Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia: Sự cần thiết của việc quản lý, phát triển...

Giới chuyên gia: Sự cần thiết của việc quản lý, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường biển

Biển Đông là khu vực có vai trò quan trọng đối với môi trường sống tự nhiên, xã hội và các hoạt động kinh tế và an ninh, an toàn hàng hải chung của các nước. Vì vậy, việc các nước quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ môi trường biển sẽ góp phần vào việc duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, trong đó Việt Nam là ví dụ điển hình làm tốt điều này.

Trong suốt những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong triển khai các hoạt động kinh tế biển, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Nhờ đó, kinh tế biển của Việt Nam đã có những phát triển tích cực, đời sống của người dân được nâng cao, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển.

Kinh tế biển và ven biển đã đóng góp đáng kể vào GDP, thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển tăng lên. Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục tăng. Hệ thống cảng biển ngày càng phát triển, mở rộng cả về quy mô, số lượng và mật độ tại các vùng miền trong cả nước, từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa, chuyên dụng hóa, trong đó nhiều cảng, bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Các cảng hàng không, sân bay ven biển được đầu tư hiện đại và hiện đang được khai thác hiệu quả. Năng lực đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới; sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm. Hiện nay, Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn. Các khu kinh tế ven biển có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ven biển.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản và số lượng cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam hiện nay được xếp vào loại khá trên thế giới, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ. Với chủ trương chống khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã và đang tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá, tăng cường triển khai thực hiện pháp luật, sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Các biện pháp của Việt Nam về chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực và Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng, chống khai thác IUU quyết liệt để xây dựng nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm, với mục tiêu cân bằng giữa phòng chống khai thác IUU và việc an sinh xã hội, sinh kế, an toàn của ngư dân.

Việt Nam cũng chú trọng phát triển khoa học, công nghệ biển. Nhiều chương trình khoa học, công nghệ biển đã và đang được triển khai và thu được những kết quả tích cực. Các chương trình khoa học, công nghệ biển đã cung cấp được những cơ sở khoa học cho phát triển bền vững và quản lý tổng hợp vùng đới bờ, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản, ứng dụng năng lượng thủy triều vào mục đích sản xuất điện, dự báo sớm thời tiết khắc nghiệt như bão, mưa lớn, sóng thần; nâng cao khả năng và cải thiện đáng kể độ chính xác của các dự báo làm cơ sở cảnh báo, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động trên biển và khu vực ven bờ.

Về nghiên cứu khoa học biển, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam phù hợp với Luật Biển Việt Nam và UNCLOS. Trên cơ sở các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, cho đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho nhiều đoàn nghiên cứu khoa học biển trong các vùng biển Việt Nam.

Việt Nam cũng hết sức coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế đất nước. Để thực hiện những mục tiêu này, một loạt các biện pháp đã được triển khai như ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Về nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 ngay trước thềm Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương trong khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương” như nêu tại Chiến lược phát triển về vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã và đang triển khai một loạt các biện pháp trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải đại dương; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp xử lý vấn đề này.

RELATED ARTICLES

Tin mới