Monday, January 20, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam phản đối TQ tại Liên Hiệp Quốc

Việt Nam phản đối TQ tại Liên Hiệp Quốc

Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vừa gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Phản đối các yêu sách của Trung Quốc

Cụ thể, công hàm của Việt Nam gửi đi nêu rõ: Liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12.12.2019 và nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa; và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23.3.2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán như sau:
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
 
Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với điều 121(3) của UNCLOS 1982; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.
Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại UNCLOS 1982, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.
Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên Hiệp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu hành công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc. 
Phản ứng của Việt Nam đối với công hàm của Trung Quốc như vậy là hợp lý và nhất quán với các tuyên bố trước đây của Việt Nam về chủ quyền cũng như quyền lợi hợp pháp của Việt Nam về khai thác tài nguyên biển ở khu vực Biển Đông

Thế hiện rõ quan điểm nhất quán

Ngày 7.4, trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Phản ứng của Việt Nam đối với công hàm của Trung Quốc như vậy là hợp lý và nhất quán với các tuyên bố trước đây của Việt Nam về chủ quyền cũng như quyền lợi hợp pháp của Việt Nam về khai thác tài nguyên biển ở khu vực Biển Đông”.
Cũng theo TS Trung, mặc dù các công hàm cũng như phản đối của các bên gửi cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vốn không phải là cơ quan pháp lý, nhưng nó thể hiện lập trường lợi ích của các bên, cũng như quan điểm của Việt Nam tuân theo luật pháp quốc tế.
“Đây cũng là thông điệp của Việt Nam đối với Trung Quốc rằng các cuộc đàm phán sắp tới về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN vẫn còn rất nhiều khác biệt khi Trung Quốc không chịu từ bỏ yêu sách ngang ngược với đường 9 đoạn của mình ở khu vực này. Mặc dù Trung Quốc cố gắng thúc đẩy việc ký COC trước khi kết thúc năm 2021, nhưng với các công hàm của Trung Quốc gửi cho Liên Hiệp Quốc, tôi nghĩ rằng toàn thể ASEAN khó bị thuyết phục”, TS Trung nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Việt (thành viên ban nghiên cứu luật biển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng: “Là một nước có lợi ích liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, phía Việt Nam cần phải có văn bản chính thức để đáp trả các vấn đề trên. Công hàm của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc là văn bản pháp lý chính thức của nước CHXHCN Việt Nam, được lưu lại tại Liên Hiệp Quốc. Phản ứng của Việt Nam trong trường hợp này là phù hợp”.
Cần tiếp tục phản đối phát ngôn của phía Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường liên quan đến việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục phản đối việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh bịa đặt rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Trên mặt trận truyền thông, Việt Nam cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ Chính phủ; đồng thời cần gửi công hàm cho các nước và các tiếp xúc ngoại giao cần thiết để thông báo sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam cho các nước biết.
PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)
Trung Quốc né tránh trách nhiệm
Tối qua (7.4), mạng lưới truyền hình Trung Quốc CGTN đưa tin Bắc Kinh cùng ngày đưa ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên còn lên án việc Mỹ ngày 6.4 đưa ra thông cáo phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng.
Trước đó, trong thông cáo của Mỹ, phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao nước này cũng bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngưng lợi dụng sự xao nhãng của các nước khác để xác lập các yêu sách biển bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”.
RELATED ARTICLES

Tin mới