Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam: Hành động bất lương...

Đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam: Hành động bất lương của TQ để trả đũa Công hàm phản đối tại Liên hợp quốc

Sau khi Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (30/3) đã có Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc để phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã cay cú, đưa lực lượng chấp pháp ra tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Hành động phách lối, ngang ngược của Trung Quốc đáng bị lên án.

Công hàm cứng rắn của Việt Nam

Ngày 30/3, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Nội dung Công hàm liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 nhằm phản hồi đệ trình ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Trong đó nhấn mạnh:

Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước)là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3)của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc.

Trung Quốc làm càn

Theo một số thông tin, 3 tàu của Trung Quốc mang các số hiệu 4001, 3001, 4301 cùng vây ráp, tấn công trái phép và đâm chìm tàu cá QNg 90617 của ngư dân Trần Hồng Thọ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) sáng sớm khoảng 3h ngày 2/4/2020 tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), khiến 8 ngư dân bị hất văng xuống biển.

Khi nhận được tin, ba tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi là QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, cùng tàu cá QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ và tàu cá QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ (cả ba đều ở xã Bình Châu) chạy đến tìm kiếm cứu nạn. Cuối cùng 8 ngư dân gặp nạn cũng được các tàu bạn vớt lên. Đến 6h sáng 2/4, Trung Quốc điều thêm 2 tàu số hiệu 4001 và 4002 đến để ngăn cản xua đuổi, vây bắt giữ tàu cá của ngư dân Nguyễn Thành Linh và Đặng Dũng đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu. Đồng thời, tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước truy đuổi tàu cá của ngư dân Đặng Tằm đến 12h trưa 2/4 làm mất mát, hư hỏng nhiều tài sản trên tàu buộc phải quay về bờ.

Đến 18h cùng ngày phía Trung Quốc mới trao trả 8 ngư dân trên tàu cá QNg 90617 bị đâm chìm cho hai tàu cá QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ và tàu cá QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ (mỗi tàu 4 người) và truy đuổi hai tàu cá trên nhiều giờ trong đêm 2/4, buộc họ phải rời khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam

Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

Các bằng chứng lịch sử rất phong phú mà Việt Nam đã thu thập được, mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1)  Các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. (2) Nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục (1844 – 1848), Đại Nam nhất thống chí (1865 – 1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802 – 1945)… đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. (3) Nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, Bãi Cát Vàng… Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được Nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558 – 1783) cho đến nhà Tây Sơn (1786 – 1802) và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia. (4) Năm 1815 vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa khảo sát và đo đạc đường biển. Việc khảo sát và đo đạc đó được tiếp tục trong các năm sau. (5) Sau khi chỉ thị chuẩn bị thuyền và vật tư năm 1833, vua Minh Mạng, liên tiếp trong 3 năm 1834, 1835, 1836 cử các tướng Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa đo đạc từng đảo, khảo sát tình hình biển chung quanh, vẽ bản đồ và xây miếu, dựng bia chủ quyền. Vua Thiệu Trị đã trực tiếp phê duyệt kế hoạch hoạt động năm của đội Hoàng Sa do Bộ Công đệ trình. Vua Tự Đức đã phong cho những chiến sĩ đội Hoàng Sa hy sinh danh hiệu “Hùng binh Trường Sa”.

Không những vậy, nhiều tư liệu lịch sử do người phương Tây ghi chép cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cụ thể: (1) Ông Jean-Louis Tabert, một linh mục người Pháp đã có chép tỉ mỉ về việc vua Gia Long chiếm hữu quần đảo Paracels (Bãi Cát Vàng) như sau: “Paracel hoặc Paracels (Bãi Cát Vàng), mặc dù quần đảo này không có giá trị gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều tiện lợi hơn, vua Gia Long đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của Ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, Ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với Ngài cả”. (2) Ông J. B. Chaigneau, cố vấn của nhà vua An Nam, đã viết trong Hồi ký về nước Cochinchine như sau: “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Tonkin… một vài đảo có dân cư không xa biển và quần đảo Paracels do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành. Chỉ tới năm 1816, hoàng đế mới chiếm hữu quần đảo này”. (3) Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceyland” có viết:“Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát Vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Nam Kỳ (Cocochine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì Ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi Ngài long trọng kéo cờ của Nam Kỳ (Cocochine) lên đó”. (4) Luật sư Monique Gendreau-Chemilier, một học giả người Pháp, đã dành nhiều thời gian và nỗ lực trong nghiên cứu về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã nhận định: “Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì là Trung Quốc đã từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các vua chúa Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách hành chính hơn”. 

Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật… Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp cho quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26/7/1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa, đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến. 

Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào. 

Năm 1950, Pháp chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), cho xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức khí tượng thế giới OMM), cho một số nhà kinh doanh ra khai thác phân chim ở Hoàng Sa và cử các đoàn khảo sát khoa học ra hai quần đảo nghiên cứu.

Lợi dụng thời điểm“tranh tối, tranh sáng” của việc chuyển giao giữa chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau cuộc bầu cử chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1956, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến tháng 01/1974, lợi dụng thời điểm nhân dân Việt Nam đang dốc sức người, sức của cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, Trung Quốc lại huy động quân đội xâm chiếm nốt nhóm đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa quản lý trước đây trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước về thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như không ngừng hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến tận năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện hợp pháp nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Đến ngày 14/3/1988, Trung Quốc mới bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những vụ xâm chiếm này rõ ràng không những đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chiếm hữu thực sự và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, như: Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nguyên tắc các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau,… Những nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và trong hàng loạt điều ước quốc tế đa phương và song phương, khu vực và toàn cầu.

Dựa trên các quy định của luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng (từ năm 1997) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh nay thuộc Khánh Hòa (từ năm 1989).

Nhìn chung, việc Trung Quốc đưa lực lượng chấp pháp ra đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa không chỉ là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, mà còn đe dọa an toàn, tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam. Trước những hành động trên của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu Trung Quốc điều tra, xét xử nghiêm minh và đền bù thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc một lần nữa lại khiến cộng đồng quốc tế nhìn rõ bộ mặt thật và bản chất nham hiểm của Trung Quốc – nước luôn mở mồm tuyên truyền về phát triển hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới