Sau khi Trung Quốc điều tàu Hải Cảnh 4031 cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt hải sản trong vùng biển gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị cộng đồng quốc tế lên án chỉ trích thậm tệ.
Thủ phạm đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus (6/4) đăng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ trên Twitter kèm dòng chú thích: “Mỹ lên án thông tin về việc Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào ngày 2/4. Thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông”. Tuyên bố này khẳng định Mỹ “cực kỳ quan ngại về những tin tức liên quan tới vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông”. Trong tuyên bố trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vụ việc đâm chìm tàu Quảng Ngãi “nằm trong số một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền phi pháp cũng như gây bất lợi cho các quốc gia Đông Nam Á láng giềng ở Biển Đông”. Phía Mỹ cũng đưa vào ngoặc kép cụm từ “trạm nghiên cứu” mà Trung Quốc nói vừa xây dựng trên các căn cứ quân sự đặt ở đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời “kêu gọi Trung Quốc thay vì làm như thế, hãy tập trung cho các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại đại dịch do virus corona gây ra (COVID-19)”.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca nhận định tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm thuyền cá, bắt ngư dân Việt Nam là loạt hành động trong ‘chiến thuật vùng xám’, thể hiện âm mưu chiếm trọn biển Đông của Bắc Kinh. Theo Phó Giáo sư Vũ Thanh Ca, có những việc Chính phủ Trung Quốc làm mà những người bình thường không thể hiểu nổi. Điển hình là việc cho Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh trắng trợn vu cáo “tàu cá Việt Nam chủ động đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc”. Những bức ảnh chụp tàu cá QNg 90617 TS đang chìm cho thấy mũi tàu đánh cá còn nguyên vẹn, trong khi thân tàu bị mũi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm nát. Các bức ảnh này là những bằng chứng sống động để cộng đồng quốc tế hiểu về Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam là những người hiểu biết. Họ biết rõ việc đâm tàu cá vào tàu hải cảnh là trái pháp luật; ngoài việc đắm tàu, mất hết tàu thuyền và ngư cụ, họ còn vi phạm pháp luật và vướng vòng lao lý. Vậy nên, dù có động cơ nào, ngư dân Việt Nam cũng không thể mang tàu cá nhỏ yếu “tự đâm” vào tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc một tàu hải cảnh của nhà nước Trung Quốc trắng trợn đi ngược lại quy định chung của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Công ước về các quy tắc quốc tế phòng ngừa va đâm trên biển như trên thể hiện nhà nước Trung Quốc đã chủ động làm ngược lại những gì đã cam kết với cộng đồng quốc tế, thậm chí coi thường luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp video clip về quá trình đâm va để làm bằng chứng cho sự vi phạm luật pháp quốc tế này.
Việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các tuyên bố vu cáo, bịa đặt cho thấy Trung Quốc không từ bất cứ thủ đoạn nào để đe dọa, bắt nạt các nước láng giềng trên Biển Đông. Bắc Kinh tưởng rằng, những hành động “côn đồ” của họ sẽ làm các nước xung quanh Biển Đông, như Việt Nam, phải lo sợ và tránh đụng độ. Họ vẫn nuôi âm mưu thâm độc, chiếm các quần đảo trên biển và toàn bộ Biển Đông, kể cả vùng biển chủ quyền của các nước khác được phân định theo luật pháp quốc tế. Những “hành động vô pháp” như chủ động đâm tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam càng khiến Bắc Kinh mất uy tín và phá hoại lòng tin của các nước trong khu vực và thế giới vào Trung Quốc và hiện Trung Quốc lộ nguyên hình là một quốc gia không đáng tin cậy và không phải là “nước lớn” theo đúng nghĩa. Hay nói cách khác, Trung Quốc là nước lớn về địa lý, dân số và kinh tế, nhưng tâm địa nhỏ nhen, xấu xa và không đáng tin cậy.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang thực hiện rất đúng những quy định trong luật pháp quốc tế, phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc theo đường ngoại giao. Các nhà lãnh đạo quốc tế và giới học giả luôn quan sát những hành động vi phạm pháp luật trên biển của Trung Quốc và sẽ đồng lòng giúp Việt Nam đấu tranh vì công lý, bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp trên Biển Đông của Việt Nam và các nước khác xung quanh Biển Đông.
Được biết, trước hành vi trên của Trung Quốc, Việt Nam trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi nêu trên. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.