Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số dự báo về xu hướng chính sách đối ngoại của...

Một số dự báo về xu hướng chính sách đối ngoại của Nga sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua

Quốc hội Nga hiện đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới, theo đó điểm nổi bật là việc hủy bỏ giới hạn không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp của tổng thống Nga. Theo kế hoạch, Nga sẽ lấy ý kiến toàn dân về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, nếu quá bán sẽ chính thức được thông qua và trở thành Hiến pháp mới của Nga, song đã bị hoãn lại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự kiện này được đánh giá sẽ tác động nhất định đến chính sách đối ngoại của Nga.

Thứ nhất, chính sách của Nga về vấn đề biên giới phía Tây sẽ là phòng thủ, mà không phải là tấn công. Trái ngược với sự lo sợ và ám ảnh của Đông Âu, sẽ không có động thái quân sự nào chống lại các thành viên mới của NATO. Các sự cố trên không, trên biển và trên không gian mạng sẽ lại xảy ra. Nhưng mối đe dọa ở đây là sự leo thang từ các va chạm ngẫu nhiên, mà không phải là các hành động được dự tính từ trước. Việc tăng chi tiêu quốc phòng lấy lí do từ “sự xâm lược của Nga” chắc chắn sẽ làm hài lòng các nhà lãnh đạo NATO, nhưng làm như vậy khiến cơ hội giải quyết bất cứ vấn đề thực sự nào cũng gần như là số 0. Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang mang tính cục bộ từ cả 2 bên và các điểm nóng thi thoảng bùng phát trong khu vực vùng Biển Baltic-Biển Đen. Hoạt động quân sự ở cả hai phía biên giới sẽ được xem như là một sự khiêu khích và là một phần của hình thái chiến tranh lai (hybrid war). Về khía cạnh này, cả 2 bên sẽ hành xử tương tự nhau.

Thứ hai, bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây để thâm nhập vào không gian hậu Xô Viết về mặt quân sự hay kinh tế đều được người Nga coi là thù địch và không phù hợp. Sự thâm nhập đó đã từng được làm cho nhẹ đi thông qua hợp tác, nhưng hiện tại nó đang được dứt khoát coi là trò chơi có tổng bằng không. Không gian hậu Xô Viết được xem như là một đấu trường địa chính trị, chứ không phải sự hợp tác. Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi bản chất yếu kém của nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Kể cả khi không có sự can thiệp đáng chú ý từ bên ngoài, họ vẫn có thể rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng như vậy có thể kích động sự đối đầu hơn nữa giữa Nga và phương Tây, khi cả 2 phía đều sẽ lợi dụng hậu quả của nó. Nga và phương Tây đều bị chi phối bởi sự mong manh của không gian hậu Xô Viết. Nga sẽ nỗ lực tự mình giải quyết vấn đề bằng cách tăng cường liên minh với các quốc gia ổn định hơn trong khu vực và can dự vào các nước yếu hơn. Nghịch lý là phương Tây cũng có thể hưởng lợi từ sự thành công của những liên minh này. Các thành viên khác (đặc biệt là Kazakhstan và Belarus) chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên minh đó. Việc này sẽ giúp họ “bình đẳng hóa” vị trí của mình trong các vấn đề quốc tế và tạo ra cấu trúc mới của các mối quan hệ dựa vững chắc vào quan hệ đối tác.

Thứ ba, ý tưởng chủ đạo của chính sách đối ngoại Nga sẽ là để kiểm soát sự lây lan của tình trạng vô chính phủ, ngăn chặn sự sụp đổ của các quốc gia, và bảo toàn sự kiểm soát của chính phủ. Ý tưởng này sẽ đi ngược lại lý thuyết cho rằng dân chủ hóa là yếu tố bảo đảm cho sự phát triển ổn định. Nga sẽ xây dựng đồng minh tạm thời hoặc thậm chí là chiến lược với các nước khác trong khu vực và thế giới xoay quanh ý tưởng này, điều có thể mang lại lợi ích cho dân chúng trong nước. Nga có thể đảm nhận vai trò người dẫn dắt chính trị bảo thủ thế giới, theo đuổi các thay đổi thận trọng và thực dụng tùy theo đặc điểm cụ thể của từng nước. Khái niệm dân chủ trong bối cảnh này có thể được biến đổi để có lợi cho Nga thông qua dân chủ hóa nội bộ dần dần (thay vì duy ý chí và can thiệp từ bên ngoài) và có xem xét đến các yếu tố địa phương. Nga có thể sẽ chọn Trung Quốc làm đối tác trong việc phát triển lý thuyết này.

Thứ tư, Nga đang trở thành tác nhân chính trị – quân sự tích cực hơn bên ngoài lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, hành động này sẽ mang tính chọn lọc và có mục tiêu cụ thể do nguồn lực hạn chế. Ngoài Syria, một điểm khả thi trong sự can thiệp của Nga có thể là việc thi hành các nghĩa vụ Hiệp ước ở Trung Á, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một mối đe dọa khủng bố bởi các nhóm vũ trang có căn cứ ngoài Afghanistan. Sự can thiệp như vậy sẽ được tiến hành bởi những đơn vị cơ động cao với sự hỗ trợ của không quân.

Thứ năm, Nga sẽ thực hiện các biện pháp để phát triển các tổ chức khu vực và quốc tế như là BRICS (khối bao gồm các nền kinh tế mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO). Nhưng chức năng và tác dụng của những tổ chức này vẫn còn là câu hỏi mở. Nga sẽ phải tìm các cơ chế tương tác tối ưu với các nước phi phương Tây chủ chốt, mặc dù không ai có ý định cắt đứt quan hệ với phương Tây và thiết lập một liên minh công khai chống phương Tây. Bản thân nước Nga sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế với phương Tây với nhận thức rằng giới kinh doanh cả 2 bên đều đã tính đến rủi ro khủng hoảng chính trị trong các dự án và kế hoạch của mình. Nga sẽ không đứng ngoài nền kinh tế thế giới và trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Vị trí kinh tế tương đối yếu kém của nước này sẽ được bù đắp bởi sức mạnh chính trị. Trong bối cảnh này, các nỗ lực để tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và vị trí của Nga trong tổ chức trên sẽ là một đặc tính khác trong chính sách của Nga.

Thứ sáu, các thể chế an ninh châu Âu và các hiệp ước chủ chốt với Nga sẽ bị xói mòn, nhưng Nga hầu như không muốn phá bỏ chúng hoàn toàn. Nga muốn duy trì đối thoại với Mỹ trên phương điện bình ổn chiến lược. Nhưng việc đối thoại này có khả năng sẽ song hành với việc phát triển các vũ khí chiến lược của cả hai bên. Khủng hoảng Ucraina đã tạo ra một tiền lệ rất xấu cho việc chính trị hóa đối thoại trong khuôn khổ các Hiệp ước căn bản như INF (Hiệp ước Xô-Mỹ về huỷ bỏ tên lửa tầm trung) và START (Hiệp ước Xô-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược). Tiền lệ này sẽ gây hậu quả tiêu cực lên các cuộc đối thoại trong tương lai.

Cuối cùng, nền kinh tế và kỳ vọng của công chúng về hiện đại hóa nền kinh tế sẽ trở thành các yếu tố ngày càng quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nga là “Lá bài mối đe dọa ngoại bang” không thể cứ được dùng hết lần này đến lần khác, điều đó có nghĩa là chính phủ và doanh nghiệp Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đi căn bản để cải thiện hiệu suất của nền kinh tế Nga trong con mắt của xã hội. Cuộc khủng hoảng mang đến cơ hội để tiến hành các cải cách vốn sẽ là bất khả thi trong bối cảnh ổn định. Những thay đổi này là cần thiết cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ của Nga với các đối tác nước ngoài. Ngay cả trong thời kỳ tốt đẹp nhất, tình hình kinh tế Nga đôi khi cũng là trở ngại cho việc phát triển quan hệ chính trị. Cải cách kinh tế nên khai thông các nguồn lực mới cho tăng trưởng, mặc dù quá trình này sẽ đi kèm nhiều rủi ro lớn. Khả năng bảo đảm nền pháp quyền và tạo điều kiện khuyến khích các sáng kiến của khu vực tư nhân là một trong những điều kiện quan trọng để cải cách thành công.

Ngày 17/1/2020, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nga, Quyền Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã tiến hành họp báo tổng kết các hoạt động đối ngoại của Nga trong năm 2019 và nêu một số kế hoạch hoạt động trong năm 2020. Nga nỗ lực đảm bảo thượng tôn luật pháp quốc tế và duy trì vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong nền chính trị thế giới, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột và ngăn ngừa các kịch bản đối đầu trong các vấn đề Triều Tiên, Iran và Venezuela. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nỗ lực của Nga trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế theo định dạng Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và các hoạt động của Nga trong vai trò là thành viên của các tổ chức quốc tế như G20, Nhóm BRICS, SCO, Hội đồng Bắc Cực và các hiệp hội đa phương khác. Quyền Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định ưu tiên chính sách đối ngoại truyền thống của Nga là không gian hậu Xô Viết, bao gồm các nước thành viên Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), nhấn mạnh sự hợp tác của Nga và Belarus trong khuôn khổ của Nhà nước Liên minh và phối hợp hoạt động ngoại giao trong Chương trình hành động phối hợp trong lĩnh vực chính sách đối ngoại giai đoạn 2020 – 2021. Nhà ngoại giao Nga khẳng định những nỗ lực của Nga đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì môi trường hòa bình ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt tại Syria và Libya. Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh những kết quả hợp tác đã đạt được trong năm vừa qua với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ và mối quan hệ đa dạng với các nước thành viên ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới