Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLuật pháp quốc tế đương đại: TQ không có chủ quyền đối...

Luật pháp quốc tế đương đại: TQ không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Thậm chí, có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam.

Việc xác định một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ đối với vùng đất, vùng biển nào đó được dựa trên các quy định về thụ đắc lãnh thổ. Theo đó, Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đang trong tình trạng không có chủ quyền. Nguyên tắc chỉ có Nhà nước mới là chủ thể của việc thụ đắc lãnh thổ đã được thừa nhận trong pháp luật quốc tế. Và vai trò của cá nhân chỉ có giá trị trong việc xác lập chủ quyền khi hoạt động nhân danh Nhà nước, được Nhà nước ủy quyền. Cá nhân không có quyền hạn đích thực trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ. 

Bên cạnh đó, phải có những hành động thực thi chủ quyền thực sự. Theo đó, để thiết lập chủ quyền đối với một vùng đất, vùng biển cần thỏa mãn các điều kiện: Sự thiết lập trên vùng lãnh thổ chiếm hữu một quyền lực đủ để đảm bảo trật tự công cộng và tự do buôn bán; Việc công bố chính thức, công khai việc chiếm hữu một vùng lãnh thổ phải được thực hiện một cách cụ thể qua các hoạt động thực thi chủ quyền, không phải chỉ là các hành vi có tính chất tượng trưng. Ngoài ra, tập quán quốc tế cũng công nhận rằng trong trường hợp yêu sách chủ quyền trên các vùng lãnh thổ thưa dân và không có người đến ở, như trong trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự có mặt thường xuyên trên đó không phải lúc nào cũng là cần thiết. 

Một vấn đề quan trọng là đối tượng của việc chiếm hữu thực sự phải trong tình trạng đang không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nước nào. Trong luật quốc tế, tình trạng lãnh thổ bị bỏ rơi là kết quả của hai yếu tố: về mặt vật chất là sự không có mặt của chính quyền thực sự trên lãnh thổ được xét, về mặt tinh thần là sự chủ tâm từ bỏ lãnh thổ đó. Như vậy, muốn kết luận một lãnh thổ bị từ bỏ phải có đủ 2 yếu tố: (1) Nhà nước phải chấm dứt mọi hoạt động thực tế đối với lãnh thổ; (2) Nhà nước không có một biểu hiện nào của ý chí khôi phục lại chủ quyền đối với lãnh thổ đó. Thiếu một trong hai yếu tố này thì chỉ có thể kết luận là đã có “sự yếu đuối của chính quyền Nhà nước đối với vùng đất được nói đến” nó không phải là “một sự từ bỏ tự nguyện chủ quyền”. Không những vậy, việc một Nhà nước thực hiện các hành vi chủ quyền trên các lãnh thổ mới phải bằng các biện pháp hòa bình, công khai và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào khác. Sự phản đối đối với việc các nước thực hiện chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ thể hiện rằng có những sự không đảm bảo các yếu tố theo quy định của pháp luật để xác định chủ quyền một cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ đó. Việc chiếm hữu một cách hòa bình có nghĩa là không được dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để tước đoạt, xâm lấn, chiếm giữ lãnh thổ của nước khác. Một mặt khác thể hiện tính hòa bình của sự chiếm hữu là việc chiếm hữu phải công khai và được dư luận đương thời chấp nhận.

Ngoài ra, yếu tố liên tục của việc chiếm hữu là rất cần thiết. Luật pháp quốc tế đòi hỏi thực hiện các chức năng Nhà nước trên vùng lãnh thổ chiếm hữu phải mang tính liên tục, bởi vì sự gián đoạn việc thực hiện các chức năng Nhà nước trong một khoảng thời gian dài mà không khôi phục lại nó có thể được coi là sự từ bỏ lãnh thổ này. Tuy nhiên, yêu cầu về tính liên tục thường xuyên không có nghĩa phải có tính định kỳ đều đặn mà “khoảng cách giữa những hành động thực hiện chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đã chiếm hữu có thể khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể, kể cả vị trí của vùng lãnh thổ và tình hình dân cư ở đó”. Việc thực hiện chủ quyền một cách thực sự của quốc gia đối với một vùng lãnh thổ cần đảm bảo yếu tố liên tục, không bị gián đoạn. Sự gián đoạn có thể xảy ra việc từ bỏ lãnh thổ dẫn đến những thay đổi quyết định đến việc lãnh thổ đó thuộc chủ quyền của nhà nước nào.

Từ những khía cạnh trên cho thấy, Nhà nước Trung Quốc không hề xác lập cái gọi là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc hiện chỉ là sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép hai quần đảo trên của Việt Nam. Theo đó, những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Thậm chí, có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam. Cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: “Lộ trình phía ngoài được nối với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức phên dậu phòng thủ biên giới phía ngoài của nước An Nam”. Hơn nữa, chính sử nhà Thanh còn ghi rõ cho đến cuối thế kỷ XIX lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết, trong các bản đồ chính thức của triều đình không hề có các địa danh Tây Sa, Nam Sa hay Vạn Lý Trường Sa… Có thể khẳng định rằng nhà Thanh kết thúc từ năm 1911 chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, càng không bao giờ có cái gọi là “vùng biển lịch sử” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông do Trung Quốc tự tuyên bố như là “ao nhà” của họ từ hàng ngàn năm về trước.

 Luật quốc tế cũng cho phép thủ đắc lãnh thổ do chiếm cứ, tuy nhiên phải hội đủ các điều kiện sau đây: chiếm cứ thực sự; chiếm cứ công khai; và chiếm cứ hoà bình. Không thể phủ nhận một sự thật lịch sử là vào năm 1956, Trung Quốc đã bí mật chiếm cứ vũ trang các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm đoạt toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu chiến vũ trang hạng nặng chiếm đoạt một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những vụ chiếm cứ này của Trung Quốc không mang tính hòa bình mà do sử dụng vũ lực mang tính xâm lăng nên không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trên Biển Đông không được coi là hợp pháp nên không bao giờ có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm cứ, quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa công khai, liên tục, lâu dài và hoà bình ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến nay, nên theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, kể cả các đảo đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực và đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

 Khi Thế chiến thứ II còn đang tiếp diễn, năm 1943, đại diện ba cường quốc đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã họp tại Cairo (Ai Cập) ra Tuyên cáo Cairo ngày 27/11/1943. Điều đáng lưu ý là tại Hội nghị Cairo, Trung Hoa Dân Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7/1945, đại diện Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp tại Potsdam (Đức) ra Tuyên ngôn Potsdam ngày 26/7/1945, trong đó có việc ấn định thể thức giải giới quân đội Nhật tại Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc kể cả quần đảo Hoàng Sa; quân đội Anh từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam kể cả quần đảo Trường Sa. Giải giới không có nghĩa là tiếp thu hay chiếm lãnh thổ. Do đó nếu Anh không có chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa, và dĩ nhiên cũng không có chủ quyền ở Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951 Nhật Bản đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm đóng trong chiến tranh. Hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ngày 7/5/1951, tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có sự phản kháng nào của tất cả các quốc gia tham dự hội nghị. Về mặt pháp lý quốc tế, với sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 quốc gia hội viên Liên Hợp Quốc, có nghĩa là kể từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Điều này có giá trị tuyệt đối, kể cả đối với các quốc gia không tham dự Hội nghị. Ba năm sau, Hiệp định Genève 1954 tiếp tục khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Hiệp định Genève 1954 cũng khẳng định: “Các quốc gia tham dự Hội nghị Genève (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

 Căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thức có giá trị pháp lý quốc tế, Trung Quốc đã ý thức được sự yếu kém của họ về cả 3 mặt pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó, họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đảo khác trên Biển Đông. Họ thường né tránh và luôn tuyên bố đó là một vấn đề “không thể chối cãi” hay “không thể tranh luận”. Lý do rất đơn giản vì họ không có đủ tài liệu hay lý lẽ để có thể đưa ra tranh nghị một cách công khai trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế cũng như của các tổ chức đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế để có thể chứng minh chủ quyền hợp pháp của họ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, ngày nay tất cả các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực đều bị coi là bất hợp pháp nên không có giá trị pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực và đang chiếm giữ bất hợp pháp trên Biển Đông, cũng như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không bao giờ thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Không những vậy, sự công nhận quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những tranh chấp lãnh thổ. Cho đến nay, việc Trung Quốc viện dẫn một số Hiệp ước, Tuyên bố để xác lập cái gọi là “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa là không phù hợp. 

Thứ nhất, đối với Hiệp ước Pháp – Thanh 1887. Hiệp ước này không có ý nghĩa trong vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là một điều ước quốc tế nên cần được hiểu theo đúng tinh thần của một điều ước quốc tế. Căn cứ theo Điều 31 Công ước Vienne về Luật Điều ước quốc tế 1969 thì một điều ước cần được hiểu đúng với nghĩa gốc được thể hiện bằng từ ngữ trong văn bản trong hoàn cảnh của nó và dưới ánh sáng của đối tượng và mục tiêu của hiệp ước. Đồng thời Điều 32 Công ước này cho phép viện dẫn đến các công việc trù bị và các hoàn cảnh ký kết hiệp ước trong trường hợp khi áp dụng các nguyên tắc giải thích ở Điều 31 mà lại: (a) đem đến ý nghĩa không nhất quán, không chắc chắn hay (b) dẫn đến những kết quả vô lý. Từ đó, đối tượng và mục tiêu của Hiệp ước Pháp – Thanh 1887 chỉ là hoạch định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc và được thể hiện ngay ở tên của Hiệp ước: “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”. “Tonkin” trong tiếng Pháp có nghĩa là miền Bắc Việt Nam. Như vậy, giá trị hiệu lực về không gian của văn bản này là vùng Bắc Bộ của Việt Nam chứ không bao trùm quần đảo Hoàng Sa.

Thứ hai, đối với sự công nhận của Pháp: Trung Quốc đã thực sự không trình ra được chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại trên thực tế của các lời nói từ người đứng đầu Nhà nước Pháp và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Aristide Briand như đã trích dẫn trong Công hàm A/68/956. Trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, thái độ của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa có sự khác biệt rõ rệt trong khoảng thời gian trước và sau những năm 1930. Sự lơ là đối với việc thực thi chủ quyền được giải thích là vì Pháp chưa chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Thái độ đó đã được thay thế bằng thái độ tích cực đưa quân quản lý, khai thác và xây dựng quần đảo kể từ thời điểm Toàn quyền Đông Dương Pasquier gửi một bức công điện cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa để khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ để xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục “thực hiện cái quyền đã tồn tại trước đó”. Từ đó cho thấy rằng, Pháp tuy có thái độ lơ là trong việc thực thi chủ quyền nhưng cũng chưa hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc như nước này đã lập luận và khi đã chắc chắn được chủ quyền của quốc gia mình đang bảo hộ thì Pháp đã có những động thái rất tích cực trong việc thay thế cho triều đình An Nam tiếp tục hành xử chủ quyền.

Thứ ba, đối với sự công nhận của Nhật Bản: Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam và Văn bản đầu hàng của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II không hề trao cho Trung Quốc chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này được thể hiện rất minh bạch trong từ ngữ của những văn bản trên.Tuyên bố Cairo ghi nhận rằng: “Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã xâm chiếm kể từ đầu Thế chiến thứ I năm 1914; bao gồm các lãnh thổ mà Nhật Bản đã xâm lược của Trung Quốc, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trao trả lại cho Trung Quốc. Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các lãnh thổ khác đã chiếm được nhờ vũ lực và lòng tham.

Tuyên bố Postdam là một sự tái khẳng định lại nội dung của Tuyên bố Cairo: “Nội dung của Tuyên bố Cairo sẽ được thực thi và chủ quyền của Nhật Bản sẽ được giới hạn lại trong các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và những đảo nhỏ như đã xác định”. Và văn bản đầu hàng của Nhật Bản lại là sự cam kết thực hiện các yêu cầu của Tuyên bố Postdam: “Chúng tôi, sau đây, cam kết với Nhật hoàng, với Chính phủ Nhật Bản và với bên thắng cuộc sẽ thực hiện các yêu cầu của Tuyên bố Postdam với thiện chí”.

Như vậy, cả 3 văn bản trên không hề có nội dung nào là trao cho Trung Quốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, trong Tuyên bố Cairo, khi ngắt rời hai cụm “lãnh thổ mà Nhật Bản đã xâm lược của Trung Quốc” và “lãnh thổ khác đã bị xâm chiếm bằng vũ lực và lòng tham”, Tuyên bố này đã ngầm thừa nhận các “lãnh thổ khác” (có cả quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà Nhật Bản chiếm đóng đã được liệt kê rất rõ là chỉ bao gồm: Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ. Việc không đề cập đến yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng trong tuyên bố Cairo, nhất là khi Trung Quốc là một bên tham gia Tuyên bố, khi đó Thống chế Tưởng Giới Thạch đã đích thân có mặt tại các cuộc hội đàm kéo dài nhiều ngày ở Cairo. Việc không nói tới các quần đảo trong phần này của Tuyên cáo Cairo năm 1943 không thể hiện kết quả của một sự tình cờ, không có một bảo lưu cũng như một tuyên bố riêng rẽ nào của Trung Quốc về vấn đề các lãnh thổ này. Như vậy, có thể kết luận là lập luận về việc Nhật Bản “trao trả” lại chủ quyền đối với Hoàng Sa cho Trung Quốc là không có căn cứ.

Trong khi đó, Việt Nam đã tuân thủ những nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong việc khẳng định và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào các nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne năm 1888 cùng với các nguyên tắc trong Nghị quyết 2625 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đối chiếu với trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể về sự quản lý, chỉ đạo của các Nhà nước Việt Nam đương thời một cách nhất quán, liên tục, hòa bình phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến mà các thành viên ký kết (trong đó có cả những nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đều phải tôn trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới