Mỹ quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông; đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra tuyên bố lên án hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ở biển Đông trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) lan rộng.
Trong thông cáo báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho máy bay quân sự đặc chủng hạ cánh xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông cáo nhấn mạnh cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7-2016 xem là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này; đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống đại dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.
Được biết, Mỹ có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông trên nhiều khía cạnh như duy trì trật tự trên biển do Mỹ làm chủ đạo, bao gồm cả luật biển quốc tế theo cách giải thích của Mỹ, đặc biệt là về tự do hàng hải – trong đó có tự do hoạt động của tàu quân sự Mỹ; bảo vệ lợi ích các đồng minh, đặc biệt là các tuyến đường biển chiến lược của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines; kiểm soát sự lớn mạnh của (hải quân) Trung Quốc để đảm bảo rằng sự phát triển của quốc gia này không đảo lộn hệ thống hiện tại do Mỹ chi phối; bảo đảm lợi ích của các tập đoàn dầu khí Mỹ trong khu vực. Những lợi ích này đều mang tính căn bản và bất biến; sẽ rất khó cho Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc vì tất cả những lợi ích đó đều gắn chặt với vị thế lãnh đạo mà Mỹ mong muốn duy trì trong hệ thống toàn cầu hiện nay.
Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…). Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc liên tục có các hành động khiêu khích, đe dọa an ninh, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, đã khiến Mỹ gia tăng can dự, hiện diện quân sự trong khu vựcThời gian tới, chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Về khía cạnh ngoại giao, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực; thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Về khía cạnh quân sự, Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn; gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực; Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại, Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.