Gần ba tháng qua, cơn bão dịch Covid-19 đã càn quét qua hơn 200 quốc gia, qua hầu khắp các bang của nước Mỹ. Không ngần ngại, ông Trump đã lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc – mảnh đất đã mọc mầm cây độc hại có tên virus Vũ Hán. Trước sự rung chuyển thế giới và nước Mỹ Tổng thống Mỹ đã cố gắng xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên định, sáng suốt trong thời kỳ khủng hoảng.
Bắc Kinh quan tâm sâu sắc tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.Và đương nhiên, người mà ông Tập hướng tới không phải là Trump. Còn Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng thẳng thắn tỏ thái độ. Tại các cuộc gặp cử tri ông Trump tuyên bố rõ, rằng sẽ chuyển hướng sang cuộc đối đầu thương mại ngày càng gay gắt với Trung Quốc.
Mục tiêu này rất rõ ràng, Tổng thống Trump muốn khẳng định ông sẽ là người cứng rắn với Trung Quốc hơn bất cứ đối thủ tiềm năng nào trong cuộc bầu cử sắp tới. “Chống lại Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc là một điều tuyệt vời” – Tổng thống Trump chẳng hề giấu diếm.
Ông Trump mỉa mai cựu phó tổng thống Joe Biden khi ông này tuyên bố Trung Quốc tìm cách rút khỏi thỏa thuận thương mại với Mỹ bởi muốn chờ nhiệm kỳ của Tổng thống Trump qua đi, và Bắc Kinh có thể tìm kiếm một thỏa thuận khác có lợi hơn từ một tổng thống phe Dân chủ. Trước tuyên bố của Biden, Tổng thống Trump nói: “Ông Biden là một trong những ứng viên mềm yếu của đảng Dân chủ, và vì thế sẽ tiếp tục xé nát nước Mỹ”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đại dịch Covid-19 chẳng khác gì cú đấm nốc ao nền kinh tế Mỹ. Kinh tế suy thoái nghiêm trọng sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, cuộc bầu cử Tổng thống đã đến rất gần. Những lá phiếu bầu cho vị Tổng thống đương nhiệm trở nên mong manh, là một lựa chọn khó.
Bao giờ cũng thế nền kinh tế phát triển hay trồi sụt, khủng hoảng ảnh hưởng quyết định tới các chiến dịch tranh cử Tổng thống. Bao giờ các cử tri cũng quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện tài chính trong năm bầu cử so với các năm trước đó trong nhiệm kỳ của Tổng thống. Xin các bạn cùng nhớ lại thất bại của Jimmy Carter vào năm 1980, thất bại của George H. W. Bush vào năm 1992 và chiến thắng của Barack Obama năm 2012.
Lúc bấy giờ tỷ lệ thất nghiệp tăng rất mạnh trong chiến dịch tái tranh của Carter và Bush. Còn trường hợp Obama đối đầu với Mitt Romney năm 2012, ông đã tìm cách vực dậy nền kinh tế sa lầy, khiến cho mọi thứ thay đổi. Obama đã giành chiến thắng ngoạn mục.
Rút kinh nghiệm của các vị tiền nhiệm Donald Trump đã có nhiều giải pháp cứng rắn thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm số người thất nghiệp. Hôm 27/3, vị Tổng thống đương nhiệm đã ký thông qua dự luật về gói cứu trợ kinh tế cao nhất từ trước tới nay (trị giá 2.000 tỷ USD) để giảm nhẹ tác động của dịch Covid -19.
Xử lí khủng hoảng trước những sự kiện động trời chính là thể hiện tài năng, bản lĩnh của nhà lãnh đạo. Những sự kiện như Trân Châu Cảng, vụ khủng bố 11/9 đã giúp các Tổng thống Mỹ thời điểm đó gia tăng tỷ lệ ủng hộ rất cao từ các cử tri. Năm 2020 trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ ủng hộ Trump cũng tăng cao chưa từng thấy. Một cuộc khảo sát của Gallup ngày 22/3, có tới 49% những người được hỏi đồng tình với cách điều hành đất nước của Tổng thống Trump hiện nay.
Có một câu hỏi mà các nhà phân tích đặt ra: Những phản ứng nhanh nhạy của Tổng thống Trump trước đại dịch Covid-19 có tác động đến cơ hội tái đắc cử của ông? Theo Fareed Zakaria, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ: lúc này chưa thể khẳng định điều này. Tuy nhiên những nỗ lực tái đắc cử của Trump sẽ phụ thuộc vào khả năng ổn định nền kinh tế của ông trong cuộc khủng hoảng. Tổng thống Trump không chỉ đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 mà rõ ràng ông còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch bệnh tác động.
Chuyên gia Zakaria nêu con số thuyết phục: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng y tế ở thời điểm hiện tại nhưng một cuộc khủng hoảng kinh tế rồi cũng sẽ đến. Trong 2 tuần qua, 10 triệu người đã nộp hồ sơ thất nghiệp, con số này cao hơn 108 lần trong cuộc suy thoái năm 2007 – 2008”.
Qua đại dịch này nếu Donald Trump đủ khả năng để kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế, đồng thời khôi phục nền kinh tế thì người dân Mỹ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho một nhà lãnh đạo có đủ khả năng dẫn dắt đất nước ra khỏi khủng hoảng. Ngược lại thì đường vào Nhà Trắng năm 2020 sẽ trở nên xa vời đối với nhà lãnh đạo 74 tuổi này.
Comments are closed.