Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, Trung Quốc đang là người giành được nhiều lợi nhất, kể cả về kinh tế, ảnh hưởng chính trị lẫn danh tiếng. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do Trung Quốc gây ra.
Dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 209 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Theo số liệu thống kê, trên thế giới đã có 1.273.720 người mắc; 69.459 người tử vong, trong đó: Hoa Kỳ: 336.830 người mắc; 9.618 tử vong; Tây Ban Nha: 131.646 người mắc; 12.641 người tử vong; Italy: 128.948 người mắc; 15.887 người tử vong; Đức: 100.123 người mắc; 1.584 người tử vong; Trung Quốc: 81.669 người mắc; 3.329 người tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á: Malaysia có 3.662 người mắc và 61 ca tử vong; Philippines có 3.246 người mắc và 152 ca tử vong; Indonesia có 2.273 người mắc và 198 ca tử vong; Thái Lan có 2.220 người mắc và 26 ca tử vong; Singapore có 1.309 người mắc và 6 ca tử vong; Việt Nam có 241 trường hợp mắc COVID-19.
Dịch bệnh từ đâu ra
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 chủng mới có nguồn gốc từ đâu và sẽ chỉ có thể chứng minh nguồn gốc của nó nếu họ phân lập được virus sống trong một loài bị nghi ngờ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Nature Medicine cho thấy virus COVID-19 xuất hiện từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là một sản phẩm của tiến hóa tự nhiên. Việc phân tích dữ liệu trình tự bộ gien SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được công khai và các virus có liên quan không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy virus Corona mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc được “thiết kế chỉnh sửa gien”. Theo các chuyên gia, virus Corona là một họ virus lớn có thể gây bệnh ở mức độ nghiêm trọng. Bệnh nặng đầu tiên được biết đến do virus Corona gây ra là dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 ở Trung Quốc. Một đợt bùng phát bệnh nặng thứ hai do virus Corona gây ra bắt đầu vào năm 2012 tại Ả Rập Xê Út với Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các nhà khoa học đã phân tích khuôn mẫu di truyền cho protein tăng đột biến, vũ khí ở bên ngoài virus Corona mà nó sử dụng để bám lấy và xâm nhập vào các bức tường bên ngoài của tế bào người và động vật. Cụ thể hơn, họ tập trung vào hai tính năng quan trọng của protein tăng đột biến gồm: miền liên kết với thụ thể (RBD) – một loại móc bám vào tế bào chủ, và vị trí phân cắt – dụng cụ mở hộp phân tử cho phép virus Corona bẻ khóa xâm nhập vào các tế bào chủ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng phần RBD của protein tăng đột biến trong SARS-CoV-2 đã tiến hóa để tấn công hiệu quả một đặc điểm phân tử ở bên ngoài tế bào người gọi là ACE2 – một thụ thể liên quan đến điều hòa huyết áp. Protein tăng đột biến SARS-CoV-2 rất hiệu quả trong việc liên kết các tế bào người. Trên thực tế, các nhà khoa học kết luận rằng đó là kết quả của chọn lọc tự nhiên chứ không phải sản phẩm của “chế tạo hoặc chỉnh sửa gien”. Bằng chứng về sự tiến hóa tự nhiên này được hỗ trợ bởi dữ liệu về xương sống của SARS-CoV-2 – cấu trúc phân tử tổng thể của nó. Nếu ai đó đang tìm cách chế tạo một loại virus Corona mới như một mầm bệnh, họ sẽ tạo ra nó từ xương sống của một loại virus đã chứng tỏ khả năng gây bệnh. Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng xương sống SARS-CoV-2 khác biệt đáng kể so với các loại virus Corona đã biết và hầu hết giống với các virus liên quan được tìm thấy ở dơi và tê tê.
Dựa trên phân tích giải trình tự bộ gien được công bố, giới chuyên gia nhận định, nguồn gốc khả dĩ nhất của SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 theo một trong hai tình huống có thể xảy ra như sau. Trong một kịch bản, SARS-CoV-2 đã tiến hóa đến trạng thái gây bệnh hiện tại thông qua chọn lọc tự nhiên trong vật chủ không phải là người và sau đó nhảy sang người. Đây là cách mà các đợt bùng phát virus Corona trước đây đã xuất hiện, với việc con người nhiễm virus sau khi tiếp xúc trực tiếp với cầy hương (SARS) và lạc đà (MERS). Các nhà nghiên cứu xem dơi có khả năng cao nhất là ổ chứa SARS-CoV-2 vì nó rất giống với virus Corona ở dơi. Tuy nhiên, không có trường hợp nào được ghi nhận là truyền bệnh trực tiếp từ dơi sang người. Điều này cho thấy rằng vật chủ trung gian có khả năng liên quan giữa dơi và người.
Trong kịch bản đang được đề cập, cả hai tính năng đặc biệt của protein tăng đột biến của SARS-CoV-2 – phần RBD liên kết với các tế bào và vị trí phân cắt mở virus sẽ tiến hóa đến trạng thái hiện tại của chúng trước khi xâm nhập vào người. Trong trường hợp này, dịch bệnh COVID-19 hiện tại có thể bùng phát nhanh chóng ngay khi con người bị nhiễm bệnh, vì virus đã phát triển các tính năng khiến nó gây bệnh và có khả năng lây lan giữa người và người. Trong kịch bản khác, một phiên bản virus không gây bệnh đã nhảy từ vật chủ là động vật sang người và sau đó tiến hóa đến trạng thái gây bệnh hiện tại ở con người. Chẳng hạn, một số virus Corona từ tê tê có cấu trúc RBD rất giống với RBD của SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Một virus Corona từ tê tê có thể đã được truyền sang người, trực tiếp hoặc thông qua một vật chủ trung gian như cầy hương hoặc chồn sương. Sau đó, đặc tính protein tăng đột biến khác của SARS-CoV-2, vị trí phân cắt, có thể đã tiến hóa trong vật chủ con người rồi lây lan.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vị trí phân cắt SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 có vẻ giống với vị trí phân cắt của các chủng cúm gia cầm đã được chứng minh là dễ dàng lây truyền giữa người với người. SARS-CoV-2 có thể đã phát triển một vị trí phân cắt độc hại như vậy trong tế bào người và sớm khởi phát dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, vì virus Corona này ngày càng có thể lây lan giữa người với người nhiều hơn.
Nếu SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào người ở dạng gây bệnh hiện tại từ nguồn động vật, nó sẽ làm tăng khả năng bùng phát trong tương lai, vì chủng virus Corona gây bệnh vẫn có thể lưu hành trong quần thể động vật và một lần nữa có thể nhảy sang con người.
Khả năng thấp hơn là một loại virus Corona không gây bệnh xâm nhập vào quần thể người và sau đó tiến hóa các đặc tính tương tự như SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.
Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để giành lợi thế
Đầu tiên, Trung Quốc hiện đang trở thành nước thu lợi lớn nhất về xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế. Hãng AFP (5/4) cho biết, Trung Quốc xuất khẩu gần 4 tỉ khẩu trang kể từ tháng 3 đến nay. Dù số ca nhiễm Covid-19 giảm, Trung Quốc vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà máy gia tăng sản xuất trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan toàn cầu và nhiều nơi thiếu hụt trang thiết bị. Một quan chức hải quan Trung Quốc cho biết nước này xuất khẩu 3,86 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu bộ trang phục bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 đến tổng cộng hơn 50 nước kể từ ngày 1/3. Doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng trong thời gian qua đạt 10,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỉ USD hay 33.895 tỉ đồng). Trung Quốc cũng tăng công suất sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19 lên 4 triệu bộ/ngày.
Tuy nhiên, nhiều nước như Hà Lan, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha từng phàn nàn về tình trạng sản phẩm chất lượng kém hoặc bị lỗi. Tuần trước, Hà Lan thu hồi 600.000 khẩu trang Trung Quốc không đạt chất lượng. Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó khẳng định “nhà sản xuất đã nói rõ đó không phải là khẩu trang phẫu thuật”. Theo một quan chức Bộ Thương mại, việc báo chí đưa tin về trang thiết bị y tế Trung Quốc bị lỗi là “không phản ánh hoàn toàn về sự việc”; đồng thời cho rằng “có nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như Trung Quốc có các tiêu chuẩn hay thói quen sử dụng khác với các nước. Thậm chí việc sử dụng sai cũng dẫn đến nghi ngờ về chất lượng”. Theo South China Morning Post, sau khi nhiều khách hàng phàn nàn về các sản phẩm kém chất lượng, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty tại nước này phải được Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia chứng nhận mới được xuất khẩu.
Thứ hai, xây dựng hình tượng “nước lớn có trách nhiệm”. Chính quyền Trung Quốc dùng truyền thông bằng tiếng Anh để nhấn mạnh thất bại của phương Tây trước Covid-19, nhằm nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Những bức ảnh chụp số hàng viện trợ của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Heathrow (Anh) cuối tuần qua, với những chiếc thùng được dán nhãn “Hãy bình tĩnh và điều trị nCoV”, được hãng thông tấn Xinhua đăng tải và quảng bá đến khán giả Anh như “chính sách ngoại giao khẩu trang”. Trên Twitter, mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc, một số nhà ngoại giao trẻ chia sẻ nghi ngờ rằng phương Tây đã tạo ra nCoV để gây mất uy tín cho chính quyền Trung Quốc. Giáo sư Kerry Brown, trợ lý chương trình châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực biến thảm hoạ quốc gia thành một chiến thắng toàn cầu. Họ đang nỗ lực phản công một số quan điểm chính trị hoá vấn đề này tại Mỹ và cố gắng kiểm soát vấn đề trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu an ninh mạng Record Future cho hay họ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu trên các tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc từ giữa tháng 2, trong đó nước này tìm cách biến Trung Quốc từ “nguồn gốc của đại dịch sang vai trò lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó Covid-19”. Theo cách tiếp cận này, hàng chục bài báo của tờ People’s Daily đã xuất hiện trên báo Anh Daily Telegraph theo một thoả thuận tài trợ sinh lợi với những tiêu đề như “Tại sao một số người xem nỗ lực ngăn chặn nCoV đầy anh hùng của Trung Quốc là phi nhân đạo?”. Có một điều chưa rõ là liệu khán giả phương Tây có bị tác động trước các thông tin từ Trung Quốc hay không. Lượng người xem của CGTN không được công bố, trong khi trang Facebook tại Anh của Xinhua rất ít tương tác. Tuy nhiên, giáo sư Brown cho rằng cách tuyên truyền của Trung Quốc quá bảo thủ và lộ liễu so với cách tuyên truyền hiệu quả và kín kẽ hơn ở những nước như Nga. Pháp cũng trở nên cảnh giác trước những nỗ lực của Trung Quốc lợi dụng đại dịch để ca ngợi sự ưu việt của hệ thống chính trị. Trong một lưu ý nội bộ, CAPS, tổ chức nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Pháp, cảnh báo Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn cầu hoá và lãnh đạo toàn cầu trong tương lai sau Covid-19, nếu các chính quyền dân chủ không đưa ra được những giải pháp tốt hơn khi cuộc khủng hoảng qua đi.
Thứ ba, Trung Quốc trở thành người “viện trợ cho Mỹ” – điều chưa từng có trước đây. Trong lúc Nhà Trắng và chính quyền các tiểu bang không ngừng chỉ trích nhau vì tình trạng thiếu vật tư y tế và sự trợ giúp của chính phủ liên bang, Trung Quốc đã chớp thời cơ nhảy vào viện trợ. Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo, đã không tiếc lời ca ngợi Trung Quốc sau khi nhận được lô hàng viện trợ 1.000 máy thở từ nước này trong lúc chê trách sự chậm chạp và keo kiệt của chính quyền Donald Trump.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang đối mặt với sự giận dữ và chỉ trích từ các thống đốc tiểu bang về sự hỗ trợ liên bang trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Sự thất vọng càng tăng lên khi hàng viện trợ đến nơi nhưng không sử dụng được. Hồi tuần trước, thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã lên mạng xã hội Twitter nói thẳng bang của ông cần 10.000 máy thở nhưng chính quyền liên bang chỉ cấp cho 170 máy. Sẽ chẳng có gì để nói nếu cả thảy 170 máy lấy từ kho dự trữ quốc gia này đều bị hư hỏng, phải sửa lại mới sử dụng được. Tại Alabama, chính quyền bang cho biết họ “cạn lời” khi nhận được 6.000 khẩu trang y tế chuyên dụng từ kho dự trữ quốc gia nhưng tất cả đều đã hết hạn sử dụng cách đây…10 năm. Oregon thì đỡ hơn một chút, các khẩu trang vẫn còn hạn sử dụng nhưng dây đeo và nẹp mũi thì không biết bung ra lúc nào. Một nhóm nghị sĩ của bang New Hampshire cũng viết thư phàn nàn về chất lượng của 16.000 găng tay cao su được phân phát và cho biết nhận xong chỉ để đó chứ không dùng được vì gây ra dị ứng. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tuần trước thừa nhận một số vật tư y tế lấy từ kho dự trữ quốc gia có thể đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, do tình hình cấp bách và diễn biến nhanh của dịch bệnh, các mặt hàng này vẫn được gởi đến các bệnh viện.