Tuesday, January 21, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTuyên bố dối trá của những kẻ đê hèn: “Tàu cá Việt...

Tuyên bố dối trá của những kẻ đê hèn: “Tàu cá Việt Nam đâm tàu Hải cảnh TQ”

Sau khi bị Việt Nam trao công hàm phản đối và yêu cầu bồi thường cho ngư dân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (03/4) đã ngang ngược đưa ra những tuyên bố bịa đặt trắng trợn, cho rằng tàu cá Việt Nam đã “đâm vào mũi tàu Hải Cảnh Trung Quốc và tự chìm xuống biển”. Đây được coi là một trong những tuyên bố dối trá, đê hèn mới của giới chức Trung Quốc liên quan việc tấn công, đâm chìm và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam.

Tuyên bố đê hèn

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra những lời phát ngôn dối trá, lừa đảo cho rằng: “Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết”. Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuyên bố sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc “tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của ‘quần đảo Tây Sa’ của Trung Quốc để đánh bắt cá”. Bà Hoa còn ngang nhiên khẳng định “tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu Việt Nam thông báo với ngư dân của mình và điều chỉnh hoạt động đánh cá của họ để đảm bảo không tái phạm việc xâm phạm vùng biển liên quan tới quần đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”.

Ngoài ra, theo trang weibo @中国海警 (Trung Quốc Hải cảnh), Người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc Trương Quân (03/4) cũng phát biểu với giọng điệu đổi trắng thay đen, ngụy biện, vu cáo trắng trợn khi cho rằng: “Sáng sớm ngày 2/4, tàu cá Việt Nam QNG-90617TS đã “xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam)” để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4031 của Trung Quốc đã “tiến hành cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam đã từ chối rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301”. Hải cảnh Trung Quốc còn dựng nên màn kịch “các thuyền viên tàu đánh cá Việt Nam thú nhận đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc và thực hiện các di chuyển nguy hiểm”.  Trương Quân còn dọa dẫm: “Gần đây, các tàu đánh cá Việt Nam thường xuyên xâm nhập vùng biển Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) để thực hiện các hoạt động xâm ngư. Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam thực hiện các biện pháp để tránh các sự cố tương tự xảy ra. Hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa sự kiểm soát và điều tra, trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Trung Quốc”.

Thói quen của người Trung Quốc

Việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những tuyên bố ngụy biện, dối trá, vu cáo trắng trợn liên quan việc lực lượng chấp pháp nước này tấn công, đâm va, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông không phải là hiếm gặp.

Trong vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 (6/3/2019) đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/3) xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm. Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”.

Sự thật phơi bày

Trên thực tế, vào khoảng 3h ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở tọa độ 16 độ 42 phút độ vĩ bắc và 112 độ 25 phút độ kinh đông. Trên tàu khi đó có 8 thuyền viên. Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm. Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ. Lúc này, các tàu cá tiếp tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, 2 tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm. Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.

Đây là sự dối trá không thể chấp nhận bởi các ngư dân Việt Nam hoàn toàn đánh bắt cá hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và cũng không hề có hành động nguy hiểm đối đầu với Trung Quốc như bà Hoa vu cáo. Đáp trả hành động vô lối của Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/4 đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Trung Quốc tráo trở trong hành động và phát ngôn về việc đâm chìm tàu cá Việt Nam cho thấy bản chất và âm mưu thâm hiểm của Bắc Kinh khi tìm cách độc chiếm Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới