Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc chạy đua phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5...

Cuộc chạy đua phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 của các cường quốc

Không quân luôn là một trong những lực lượng trọng yếu, có khả năng quyết định kết quả cuộc chiến trong tương lai. Do đó, các cường quốc quân sự trên thế giới đều đang đầu tư tài chính, nhân lực, vật lực để phát triển các loại hình tiêm kích thế hệ thứ 5.

Tiêm kích thế hệ 5 là thế hệ máy bay hiện đại nhất hiện nay cũng như trong tương lai gần. Những đặc trưng cơ bản không thể thiếu của loại máy bay này bao gồm: Khả năng tàng hình nhờ thiết kế giảm thiểu dấu hiệu bộc lộ và sử dụng vật liệu đặc biệt cho phép máy bay vô hình trước ra-đa đối phương; Khả năng siêu cơ động nhờ thiết kế động lực học và hệ thống loa phụt phản lực đa hướng; Khả năng bay hành trình đạt tốc độ siêu âm mà không cần đốt nhiên liệu phụ nhờ động cơ phản lực thế hệ mới; Khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến, như: không đối không, không đối đất, không đối hạm nhờ tích hợp nhiều loại vũ khí; Khả năng điều khiển hoàn toàn tự động nhờ hệ thống điện tử hàng không hiện đại.

Mỹ, Nga, Trung Quốc phát triển và trang bị máy bay tiêm kích thế hệ 5

Cuộc cạnh tranh phát triển máy bay tiêm kích hiện đại, thế hệ mới phản ánh nền tảng khoa học của công nghiệp hàng không vũ trụ, đồng thời tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng không quân mỗi nước. Vì vậy, Mỹ, Nga và Trung Quốc thực sự trở thành đối thủ của nhau trong cuộc cạnh tranh nghiên cứu, chế tạo và sản xuất dòng máy bay tiêm kích thế hệ 5. Cho tới nay, các máy bay tiêm kích thế hệ 5 đã được nghiên cứu, phát triển thành công và đưa vào biên chế, gồm: F-22 Raptor và F-35 Lightening của Mỹ, Su-57 của Nga, J-20 và J-31 của Trung Quốc. Trong đó, F-22 Raptor và F-35 Lightening của Mỹ đã được sử dụng trong các chiến dịch không kích tại Afghanistan, Syria. Còn Nga đã sử dụng máy bay Su-57 để tiêu diệt các phiến quân nhà nước hồi giáo tự xưng IS tại Syria.

Tiêm kích F-22 Raptor do hãng Lockheed Martin chế tạo theo chương trình phát triển máy bay tiêm kích chiến thuật hiện đại của Không quân Mỹ từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2005, tức là 15 năm sau, F-22 Raptor mới đạt được khả năng tác chiến hoàn chỉnh, trở thành máy bay tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới. Loại máy bay này được ứng dụng công nghệ tàng hình, khó bị phát hiện và đạt vận tốc hành trình siêu âm, được thiết kế để trở thành máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không, nhưng cũng có thể sử dụng cho các nhiệm vụ tiến công mặt đất, tác chiến điện tử và tình báo. Năm 2011, Không quân Mỹ đã hoàn thành chương trình trang bị 194 chiếc F-22 Raptor.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 thứ hai của Mỹ là F-35 Lightening II được Không quân Mỹ tuyên bố phát triển thành công vào năm 2006. Đây là máy bay tiêm kích đa nhiệm siêu âm thế hệ 5 đầu tiên tích hợp khả năng tàng hình hiện đại với tác chiến kết nối mạng và sử dụng liên quân chủng. Máy bay F-35 được thiết kế theo ba phiên bản, gồm: F-35A sử dụng cho không quân là phiên bản thông thường, F-35B sử dụng cho hải quân đánh bộ, có khả năng cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng và F-35C sử dụng cho hải quân, trang bị chuyên cho tàu sân bay. Hiện tại, F-35 Lightening II tiếp tục được hãng Lockheed Martin sản xuất theo hợp đồng kéo dài nhiều năm với Không quân Mỹ.

Đối với Nga, máy bay tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên có tên là Su-57 do hãng Sukhoi sản xuất, được giới thiệu lần đầu vào năm 2010, hiện đã đưa vào trang bị 12 chiếc. Tháng 5/2019, Không quân Nga tiếp tục đặt hàng 76 chiếc Su-57 nữa, đánh dấu cột mốc lịch sử mua sắm số lượng máy bay chiến đấu thế hệ mới lớn nhất từ trước tới nay của nước này. Máy bay Su-57 có nhiều ưu thế vượt trội ở kết cấu thân máy bay, thiết kế khí động học, kiểu loại động cơ cùng với mặt cắt phản xạ ra-đa, tín hiệu ở dải sóng quang học và hồng ngoại rất nhỏ. Một đặc điểm hấp dẫn khác của máy bay Su-57 là đặc trưng tàng hình khá đặc biệt. Theo đó, khác với công nghệ tàng hình truyền thống mà nhiều loại máy bay thế hệ mới đang sử dụng là dựa vào kết cấu góc cạnh kết hợp sử dụng các vật liệu hấp thụ sóng ra-đa, giảm bức xạ hồng ngoại do động cơ thải ra, thì Nga lại phát triển công nghệ tàng hình hoàn toàn mới trên máy bay Su-57, đó chính là công nghệ tàng hình Plasma, hay còn gọi là “công nghệ tàng hình chủ động”. Công nghệ này sử dụng khí i-on hóa để giảm tiết diện phản xạ ra-đa. Khí i-on hóa sẽ bao phủ toàn bộ khoảng không gian xung quanh máy bay và hấp thụ năng lượng điện từ của sóng ra-đa, gây khó khăn cho việc phát hiện máy bay từ hệ thống phòng không đối phương. Chính vì vậy, khi Nga triển khai 04 chiếc Su-57 tham chiến tại Xy-ri, Mỹ và I-xra-en đều không phát hiện được sự xuất hiện của chúng cho tới khi Mát-xcơ-va công bố hiệu quả sử dụng trong các cuộc không kích. Mặt khác, máy bay Su-57 sử dụng 2 động cơ có thiết kế đặc biệt làm tăng thêm hiệu quả loa phụt véc-tơ 3 chiều, giúp quá trình điều khiển máy bay rất linh hoạt, tạo khả năng cơ động tối ưu nhất trong số các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hiện nay – điều khiến Mỹ vô cùng lo ngại.

Còn máy bay tiêm kích J-20 của Trung Quốc được bay thử nghiệm lần đầu vào năm 2011. Mặc dù J-20 cũng có khả năng tàng hình, sử dụng động cơ kép và chính thức đưa vào trang bị cho Không quân Trung Quốc từ tháng 02-2018, nhưng cho đến nay, mới chỉ có 20 chiếc được biên chế cho Lữ đoàn bay huấn luyện và thử nghiệm. Trung Quốc sẽ chưa trang bị J-20 cho các đơn vị chiến đấu cho tới khi lắp xong động cơ tua-bin phản lực véc-tơ WS-15 (hiện đang được nước này nghiên cứu chế tạo). Theo các chuyên gia hàng không vũ trụ quốc tế nhận định, nếu các nhà thiết kế của Trung Quốc đạt được trình độ toàn diện cả về vật liệu và kỹ thuật chi tiết, thì máy bay J-20 sẽ có tính năng tàng hình tốt hơn nhiều từ phía trước và hai bên so với F-35 và có thể ngang bằng F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, thiết kế của J-20 có hai điểm yếu, đó là: đường cong ở bên sườn gây ra nhiều phản xạ hơn mức cần thiết và ống xả khí hình tròn (đây là điểm yếu chung của cả F-35 và Su-57).

Trong khi đó, J-31 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, loại 2 động cơ, 1 chỗ ngồi hạng trung của Trung Quốc. Đây là sản phẩm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương hiện đang nghiên cứu, phát triển, có kích thước nhỏ hơn so với loại máy bay chiến đấu cùng thế hệ của Thành Đô là J-20. J-31 cũng mang những đặc điểm tàng hình tiêu biểu của một loại máy bay chiến đấu thứ 5 là có khả năng tàng hình, tốc độ hành trình siêu âm, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến… Về ngoại hình và kích cỡ, nó tương đương với F-35 nên 1 số người gọi nó là “Anh em song sinh của F-35”. Một số hình ảnh trên mạng thể hiện, rất có khả năng J-31 sẽ sinh thêm 1 biến thể với chức năng tiêm kích hạm, dùng trong tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, J-31 mới bắt đầu bay thử chuyến đầu tiên vào ngày 31-10-2012, thời gian để hoàn thiện các tính năng còn rất dài. Hiện nay, J-31 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm mô hình bay nên ngay cả các chuyên gia Trung Quốc cũng không ai dám chắc về khoảng thời gian cụ thể nó sẽ được đưa vào trong biên chế của lực lượng không quân. Tuy nhiên, có thể khẳng định 1 điều chắc chắn là nó sẽ hoàn thiện sau J-20, sớm nhất cũng sau năm 2020 mới được đưa vào sử dụng.

Các cường quốc khác không kém cạnh

Ngoài Mỹ, Nga và Trung Quốc, một số nước có nền khoa học công nghệ quốc phòng và tiềm lực kinh tế cũng đã thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo các loại hình tiêm kích thế hệ thứ 5.

KF-X là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Hàn Quốc và Indonessia liên hợp sản xuất, trong đó Hàn Quốc chịu trách nhiệm chính, còn Indonesia là đối tác phát triển. Tháng 8 vừa qua, Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã hoàn tất quá trình xây dựng kế hoạch phát triển chung với Indonesia. KF-X bắt đầu phát triển vào tháng 12 tới. Phụ trách chính sẽ là nhà sản xuất máy bay duy nhất của nước này là Tập đoàn công nghiệp hàng không Hàn Quốc (KAI) với sự tham gia của tập đoàn Lockheed Martin. Sự xuất hiện đột ngột của Tập đoàn chế tạo vũ khí của Mỹ là do theo một điều khoản “đi kèm”, mới được “gài” trong hợp đồng bán 40 chiếc F-35A cho Hàn Quốc. Theo kế hoạch trước đây, loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 này sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt và triển khai biên chế đủ cho quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2020 – 2027. Tuy nhiên, hiện KF-X vẫn còn chưa xây dựng thiết kế nên thời hạn này chắc chắn không thể hoàn tất đúng theo kế hoạch đã định. Theo dự kiến của các chuyên gia, sớm nhất phải đến năm 2021 KF-X mới bắt đầu bay thử nên tương lai của nó chưa có gì là chắc chắn. Có lẽ sớm nhất cũng phải đến năm 2027, KF-X mới có thể sản xuất hàng loạt, quá trình chuyển giao sử dụng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 7 đến 8 năm sau đó.

Shinshin là loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Nhật Bản tự lực nghiên cứu, sản xuất. Dòng máy bay chiến đấu mới này, được phát triển trong Chương trình ATD-X trở thành máy bay chiến đấu F-3, để thay thế các máy bay chiến đấu Mitsubishi F-2 của không quân Nhật Bản vốn được biên chế hoạt động từ năm 2000. ATD-X Shinshin là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật quốc phòng Nhật Bản hợp tác với tập đoàn Mitsubishi phát triển. Nguyên mẫu mô hình của nó lần đầu tiên được công khai vào năm 2005, nguyên mẫu thử nghiệm được hoàn tất năm 2010. Sự tiến bộ thần tốc trong chương trình phát triển chiến đấu cơ của Nhật khiến nhiều người kinh ngạc khi tháng 6 vừa qua, một số diễn đàn mạng của Trung Quốc đã công bố hình ảnh về một chiến đấu cơ thực thụ được cho là ATD-X Shinshin.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (hay còn gọi là “máy bay chiến đấu tiên tiến hạng trung”) AMCA do Ấn Độ tự lực nghiên cứu, phát triển, nhằm mục đích nghiên cứu, chế tạo một loại máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ thứ 5 với 2 động cơ và 1 chỗ ngồi. Một mô hình thử nghiệm trong hầm gió của loại máy bay chiến đấu hạng trung này đã được ra mắt vào năm 2009, tại triển lãm hàng không Bangalore. Tại triển lãm hàng không quốc tế Bangalore tổ chức vào tháng 2 năm 2013, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã tiếp tục trưng bày mô hình mới của AMCA. So với mô hình được công khai trước đó vào năm 2011, rõ ràng là người Ấn Độ đã có sự điều chỉnh về thiết kế ngoại hình khí động học. Loại máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ 5 AMCA có trọng lượng cất cánh khoảng 19-20 tấn. Theo kế hoạch, nó sẽ tiến hành bay thử vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ được đưa vào trong biên chế của không quân Ấn Độ, kế hoạch sản xuất của AMCA dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 15 năm. 

TFX là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, chế tạo. Dự án được Hãng Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, với sự hỗ trợ công nghệ từ hãng chế tạo hàng không Saab AB của Thụy Điển. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ đặt mua hơn 250 chiếc TFX vào năm 2020 và đưa chúng vào cấu trúc mạng trung tâm không quân gồm F-35, F16 Block 50+. Như vậy không quân nước này có một kế hoạch đầy tham vọng để sở hữu tới 2 loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5. Kế hoạch ban đầu là loại máy bay này sẽ được đưa vào sử dụng sau năm 2020, nhưng hiện nay chương trình chế tạo đang phát triển rất chậm, có rất ít thông tin về tiến độ phát triển của dự án. Hơn nữa, nhà thầu liên danh Saab của Thụy Điển chưa có kinh nghiệm chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5, có thể dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy không được phương Tây công nhận nhưng trên thực tế còn phải tính đến loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do Iran nghiên cứu, chế tạo là Qaher-313 (F-313) vì chính xác là Iran đang nỗ lực phát triển loại máy bay này, còn thời điểm thành công và đưa vào biên chế chính thức thì chưa thể xác định được. Theo đó, ngày 2/2/2013, Iran tuyên bố đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất “Kẻ chinh phục-313” (tên gọi: Qaher-313, ký hiệu máy bay là F-313) gây chấn động thế giới. Các quan chức quân sự Iran cho biết, đây là loại máy bay hoàn toàn do các chuyên gia hàng không vũ trụ Iran nghiên cứu chế tạo, hoàn toàn tự chủ về công nghệ. Qaher-313 được xếp vào loại máy bay chiến đấu thế hệ 5, thuộc loại tiêm kích đa năng cỡ nhỏ giống như F-35 của Mỹ. Nó là loại máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi, có khả năng “làm mù” mọi loại radar, đồng thời có khả năng tấn công đối không và đối đất rất mạnh, có thể vừa đối đầu với các máy bay chiến đấu của đối phương, vừa tấn công các mục tiêu mặt đất rất hiệu quả. Ngay lập tức, một số chuyên gia chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, Qaher-313 có thiết kế rất thô, tỷ lệ kết cấu không cân đối, buống lái trông đơn giản như máy bay “đồ chơi” nên hoàn toàn có thể chỉ là một mô hình giả được phóng đại, hơn nữa Iran cũng không hề có kinh nghiệm chế tạo máy bay tàng hình.

Xu hướng nghiên cứu máy bay tiêm kích thế hệ 5

Theo các chuyên gia quân sự, để phát triển, chế tạo và sử dụng vài chục máy bay tiêm kích thế hệ 5, một quốc gia sẽ phải bỏ ra khoảng 100 tỷ USD. Bằng chứng là Mỹ đã chi 70 tỷ USD để phát triển và chế tạo 194 chiếc F-22 và bổ sung hàng tỷ USD để sử dụng chúng từ năm 2005 đến nay. Lầu Năm Góc cũng dự kiến chi không dưới 1.500 tỷ USD để có được 2.300 chiếc F-35 (chưa tính chi phí hoạt động). Chính vì vậy, nhiều quốc gia lựa chọn phương án mua sắm máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ hoặc Nga. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, máy bay F-35A của Mỹ được rất nhiều quốc gia lựa chọn; trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã và đang tiếp nhận hàng chục máy bay F-35A của Mỹ để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình; Singapore cũng bày tỏ ý định mua máy bay F-35A để thay thế cho phi đội máy bay F-16C/D.

Máy bay Su-57 của Nga lại rất được Ấn Độ quan tâm vì hiện tại trang bị chủ yếu của không quân nước này là máy bay tiêm kích Su-30 MKI thế hệ 4+. Vấn đề kỹ thuật, chi phí và thời gian chuyển giao đang được hai bên thảo luận. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn sẵn sàng xem xét quá trình phối hợp phát triển loại máy bay này, nếu bài toán chia sẻ chi phí hợp lý giữa hai quốc gia được chấp thuận. Nga cũng đang có những động thái giới thiệu máy bay Su-57 với khách hàng Trung Quốc.

Trong thời gian tới, máy bay tiêm kích thế hệ 5 sẽ tiếp tục được phát triển với những đặc trưng mới: Sử dụng hệ thống động cơ có thể biến đổi chu kỳ hoạt động, lấy động cơ véc-tơ lực đẩy làm cơ sở, bảo đảm máy bay có tính cơ động cao, mở rộng tốc độ bay từ vận tốc cận âm đến vận tốc vượt âm và siêu thanh; Thân máy bay sử dụng kết cấu và vật liệu mang tính thích ứng, bảo đảm bất cứ trạng thái bay nào cũng có tính năng khí động lực học cao; Trang bị các loại vũ khí mới: la-de, siêu cao tần, không chỉ tấn công, mà còn để tự vệ; Sử dụng thiết bị vô tuyến điện và hệ thống tích hợp ngắm bắn quang – điện, tăng cự ly phát hiện mục tiêu.

Phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 sẽ góp phần tăng cường khả năng chiếm ưu thế trên không, công kích ngày lẫn đêm bằng vũ khí dẫn chính xác, tiêm kích đánh chặn, chế áp phòng không, công kích trên biển, trinh sát, kiểm soát trên không. Theo các chuyên gia quân sự, xu hướng phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 một mặt thể hiện sự tiến bộ của nhân loại trong công nghệ hàng không vũ trụ; mặt khác, cũng làm cho cuộc chạy đua vũ trang, nhất là vũ khí, trang bị công nghệ cao giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh của các khu vực và toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới