Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác quốc tế về biển, góp phần thúc đẩy việc thực...

Hợp tác quốc tế về biển, góp phần thúc đẩy việc thực thi UNCLOS và đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Có thể khẳng định, việc tăng cường hợp tác quốc tế về biển nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông là hết sức phù hợp và cần thiết trong bối cảnh khu vực hiện nay.

Việt Nam luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới, theo đó không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong đó đã thiết lập 03 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 13 quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện. Trong đó, đáng chú ý là quan hệ đối tác với nhiều nước bao gồm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến biển, tạo cơ sở tốt cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường biển.

Hình thức hợp tác quốc tế về biển đa dạng, thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về biển (28 điều ước quốc tế song phương và 29 điều ước quốc tế đa phương), trong đó gồm các điều ước quốc tế đa phương như Công ước của Tổ chức vệ tinh hàng hải ngày 03/9/1976, Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế ngày 09/4/1965, Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển ngày 05/4/1966, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra ngày 02/11/1973 và Nghị định thư bổ sung ngày 17/02/1978, Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải ngày 27/4/1979, Công ước về ngăn chặn các hành vi trái pháp luật chống lại an toàn hành trình hàng hải ngày 10/3/1988 và Nghị định thư về ngăn chặn các hành vi trái pháp luật chống lại an toàn của những giàn khoan cố định ở thềm lục địa ngày 10/3/1988…; các điều ước quốc tế khu vực gồm Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa quá cảnh ngày 16/12/1998, Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á ngày 04/5/2006, Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Trung Quốc về cơ chế tham vấn hàng hải ngày 12/11/2010, Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện cho vận tải liên quốc gia 26/3/2012, Thỏa thuận cơ chế hợp tác ASEAN về phòng ngừa và xử lý sự cố tràn dầu ngày 28/11/2014; các điều ước quốc tế song phương như Thỏa thuận với Phi-líp-pin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu ngày 26/10/2010, Thỏa thuận hợp tác biển và nghề cá với Myanmar năm 2010, Hiệp định với Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác nghề cá ký ngày 16/6/1994… Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển như Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm tranh thủ kinh nghiệm, khoa học – công nghệ và nguồn viện trợ của các nước để xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và hải đảo như trắc địa và bản đồ biển, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, quản lý bền vững vùng biển và vùng bờ tại Việt Nam…

Việt Nam chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế liên quan đến biển như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC), Ủy ban Nghề cá Tây Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Nhóm Công tác về Đại dương và Nghề cá (OWFG) Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu/Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD). Trong ASEAN, Việt Nam tham gia Diễn đàn Biển ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, Nhóm Công tác Nghề cá ASEAN, Tiểu ban Khoa học và công nghệ biển thuộc Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (ASEAN – COST)…

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực… Nổi bật nhất, tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia và thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong đó có Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến về thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đối khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Nội dung hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và phong phú, trải rộng từ khai thác tài nguyên biển và kinh tế biển như dầu khí, thủy sản, du lịch biển, đảo, vận tải biển, khai thác cảng biển đến bảo tồn tài nguyên, môi trường biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, phát triển khoa học – công nghệ biển, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác đầu tư về cơ sở hạ tầng, các công trình phòng chống thiên tai cho các xã vùng ven biển, tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Cụ thể, về lĩnh vực thủy sản, Việt Nam tích cực hợp tác với các nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là về chống khai thác IUU. Việt Nam đã ký kết 04 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề cá và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia, Ai Cập, Liên bang Nga… Nhằm kịp thời thông báo các thông tin về hoạt động của tàu cá và ngư dân trên biển, các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong các hoạt động nghề cá cũng đã được ký kết trong đó gồm thỏa thuận ký với Australia về chống IUU, khai thông đường dây nóng Việt Nam – Philippines vào năm 2015, thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc năm 2013 về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển…

Ngoài ra, các địa phương của Việt Nam cũng đã hợp tác, triển khai dự án với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao khả năng, chất lượng khai thác, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản, chống IUU như 03 Dự án do FAO tài trợ gồm Dự án Sáng kiến khu vực – Tăng trưởng xanh dương – Áp dụng thí điểm công cụ quy hoạch và quản lý nuôi trồng thủy sản cho tăng trưởng bền vững tại một số nước Đông Nam Á, Dự án Thúc đẩy và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa và thực hành nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu cho mục đích tăng trưởng xanh tại khu vực châu Á, Dự án Hỗ trợ các nước giải quyết vấn đề khai thác IUU; Dự án tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ; Chương trình hợp tác nâng cao bảo quản sau thu hoạch trên tàu nghề lưới vây cá ngừ do Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) tài trợ; Dự án cải thiện nghề câu vàng cá ngừ và nghề khai thác ghẹ xanh ở Việt Nam tại vùng biển Bình Định do Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WWF) tài trợ, tổ chức truyền thông cộng đồng ngư dân vùng biển về chống khai thác IUU (do Australia tài trợ)…

Về phát triển khoa học, công nghệ biển, các dự án tập trung vào việc nghiên cứu các công nghệ ứng phó, xử lý với sự cố tràn dầu, dầu loang trên biển, công nghệ vận tải bằng tàu biển sinh vật độc hại, xây dựng khả năng phục hồi của hệ sinh thái ven biển, phát triển khoa học, công nghệ mới nhằm chống xói lở bờ biển, công nghệ năng lượng tái tạo tại các khu vực biển, chuyển giao khoa học, công nghệ; tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế trao đổi chuyên môn về khoa học, công nghệ biển và hàng hải; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia các dự án liên quan, nâng cao nhận thức cho người dân ở các vùng miền nơi dự án được triển khai.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam với Hải quan Brunei, Campuchia, Thái Lan… Việt Nam đã phối hợp cứu vớt ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, phối hợp với Indonesia bắt giữ tàu cướp biển… Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này tạo điều kiện thuận lợi tiến hành các hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển, phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, không để xảy ra xung đột trên biển…

Nhìn chung, có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế về biển đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ta với các nước để từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển; tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; biểu thị rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của UNCLOS. Có thể khẳng định, UNCLOS đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, kể cả những tranh chấp về biển. Là một quốc gia gắn liền với biển, là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS; đồng thời kiên trì, kiên quyết yêu cầu và kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS, qua đó đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới