Wednesday, October 9, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVũ khí không gian: Cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc

Vũ khí không gian: Cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc

Sau vũ khí siêu thành, các cường quốc quân sự đang thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo vũ khí không gian nhằm tạo thế chủ động trong cuộc đua kiểm soát không gian vũ trụ.

Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang phát triển vũ khí mới đe dọa các chuỗi vệ tinh của các cường quốc khác. Vũ khí chống vệ tinh rất hữu ích không chỉ làm tê liệt năng lực của kẻ thù trên chiến trường, chúng còn đe dọa các ứng dụng không gian dân sự. Kết quả là đối phương sẽ khó xác định các cuộc tấn công đến từ đâu, ai là thủ phạm. Hệ thống vũ khí  tinh vi này còn có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào sức mạnh quân sự và kinh tế của các cường quốc không gian trong hòa bình và chiến tranh.

Nga đầu tư vũ khí chống vệ tinh

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và một từ Quỹ Thế giới Bảo mật (CSIS và SWF, đều có trụ sở ở Mỹ), Nga đang đầu tư đáng kể vào vũ khí chống vệ tinh. Tên lửa 14A042 Nudol có nguồn gốc từ các tên lửa đánh chặn đạn đạo, có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo, có khả năng chống vệ tinh hạn chế. Nudol đã hoàn thành bảy bài kiểm tra cho đến nay. SWF cũng cho biết có dấu hiệu Moscow đang nâng cấp hệ thống giám sát không gian Krona của họ với hệ thống lóa laser Kalina, nhằm làm mù hoặc làm hỏng cảm biến quang của các vệ tinh gián điệp nước ngoài. CSIS lưu ý rằng hệ thống laser Peresvet có thể được sử dụng để làm hỏng các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

Nga cũng đang đầu tư vào các khả năng chống vệ tinh gần Trái đất hơn, đưa vào sử dụng các hệ thống gây nhiễu vệ tinh phá vỡ luồng dữ liệu giữa các vệ tinh và khách hàng trên mặt đất. CSIS lưu ý rằng đã có nhiều báo cáo về việc gây nhiễu GPS xung quanh các lực lượng Nga ở Syria. Việc phá vỡ GPS gây khó khăn cho phi công đối phương, làm sai lệch đường bay của các vũ khí tự dẫn hướng. Sự gián đoạn có thể ở dạng gây nhiễu tín hiệu GPS, ngăn người dùng không nhận được bất kỳ dữ liệu nào, đến các vị trí giả mạo và lén lút gửi dữ liệu vị trí giả mạo.

Đáng chú ý, Nga từng nhiều lần cảnh báo Mỹ về việc phát triển vũ khí không gian. Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí và Hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Ermakov đã cảnh báo Mỹ không nên đưa vũ khí vào không gian; cho biết “trong học thuyết quân sự của Mỹ quy định rất rõ ràng rằng, nước này sẽ huy động toàn bộ lực lượng có thể huy động được để giành quyền chủ đạo trong không gian. Điều này nhằm mục đích gì, không nói mọi người cũng thấy rất rõ. Trong trường hợp tất yếu, Mỹ sẽ bố trí vũ khí tấn công và các thiết có thể hủy diệt bất cứ quốc gia khác mà Mỹ không thích”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dừng tất cả các bước củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian vũ trụ vì cho rằng hành động này phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu; nhấn mạnh mọi công tác chuẩn bị cho việc thành lập nhóm phòng thủ tên lửa đạn đạo trên vũ trụ rõ ràng là những bước đi tiếp theo để hiện thực hóa nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu “người Mỹ thống trị vũ trụ”.

Trung Quốc không kém cạnh

Trung Quốc hiện đang phát triển từ 1-3 chương trình tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất (DA-ASAT), trong đó có một chương trình đã đến giai đoạn vận hành. Theo SWF, tên lửa chống các vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp (độ cao tối đa 2.000 km) của Trung Quốc dường như đã hoàn thiện và có thể hoạt động trên các bệ phóng di động. Trong khi đó, năng lực DA-ASAT của nước này nhằm vào các mục tiêu xa hơn trong không gian có thể đang ở giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Chưa có chứng cứ cho thấy năng lực này có thể đạt được trong tương lai gần.

Tên lửa SC-19, còn gọi là DN-1, chính là tên lửa động lực đã tiêu diệt vệ tinh thời tiết Phong Vân 1C của Trung Quốc trong thử nghiệm vào năm 2007. Vũ khí này dường như được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo DF-21 (Đông Phong-21) và được tuyên bố đã đưa vào vận hành, theo SWF.

Trong khi đó, báo cáo của CSIS cho rằng Lực lượng Chi viện chiến lược thuộc quân đội Trung Quốc được thành lập vào năm 2015 nhằm thống nhất các lĩnh vực không gian, không gian điện từ và không gian mạng, và đã bắt đầu huấn luyện các đơn vị đặc biệt với vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp. Trung Quốc cũng đang phát triển các vũ khí khác như các tên lửa DN-2 và DN-3 có thể sử dụng cho mục đích diệt vệ tinh hoặc phòng thủ tên lửa đạn đạo, dù nước này chưa tiến hành thử nghiệm lưu lại các mảnh vỡ. Cũng theo báo cáo của CSIS, các chuyên gia cho rằng các thử nghiệm vật lý động lực khác được tiến hành kể từ lần thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh năm 2007.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phát triển hệ thống vũ khí laser chống vệ tinh trên mặt đất trong năm 2020. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu các thiết bị gây nhiễu trên mặt đất để phá vỡ các luồng dữ liệu  các vệ tinh, một khả năng quan trọng có thể được sử dụng để chống lại một kẻ thù hoạt động ở khoảng cách xa như Mỹ.

Mỹ không phải dạng vừa

 Có lẽ chương trình vũ khí chống vệ tinh tiên tiến nhất thế giới hiện nay là của Mỹ. Quân đội nước này có một số vũ khí chống vệ tinh đáng gờm, bao gồm tên lửa đánh chặn mặt đất ở Alaska và Hawaii. Hệ thống GBI ban đầu được phát triển để bắn hạ các tên lửa đạn đạo nhắm vào Mỹ khi chúng đi qua quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

Bên cạnh đó, các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề xuất chi 304 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2020 để tài trợ cho chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí laser và vũ khí chùm hạt trong không gian, cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong thời gian tới. Ngoài ra, các quan chức quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm vũ khí chùm hạt trung tính trên quỹ đạo vào năm tài chính 2023, như một phần trong nỗ lực tăng cường khám phá những loại vũ khí hoạt động trong không gian. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, những loại vũ khí này là cần thiết nhằm chống lại các loại tên lửa mới của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, việc tính toán những loại nào có thể hoạt động tốt là một thách thức về kỹ thuật. Vì vậy Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện hai nghiên cứu. Trước hết là đánh giá xem liệu các loại vệ tinh được trang bị lazer có thể vô hiệu hóa tên lửa của đối phương ngay khi được bắn đi từ bệ phóng hay không. Dự kiến nghiên cứu này sẽ tiêu tốn khoảng 15 triệu USD và được hoàn thành trong 6 tháng. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng sẽ rót kinh phí cho việc nghiên cứu vũ khí chùm hạt trung tính trong không gian, một dạng khác của vũ khí năng lượng định hướng có khả năng phá hủy tên lửa bằng các luồng hạt hạ nguyên tử di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Việc đẩy mạnh phát triển vũ khí không gian phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của Mỹ về sự tiến bộ trong công nghệ tên lửa từ các đối thủ “cạnh tranh” như Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên. Tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Các vũ khí tương lai sẽ cung cấp những tùy chọn mới cho việc chống tên lửa của hệ thống phòng thủ tên lửa và tạo ra một lớp bảo vệ khác cho an ninh của nước Mỹ”. Theo các quan chức quốc phòng, những tùy chọn mới này là cần thiết để tiêu diệt tên lửa theo từng giai đoạn chẳng hạn như khi rời bệ phóng hay tăng tốc. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển các loại vũ khí mới trong không gian cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ông Kingston Reif, giám đốc nghiên cứu giải trừ vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho rằng: “ Việc triển khai vũ khí đánh chặn trong không gian sẽ là một thảm họa đối với sự ổn định chiến lược. Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả bằng cách chế tạo thêm các loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới hoặc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực phá hủy hệ thống đánh chặn của Mỹ, do đó sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các loại khí tài của Mỹ trong không gian”.

Mỹ đã ký Hiệp ước ngoài không gian vào năm 1967, trong đó có điều khoản cấm đưa các loại vũ khí hạt nhân lên không gian. Tuy nhiên theo một quan chức Bộ Quốc phòng, Hiệp ước này không tạo ra rào cản đối với việc triển khai vũ khí laser và vũ khí chùm hạt. “Hiệp ước ngoài không gian năm 1967 quy định không đưa những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt lên không gian, hạn chế tiến hành các động thái quân sự trên những thiên thể ngoài trái đất. Dẫu vậy, Hiệp ước không cấm việc triển khai các loại vũ khí không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới