thiệt hại và những cái chết do những gì ông gọi là virus ở Vũ Hán và virus Trung Quốc”, ông Hutt dự đoán.

Theo ông Small của Quỹ Marshall, “chắc chắn có những lĩnh vực nơi mà chính trị xung quanh sự tham gia kinh tế của Trung Quốc vào châu Âu, sẽ được xem xét lại’’.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho châu Âu thấy “những rủi ro thực sự liên quan đến việc tiếp nhận tài trợ hoặc một số hình thức đầu tư nhất định của Trung Quốc”, ông Small kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới