Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngHọc giả quốc tế: Diễn biến tình hình Đài Loan đang cực...

Học giả quốc tế: Diễn biến tình hình Đài Loan đang cực kỳ bất ổn

Trong những ngày gần đây, Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan liên tục có các động thái quân sự đáng chú ý trong khu vực quanh Đài Loan. Giới học giả nhận định đây là tín hiệu cho thấy diễn biến tình hình eo biển Đài Loan đang trở nên căng thẳng, dễ xảy ra xung đột quân sự

Các bên liên tục hiện diện quân sự

Theo số liệu thống kê, trong tháng 3, Mỹ đã có tổng cộng 4 lần điều chiến đấu cơ bay qua khu vực gần Đài Loan. Các lần hoạt động này được triển khai với nhiều loại máy bay quân sự khác nhau, từ máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho đến oanh tạc cơ chiến lược B-52, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135… Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã điều động tàu khu trục USS McCampbell (25/3) có mặt tại khu vực gần Đài Loan.

Trung Quốc cũng liên tục đưa máy bay chiến đấu, cảnh báo sớm, máy bay ném bom… hiện diện gần Đài Loan. Theo đó, Trung Quốc (16/3) đã điều các tiêm kích J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 tập trận ở khu vực eo biển Đài Loan. Trong tháng 2, Trung Quốc 3 lần điều động chiến đấu cơ gồm nhiều loại tham gia các cuộc tập trận “sát nách” Đài Loan. Theo Bộ chỉ huy quân sự Trung Quốc, trong cuộc tập trận vừa qua, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã thực hiện các màn nhào lộn chiến thuật ngay sau khi cất cánh. Động thái này không phổ biến trong các cuộc tập trận trước đó và nhằm mô phỏng hoạt động đối phó nhanh chóng với các máy bay địch trong thời chiến. Bên cạnh đó, máy bay đã thực hiện công tác trinh sát, cảnh báo sớm và giám sát, thử nghiệm không kích và một số lượng máy bay chiến đấu không xác định, được chia thành hai nhóm, đã tổ chức một cuộc đối đầu theo kịch bản chiến đấu.

Tín hiệu căng thẳng gia tăng

Trung Quốc cho rằng Đài Loan nằm trong lãnh thổ của mình và sẽ đưa hòn đảo này quay về với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Các chuyên gia cho biết cuộc diễn tập là nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc để giám sát tốt hơn các hoạt động trên biển và trên không.

Theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, Không quân Trung Quốc không chỉ dựa vào máy bay cảnh báo sớm thu tín hiệu từ mặt đất. Chỉ trong hai thập kỷ qua, họ đã bắt đầu có được máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, có thể cho phép không quân mở rộng vùng phủ sóng của radar vượt ra ngoài giới hạn của radar mặt đất.

Tiến sỹ Satoru Nagao của Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) nhận định kể từ khi bà Thái Anh Văn làm lãnh đạo Đài Loan, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép lên Đài Bắc. Trung Quốc đại lục thuyết phục một số đảo quốc ở nam Thái Bình Dương như Solomon, Kiribati, Vanuatu thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan chuyển sang Trung Quốc đại lục. Tháng 11/2019, tàu sân bay Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan như một cách thể hiện sức mạnh quân sự. Những diễn biến này không hề dịu đi ngay cả khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Bắc Kinh đã cản trở Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chỉ đồng ý sau khi có tác động từ Mỹ cùng Nhật Bản. Đến cuối tháng 3, tàu Trung Quốc đại lục đã đâm vào tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Đài Loan. Giữa các diễn biến trên, Mỹ đã tăng cường hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Đài Bắc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan. Nhật Bản cũng đã phối hợp khắng khít hơn với Đài Loan trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc. Trong công tác ứng phó dịch bệnh, Đài Loan điều động máy bay giúp sơ tán công dân Nhật khỏi Peru, còn Nhật thì dùng máy bay sơ tán người dân Đài Loan khỏi Ấn Độ.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada đánh giá quan hệ quanh eo biển Đài Loan đang bước vào giai đoạn cực kỳ bất ổn. Theo ông, thành công của Đài Loan trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh của Trung Quốc đại lục vốn bị thiệt hại rất nặng. Trong bối cảnh như vậy, cùng với việc Mỹ thông qua đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan, Bắc Kinh có thể sẽ chuyển hướng dư luận sang Đài Loan nhằm che mờ đi các vấn đề kinh tế, xã hội nội tại của đại lục. Chính vì thế, Đài Bắc trong giai đoạn hiện nay phải khôn khéo ứng xử để phòng bị việc Bắc Kinh củng cố quyền kiểm soát đối với đảo này.

Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia gần đây đưa ra nhận định, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể tấn công quân sự để thu hồi Đài Loan, cụ thể:

Thứ nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình không còn nhiều thời gian. Từ ngày Tưởng Giới Thạch tiến ra Đài Loan (năm 1949), trải qua 71 năm, nền kinh tế Đài Loan đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “con rồng” châu Á. Người dân Đài Loan đang thay đổi rõ rệt về nhận thức, ý thức tự tôn dân tộc, mong muốn Đài Loan độc lập đang là “xu thế chính”, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ hai, năm 2020 đánh dấu 71 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ; diên biến tình hình dịch bệnh do virus corona khiến Trung Quốc rơi vào suy thoái trầm trọng… những điều này làm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang xuống thấp. Nếu Trung Quốc thu hồi được Đài Loan sẽ là “điểm cộng” rất lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình và tiến trình lịch sử của nước CHND Trung Hoa.

Thứ ba, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ D. Trump đang có nhiều chính sách và hành động “gây bất lợi” cho Trung Quốc, trong đó tăng cường can thiệp vấn đề Đài Loan; tích cực thể hiện quan điểm “bảo vệ đồng minh Đài Loan đến cùng” trên các diễn đàn, cuộc gặp, hội nghị quốc tế lớn. Trung Quốc vì thế thấy cần có hành động kịp thời để sớm ngăn cản nguy cơ này.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực quân sự với Đài Loan sẽ là bước đi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với chính quyền Trung Quốc. Kịch bản này có thể đặt Bắc Kinh vào thế đối đầu với Mỹ. Mặc dù không tuyên bố ủng hộ Đài Loan độc lập, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn mô tả mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này là “mạnh mẽ”. Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc, vì Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. Về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc. Về chính trị, Tổng thống Thái Anh Văn, tuy cương quyết khước từ đề xuất “một quốc gia hai chế độ”, cố gắng “duy trì nguyên trạng” tại eo biển Đài Loan trong khi mục tiêu của Tập Cận Bình là làm “thay đổi nguyên trạng”.

Như vậy, trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc hiện nay có 3 sự lựa chọn: (1) thu phục; (2) để Đài Loan độc lập; (3) giữ nguyên hiện trạng. Dù vậy, trong tình thế hiện tại, giữ nguyên hiện trạng chính là sự lựa chọn khả dĩ nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thời gian tới, tuy khó có thể nổ ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan, song để ngăn chặn Đài Loan độc lập, Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh về chính trị để làm giảm tham vọng đó của bà Thái Anh Văn. Các biện pháp đó có thể là: Về quân sự, tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay sát biên giới để nâng cao uy thế, răn đe Đài Loan; tăng cường trang bị các loại vũ khí hiện đại có sức sát thương cao. Về kinh tế, thực hiện các biện pháp gây khó dễ cho hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục; kiểm soát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nước này…; đồng thời có cơ chế giảm số du khách Trung Quốc đến Đài Loan và ngược lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới