Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCộng đồng quốc tế đang tăng cường những nỗ lực trong đối...

Cộng đồng quốc tế đang tăng cường những nỗ lực trong đối phó, ngăn chặn đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nặng nề hiện nay, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa trong hợp tác, phối hợp để đối phó với bệnh dịch này.

Hội nghị ASEAN-Mỹ thúc đẩy chia sẻ, hợp tác ứng phó dịch Covid-19

Ngày 1/4, Hội nghị liên ngành các quan chức cao cấp ASEAN-Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như các thách thức y tế công cộng đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell đồng chủ trì.

Đại diện các cơ quan liên quan của ASEAN trong Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) và đại diện liên ngành của Mỹ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tham dự. Tại Hội nghị, các nước ASEAN và Mỹ đã chia sẻ thông tin cập nhật tình hình cũng như các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ, phối hợp ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người dân.

Hai bên thống nhất sẽ tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi nghiên cứu khoa học trong kiểm soát, ngăn chặn lây nhiễm và điều trị các ca bệnh, tiếp tục duy trì trao đổi và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của cả hai bên ở cả cấp cao và cấp làm việc trong thời gian tới. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong ứng phó với dịch Covid-19. ASEAN hoan nghênh Mỹ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN trong ứng phó dịch bệnh, trong đó có việc Mỹ trợ giúp gần 19 triệu USD cho các nước ASEAN và dự kiến hỗ trợ thành lập trung tâm kiểm soát dịch bệnh khu vực ASEAN. Các nước ASEAN đề nghị Mỹ phối hợp trong đào tạo nhân lực cán bộ y tế cho ASEAN, dành thêm các suất học bổng cho sinh viên ASEAN theo học ngành y tế công cộng tại Mỹ.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân của nhau bị tác động bởi dịch bệnh. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cám ơn các nước ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Mỹ được trở về từ các vùng dịch, khẳng định sẽ trợ giúp công dân các nước ASEAN đang sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ. ASEAN và Mỹ khẳng định sẽ tích cực phối hợp thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh, duy trì thị trường mở, ổn định trao đổi thương mại, dịch vụ và đầu tư, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các vật tư y tế. Trên cương vị đồng chủ trì Hội nghị và đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh các nỗ lực ứng phó chủ động, kịp thời của ASEAN khi dịch bệnh khởi phát đã đạt những kết quả ban đầu. Cập nhật về tình hình và chính sách ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định với các biện pháp quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt. Tại Hội nghị, đại diện Việt Nam đề xuất các định hướng hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh cũng như ứng phó với các tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phát huy công tác điều phối các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu này

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết theo thủ tục đặc biệt thời dịch Covid-19

Ngày 30/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có 4 nghị quyết đã được thông qua trong lần bỏ phiếu đầu tiên này. Đó là Nghị quyết 2515 gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia (PoE) của Ủy ban 1718 liên quan CHDCND Triều Tiên; Nghị quyết 2516 gia hạn Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOM); Nghị quyết 2517 gia hạn mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp LHQ-Liên minh châu Phi tại Sudan (UNAMID) và Nghị quyết 2518 về an toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hoà bình (GGHB). Cả 4 nghị quyết được thông qua với 15 phiếu thuận. Nghị quyết 2515 quyết định gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia của Ủy ban 1718 liên quan CHDCND Triều Tiên thêm 1 năm, đến ngày 30/4/2021. Nghị quyết cũng yêu cầu Nhóm chuyên gia có các báo cáo giữa kỳ trước ngày 3/8/2021 và cuối kỳ trước 5/2/2021 về tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐBA liên quan Triều Tiên. Nghị quyết 2516 quyết định gia hạn hoạt động của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Somalia đến ngày 30/6/2020. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Phái bộ trong hỗ trợ Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên thông qua tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực và phối hợp hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hỗ trợ nhiệm vụ cho Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), Văn phòng Hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOS) và Nhóm công tác của LHQ tại Somalia. Nghị quyết 2517 quyết định giữ nguyên mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp LHQ-Liên minh châu Phi tại Sudan, cũng như các vị trí đóng quân của Phái bộ đến ngày 31/5/2020. HĐBA sẽ xem xét quyết định việc giảm bớt và tiến tới chấm dứt Phái bộ, đồng thời sẽ xem xét việc thông qua một nghị quyết thiết lập một cơ chế mới tiếp nối Phái bộ. Nghị quyết 2518 nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động GGHB đối với sứ mệnh chung về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; vai trò của lực lượng GGHB; những nguy hiểm mà lực lượng GGHB phải đối mặt; và các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng GGHB.

ASEAN họp trực tuyến bàn về biện pháp phòng, chống Covid-19

Ngày 31/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã chủ trì hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Nhóm công tác được thành lập theo đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, nhằm thúc đẩy phối hợp đồng bộ, liên ngành của cả Cộng đồng ASEAN ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hội nghị có sự tham dự của các quan chức cao cấp ASEAN của 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-Xã hội; các kênh hợp tác chuyên ngành quốc phòng, y tế, lao động, quản lý xuất nhập cảnh, thông tin, giao thông, nông nghiệp…Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) và Ban Thư ký ASEAN.

Hội nghị đã trao đổi sâu rộng về tình hình dịch bệnh ở các nước thành viên ASEAN, các biện pháp được các quốc gia thực hiện, cũng như của các cơ quan chuyên ngành và cả ASEAN kể từ khi bùng phát dịch bệnh tới nay. Các quan chức cao cấp các trụ cột Cộng đồng ASEAN nhất trí khuyến nghị lên ACC các đề xuất hợp tác và phối hợp cụ thể, thiết thực để huy động sức mạnh tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát, ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế, xã hội các nước thành viên. Các nước ASEAN nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ASEAN, cũng như với các đối tác trong phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và điều trị các ca bệnh; hợp tác đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch; duy trì nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân và trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ và bảo vệ kịp thời cho công dân các nước thành viên ASEAN ở các vùng dịch bệnh; ngăn ngừa và chặn đứng thông tin giả mạo, sai lệch…

ASEAN cũng sẽ tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp và chính sách đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng yếm thế trong xã hội; cam kết duy trì mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, thương mại và đầu tư ổn định, đảm bảo an sinh xã hội… Hội nghị đã thống nhất đệ trình các khuyến nghị về phương hướng hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên ACC để xin ý kiến chỉ đạo của các bộ trưởng trước khi báo cáo lên lãnh đạo cấp cao ASEAN. Các nước cũng cơ bản nhất trí sẽ tổ chức trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN về phòng chống Covid-19 trong tháng 4/2020.

Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19

Ngày 20/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19. Tham dự Hội nghị, về phía ASEAN, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vai trò Chủ tịch ASEAN; Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-EU cùng các đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế các nước thành viên ASEAN; về phía EU có Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại An ninh và Cao ủy EU về Quản lý Khủng hoảng. Cuộc họp nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN-EU, hai tổ chức khu vực hàng đầu, trong việc phối hợp ứng phó với dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới. Hai bên đã chia sẻ thông tin về tình hình và các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn ngừa dịch Covid-19.

Các nước ASEAN và EU bày tỏ cảm thông và khẳng định sẽ đoàn kết, tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong phòng ngừa dịch bệnh. Hai bên nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp chính sách, nhất là trong chẩn đoán, ngăn ngừa lây lan và điều trị các ca lây nhiễm, nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine. ASEAN và EU khẳng định đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế… Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong việc phòng chống dịch Covid-19, đề nghị các nước ASEAN tạo điều kiện hồi hương cho công dân các nước EU đang du lịch tại khu vực Đông Nam Á. Các nước ASEAN mong muốn EU hỗ trợ bảo đảm y tế, điều trị cho công dân của ASEAN đang sinh sống, làm việc và học tập tại châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore nhấn mạnh tính cấp thiết phải triển khai các biện pháp quyết liệt để củng cố năng lực của hệ thống y tế công cộng của các quốc gia, giảm tải cho các trung tâm điều trị tích cực vì nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến quá tải và tê liệt toàn bộ hệ thống. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo về nỗ lực ứng phó chủ động, kịp thời của ASEAN khi dịch bệnh bùng phát theo tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020. Các nước ASEAN đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp nhau về kỹ thuật, khởi động các cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới