Tuesday, January 21, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì qua vụ tàu Hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá...

Thấy gì qua vụ tàu Hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam

Trung Quốc không chỉ xâm chiếm trái phép biển đảo của Việt Nam, mà còn sử dụng lực lượng chấp pháp tấn công, bắt giữ, trấn lột trái phép tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc cần được cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mạnh mẽ.

Từ khía cạnh thực tiễn và luật pháp quốc tế cho thấy, lực lượng chấp pháp Trung Quốc tiến hành đâm va, xua đuổi, thậm chí là cướp tài sản của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại các Tuyên bố chung, nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước mà còn đe dọa an toàn, tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam. Cụ thể:

Đầu tiên, Việt Nam là nước có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, được luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) thừa nhận. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình. 

Dựa trên UNCLOS có thể thấy: Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi UNCLOS. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thứ hai, việc lực lượng chấp pháp của Trung Quốc tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa là vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam, song đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp xâm chiếm vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với khu vực này, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên  ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình. 

Thứ ba, Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC. Theo đó, tại Điều 5 của DOC đã được Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết, thông qua vào tháng 11 năm 2002 tai PhnomPenh, Vương quốc Campuchia quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng. Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra”.

Thứ tư, Trung Quốc là một nước lớn, đã ký kết, tham gia nhiều Công ước, quy định quốc tế liên quan việc bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp khó khăn trên biển, song hành động tấn công, ngặn chặn, xua đuổi ngư dân Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, mà cụ thể là mục a, mục b, Khoản 1, Điều 98 của UNCLOS. Điều 98 quy định “Mọi quốc gia đòi hỏi thuyền trưởng của một chiếc tàu mang cờ của nước mình, trong chừng mực có thể làm được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con tàu, cho đoàn thủy thủ hay cho hành khách trên tàu, phải: a) Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển; b) Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế; c) Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến”.

Thứ năm,hành động trên của lực lượng chức năng Trung Quốc còn đi ngược lại các tuyên bố, nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về vấn đề Biển Đông, nhất là Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước đã ký kết năm 2011. 

Dù biết vi phạm luật pháp quốc tế, Cảnh sát biển Trung Quốc cố tình tấn công, xua đuổi và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam nhằm phục vụ âm mưu riêng.

Thứ nhất, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Thứ hai, thông qua việc tấn công, xua đuổi và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc muốn phản bác lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. 

Thứ ba, Trung Quốc muốn thông qua hành động phi pháp trên để mặc cả, răn đe, hăm dọa ngư dân các nước đang khai thác hải sản ở Biển Đông.

Nhìn chung, Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công, xua đuổi và cướp tài sản của ngư dânViệt Nam ở quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Trước những hành động trên của giới cầm quyền Trung Quốc, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có lợi ích trong khu vực cần chung tay đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Nếu các nước không chung tay, đối phó Trung Quốc thì hòa bình, ổn định trong khu vực không thể được duy trì và bảo vệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới